Tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch mạng lưới trường lớp ở Hà Nội

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, HĐND thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp; Quy hoạch mạng lưới trường ở Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Sau 5 năm triển khai, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội đã bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được khắc phục để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Thủ đô.

Thành tích đáng kể

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng có tác động không nhỏ đến đời sống nhân dân Thủ đô. Cơ sở vật chất, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao, giáo dục và đào tạo cũng phát triển mạnh. Thủ đô Hà Nội đã trở thành cánh chim đầu đàn của cả nước về giáo dục và đào tạo.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2016, thành phố có 2.669 trường học với hơn 1,8 triệu học sinh. Tỷ lệ học sinh học trường công lập cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở đạt 85%, học sinh học khối Trung học Phổ thông ở hệ công lập đạt 65%. Như vậy, so với mục tiêu cả nước phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% học sinh học trường công lập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Hà Nội đã vượt rất xa. Đặc biệt, thành phố có hệ thống trường công lập đạt chuẩn quốc gia dẫn đầu cả nước, đạt 57%.

Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Hà Nội. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Từ năm 2011-2016, thành phố đã sửa chữa, xây dựng mới gần 800 trường học (trong đó có 250 trường học được xây mới và hơn 500 trường được tu bổ, sửa chữa); mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Sỹ số học sinh trên lớp từng bước giảm dần, nhất là khu vực ngoại thành, hiện sỹ số trung bình của toàn thành phố là 42,29 học sinh/lớp.

Song song đó, chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp học có tỷ lệ trên chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tại buổi làm việc giữa HĐND thành phố với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND thành phố cho biết, thành phố có gần 134 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên các cấp học, ngành học, trong đó có hơn 83 nghìn giáo viên công lập, 100% giáo viên đạt chuẩn.

Đội ngũ cán bộ giáo viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, chuẩn về trình độ và nghề nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc phổ cập, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nhờ đó, học sinh Thủ đô ngày càng đạt được nhiều kết quả học tập và rèn luyện ấn tượng với nhiều giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế...

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, vấn đề được coi là khó khăn nhất trong quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội chính là việc các địa phương, nhất là ở các quận nội thành là chưa bố trí được quỹ đất xây dựng trường dẫn đến thiếu trường, sĩ số học sinh mỗi lớp còn cao. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, dù đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, song do sự phát triển dân cư nhanh, số trường học khu vực nội thành vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hiện nay, dân số Hà Nội khoảng 7,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2011, tăng nhanh ở khu vực các quận mới như Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông… Theo quy chuẩn xây dựng, mỗi phường có không quá 20.000 người. Tuy nhiên, một số phường có dân số tăng quá cao như ở quận Hoàng Mai có phường Định Công với hơn 46 nghìn người, phường Hoàng Liệt có hơn 42 nghìn người, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có gần 40 nghìn người…

Dân số tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ dẫn đến tình trạng thiếu trường học. Nhiều trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở công lập có sỹ số học sinh mỗi lớp vượt quy định cao. Đặc biệt là ở các quận mới thành lập như quận Cầu Giấy (61 trẻ/nhóm lớp Mầm non, 56 học sinh/lớp Tiểu học, 47 học sinh/lớp Trung học cơ sở), quận Hoàng Mai (47 trẻ/nhóm lớp Mầm non, 52 học sinh/lớp Tiểu học, 45 học sinh/lớp Trung học Cơ sở) hay quận Nam Từ Liêm (47 trẻ/lớp Mầm non, 45 học sinh/lớp Tiểu học, 38 học sinh/lớp Trung học Cơ sở)…

Nếu như thiếu trường học là khó khăn lớn ở các quận nội thành thì thiếu cơ sở vật chất lại là khó khăn của các huyện ngoại thành. Nguồn thu hạn chế, dân cư phân bố không đều, mật độ dân cư thấp, một số trường học không tuyển đủ học sinh. Điều này đã gây khó khăn cho việc xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học ở các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa như 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, so với các địa phương khác, huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống rải rác, có nhiều điểm trường lẻ với cơ sở vật chất nghèo nàn. Đời sống nhân dân chưa đáp ứng để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Năm 2016, chỉ có 12,3% trường mầm non công lập của huyện đạt chuẩn quốc gia, cách rất xa so với chỉ tiêu chung của thành phố là đạt 50% vào năm 2020. Một số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã quá 5 năm, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa có kinh phí đầu tư tu bổ. Điều này khiến việc công nhận lại rất khó thực hiện.

Quy hoạch, phát triển giáo dục lâu dài là bước đi đúng đắn không chỉ với riêng Hà Nội vì giáo dục là quốc sách hàng đầu. Sự chuyển biến trong chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô là minh chứng thuyết phục nhất cho quan điểm đó. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn để có bước đi chiến lược hiệu quả.

Kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về quy hoạch, phát triển mạng lưới giáo dục và quy hoạch trường học tại các quận, huyện cho thấy, với thực tế phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số cơ học, việc dự báo dân số của từng quận, huyện, thị xã thiếu chính xác, có sự chênh lệch lớn dẫn đến khó khăn trong việc xác định nhu cầu quỹ đất cần được đầu tư để xây dựng trường học.

Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, hiện quận có dân số trên 410.000 người. Dân số cơ học tăng nhanh, các khu chung cư cao tầng mới mọc lên đồng nghĩa với thêm người ở dẫn đến thiếu trường học, sĩ số học sinh/lớp vượt quy định. Quỹ đất mở rộng trường, xây mới trường của quận rất khó khăn trong khi nhiều trường diện tích không lớn, lại nằm sát nhà dân, không mở rộng được.

Đặc biệt, tốc độ phát triển các khu đô thị mới, các khu chung cư với hàng nghìn hộ dân rất cao, nhất là trên địa bàn các quận ven đô như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có 573 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở thương mại, khu nhà ở. Trong quy hoạch, các khu đô thị mới đều được phê duyệt vị trí xây dựng các trường học. Song trên thực tế, hiện chưa có khu đô thị nào xây trường công lập mà chỉ tập trung xây dựng các trường tư thục với học phí cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình. Tiêu biểu như Khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) có 10 trường mầm non tư thục với gần 1.500 trẻ nhưng không có trường mầm non công lập. Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy) có 6 trường tư thục thuộc cả ba cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở nhưng cũng không có trường công lập... 

Thời gian tới, các dự án cải tạo 40 khu chung cư cũ với chiều cao từ 3-5 tầng bằng các chung cư cao từ 18-25 tầng tùy khu vực sẽ tiếp tục tạo ra sự quá tải về dân số, gây áp lực thiếu trường học các cấp trong khu vực nội đô. Trong quy hoạch đã được phê duyệt, việc này chưa được tính toán đầy đủ. Vì thế, nếu không có tính toán chi tiết và những giải pháp căn cơ, thành phố Hà Nội sẽ khó giải quyết được bài toán thiếu trường học.

Trái với sự thiếu quỹ đất như các quận nội thành, một số huyện ngoại thành Hà Nội có địa giới hành chính rộng, khối mầm non có nhiều điểm trường lẻ. Do vậy, việc triển khai các hoạt động giáo dục còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu của quy hoạch không phù hợp hoặc quá cao so với điều kiện thực tế như chỉ tiêu “mỗi xã, phường, thị trấn có một trường Tiểu học công lập”…

Đồng bộ các giải pháp

Việc tăng dân số cơ học trên địa bàn Hà Nội vẫn sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Vì vậy, giải pháp để giải bài toán thiếu trường học chính là phải có quy hoạch mạng lưới trường lớp hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất thành phố ưu tiên giành quỹ đất để xây dựng trường học khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở và đô thị trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên xây dựng trường công lập nhằm giảm sỹ số học sinh mỗi lớp và số lớp ở mỗi trường theo quy định. Với các trường đã quá tải mà phường không còn quỹ đất để xây thêm hoặc mở rộng trường, cần xem xét từng trường hợp, cho phép được nâng tầng và tăng mật độ xây dựng.

Trong quá trình quy hoạch, thành phố cần quy định rõ quỹ đất để xây dựng trường học: ưu tiên dành quỹ đất phục vụ công cộng của các phường và tận dụng đất trống chưa khai thác để xây dựng. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có, các phường cần đề nghị cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. 

Khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân để xây dựng trường học… Song song với việc bố trí quỹ đất hợp lý, các địa phương trên địa bàn thành phố cần tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng, cải tạo trường học.

Mai Linh (TTXVN)
Bất cập trong thực hiện đề án sắp xếp lại trường lớp ở Yên Bái
Bất cập trong thực hiện đề án sắp xếp lại trường lớp ở Yên Bái

Yên Bái đang triển khai thực hiện đề án sắp xếp lại mạng lưới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, xóa bỏ các điểm trường lẻ, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có mạng lưới giáo dục ổn định, toàn diện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đề án này đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN