Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ

Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ - Kỳ 3: Thay đổi từ chuyến đi tới Việt Nam

Không mấy ai nghi ngờ về tính xác thực của diễn biến thứ hai trong “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 4/8/1964 để Mỹ ném bom nhiều địa điểm ở miền Bắc Việt Nam ngay trong ngày 5/8/1964. Thượng nghị sỹ Fulbright – Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại và là người trực tiếp chuyển “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” lên Thượng viện Mỹ - cho biết ông tin vào câu chuyện của Tổng thống Johnson và Bộ trưởng McNamara khi đó, bởi “trong hoàn cảnh như vậy không có một lý do nào để nghi ngờ”.

Ông D.Ellsberg và vợ.


Tuy nhiên, các tài liệu và nhân chứng sau này đã chứng minh rằng “sự kiện ngày 4/8” chỉ là một sự bịa đặt nhằm tạo ra một biện minh hợp pháp cho việc Mỹ leo thang các cuộc tấn công vào miền Bắc Việt Nam. Những bức điện khẩn được chuyển về liên tiếp trong một khoảng thời gian rất ngắn cũng khiến Ellsberg không khỏi nghi ngờ về tính xác thực của chúng. Hôm đó, sếp trực tiếp của ông, Trợ lý Bộ trưởng John McNaughton, đang bận làm việc với Bộ trưởng McNamara.

Họ thảo luận về những mục tiêu tấn công trả đũa mà Mỹ dự định sẽ tiến hành nhằm vào miền Bắc Việt Nam, sau khi diễn ra vụ thứ nhất của “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trước đó vài ngày. Vì vậy các bức điện được chuyển trực tiếp tới tay Ellsberg. Sau này, trong cuốn hồi ký của mình ông viết: “Những bằng chứng được chuyển tới trong vài ngày cho thấy dường như đã không có cuộc tấn công nào xảy ra vào ngày 4/8/1964. Năm 1967, các tài liệu dường như đều khẳng định không có cuộc tấn công thứ hai, và năm 1971, tôi buộc phải tin vào sự ngờ vực này”.

Về tuyên bố “không mở rộng cuộc chiến” của Johnson, Ellsberg cho rằng đây là một “lời nói dối có chủ đích”. Những ngày làm việc cho Lầu Năm Góc đã giúp ông hiểu được rằng mở rộng chiến tranh là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Johnson khi đó, và họ dự kiến sẽ tiến hành ngay sau khi diễn ra tổng tuyển cử. Tuy nhiên, bí mật này đã được chính phủ giấu kín, nói đúng hơn là được hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho chính phủ, trong đó có Ellsberg, ém nhẹm với thế giới bên ngoài.

Liên quan đến vụ tìm kiếm “bằng chứng máu” ngày 10/2/1965, sau này Ellsberg thừa nhận: “Trên thực tế, đó là tình tiết hổ thẹn nhất mà tôi đã làm trong một thời điểm quan trọng, để giúp McNamara thuyết phục Tổng thống rằng ông ta nên bắt đầu tiến hành một chiến dịch ném bom có hệ thống – điều mà tôi hoàn toàn phản đối”, ông nói.

Cuốn sách “Người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ” nói về D.Ellsberg.


Sau khi Nhà Trắng quyết định thực hiện chiến dịch ném bom miền Bắc dựa trên “bằng chứng máu”, Ellsberg không muốn là người ngồi nhà để nhận những thông tin do đồng đội cung cấp nữa. Ông muốn tận mắt chứng kiến cuộc chiến tàn khốc. Những năm tháng tham gia lực lượng thủy quân lục chiến đã dạy cho Ellsberg bài học là muốn biết rõ những gì đang diễn ra, anh phải có mặt tại đó. Vậy là Ellsberg tình nguyện ra chiến trường. Tại đại bản doanh của Bộ, người ta cho ông xem một bản đồ gồm hàng trăm đơn vị tuần tra của lính ngụy hàng đêm ở Sài Gòn. Một viên sỹ quan đã tiết lộ rằng bản đồ đó chỉ là một sự huyễn hoặc, cũng giống như các tin tức thắng trận gửi về nhằm củng cố tinh thần của binh sỹ. Những nơi đó không có mặt các đội tuần tra ban đêm của quân Cộng hòa mà chỉ có Việt Cộng. Họ làm chủ đất nước về đêm.

Trước khi đến Sài Gòn, Ellsberg thường bị ám ảnh với những suy nghĩ trong đầu về vấn đề an ninh ở đây, rằng mỗi cậu bé bán báo, đánh giầy, người đạp xích lô cũng có thể là một du kích. Trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn là những bức tường bê tông lớn và binh lính có vũ trang chặn và kiểm tra tất cả những người ra vào. Nhưng không lâu sau đó Ellsberg cảm nhận được cuộc sống vẫn diễn ra bình thường và sự thân thiện của người dân trên đường phố. Ông cho biết chưa thấy ở đâu trên thế giới trẻ em lại thân thiện, vui tươi đến vậy, cho dù rất có thể bố mẹ chúng đang là kẻ thù trực tiếp của ông bên kia chiến tuyến.

Cũng như vậy, sau nhiều lần trực tiếp đi tuần và tham gia các trận tấn công vào các ngôi làng nơi có bóng dáng của Việt Cộng, quan điểm của Ellsberg về cuộc chiến bắt đầu thay đổi. Ông cảm phục những người lính ăn uống kham khổ, sống lẩn khuất trong những khu rừng, dưới đầm lầy, sử dụng những loại vũ khí thô sơ chiếm được từ thời Pháp nhưng “đang siết chặt vòng vây với binh sỹ Mỹ”. Ellsberg chợt hiểu rằng người Mỹ không thể chiến thắng kẻ thù đang ngày đêm chiến đấu trên mảnh đất của họ, đơn giản vì họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Vũ Hội (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 4: Không thể chiến thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN