Nếu như dạy trực tuyến các lớp học sinh biết chữ đã gặp nhiều khó khăn thì đối với học sinh lớp một lại càng là thử thách không nhỏ cho giáo viên. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, giáo viên lớp một, Trường Tiểu học Bình Thành 1, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), dạy trực tuyến các lớp lớn đã khó thì khi dạy học lớp một - “lớp vỡ lòng” các cô giáo phải cố gắng gấp bội. Bởi học sinh lớp một chưa nắm được mặt chữ, công tác giảng dạy hiện nay không được “cầm tay hướng dẫn” như lớp học trực tiếp. Do đó, giáo án hay cách thức truyền tải cho học sinh phải được giáo viên soạn theo phương án riêng để giúp học sinh dễ hiểu nhất và phụ huynh có thể hỗ trợ giáo viên hướng dẫn thêm cho các em.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Ngọc Thu có nhiều cách tiếp cận với học sinh, hỗ trợ dạy thêm cho các học sinh yếu, cùng với phụ huynh hướng dẫn cho các em theo kịp chương trình học. Cô chia sẻ, có nhiều học sinh ở nhà với ông bà, ba mẹ đi làm xa không có điều kiện kèm cặp, giáo viên đã cố gắng liên hệ với gia đình, nhắc nhở phụ huynh các em vào học đúng giờ. Tuy nhiên, hiện nay do hệ thống mạng internet và 3G, 4G chưa ổn định, quá trình dạy học đôi lúc bị ngắt quãng. Cô mong muốn có hệ thống mạng tốt hơn cho học sinh cũng như cho giáo viên; đồng thời hy vọng các phụ huynh tích cực chung tay với giáo viên trong việc hướng dẫn con em theo học trực tuyến tại nhà.
Học trực tuyến vừa khó khăn cho học sinh, cũng gây khó khăn nhiều cho giáo viên. Để đảm bảo tốt việc học của các em, các nhà trường có nhiều cách kết nối với phụ huynh, giúp phụ huynh an tâm hơn thực hiện theo cách học mới này. Song song với đó, phụ huynh, học sinh cần phải đồng lòng cùng nhà trường và giáo viên nỗ lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay để giúp các em có được kết quả tốt trong học tập.
Cô Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Thành 1 cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để khắc phục, thích ứng với tác động của dịch bệnh và các tình huống bất thường, nhà trường bắt đầu dạy học bằng hình thức trực tuyến từ đầu tháng 10/2021, kết hợp hình thức trực tuyến và xem các tiết dạy trên sóng truyền hình địa phương. Qua đó, nhà trường tạo điều kiện để học sinh được học và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình của dịch COVID-19; thực hiện tốt phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học.
Trong thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn hình thức dạy học mới, học sinh, phụ huynh chưa chuẩn bị tâm thế học trực tuyến, điều kiện học tập còn thiếu thốn. Theo thống kê của nhà trường, số lượng học sinh có phương tiện, máy tính để tham gia học tập trực tuyến chiếm khoảng 85%. Số còn lại thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị, không có đường truyền internet. Những điều này tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học.
Đáng chú ý, việc triển khai dạy và học trực tuyến gặp nhiều khó khăn nhất là học sinh khối lớp một. Các em lớp một lúc đầu gặp nhiều khó khăn do chưa có thói quen, nền nếp trong học tập, chưa biết đọc, viết chữ, phụ huynh phải ngồi học cùng con suốt buổi. Tuy nhiên, sau thời gian làm quen với việc học tập trực tuyến, đến nay các em cơ bản đã đọc, viết được những nét chữ đầu tiên.
Cùng với đó, nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, phụ huynh học sinh ngày càng đồng thuận và đồng hành cùng các em trong quá trình học tập, hỗ trợ các em trong ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều phụ huynh quan tâm đầu tư mua sắm máy tính, điện thoại kết nối internet để các em tham gia học tập.
Nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh cùng tham gia học tập với các em nên việc triển khai dạy và học ở các khối lớp dần đã vào nền nếp. Các phụ huynh ngồi cạnh học cùng con để ủng hộ tinh thần hoặc nhắc nhở các em chú ý với bài giảng của giáo viên, đa số học sinh đã biết tương tác với giáo viên.
Tính đến nay, nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến toàn bộ các môn học, thay vì chỉ 3 môn chính là Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh như trước. Ngoài giảng bài qua các tiết học theo chương trình, giáo viên cũng đầu tư soạn các bài tập, bài kiểm tra cho các em thực hành để củng cố kiến thức…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, thống kê đầu năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 12.076 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo) chưa có thiết bị học trực tuyến. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo ngành chức năng tích cực phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo điều kiện học trực tuyến năm học 2021 - 2022. Qua quá trình vận động, đến nay tỉnh đã phối hợp trao 1.386 điện thoại thông minh, 494 máy tính bảng, 10 máy tính để bàn, 1.000 sim và gói cước 4G trong 3 tháng sử dụng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục hỗ trợ trang bị thiết bị cho các học sinh khó khăn trong số kinh phí trên 3,6 tỷ đồng tiền vận động từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có kế hoạch phân bổ về cho học sinh tỉnh Bến Tre số lượng 9.515 máy tính bảng. Như vậy, trong thời gian tới, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học trực tuyến sẽ cơ bản được trang bị thiết bị học.
Bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho hay, đến nay, việc triển khai kế hoạch năm học của các cấp học không gián đoạn, với việc áp dụng các hình thức học như: qua các kênh truyền hình, học trực tuyến và một số hình thức khác. Do dịch bệnh phải thay đổi hình thức dạy học, Sở cũng đã kịp thời chỉ đạo xây dựng lại chương trình theo chủ đề, mạch kiến thức phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng của từng môn học; triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ cho học sinh chưa có thiết bị để học tập. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ miễn phí các gói cước điện thoại, đảm bảo tốt cho việc học trực tuyến.