Trước thềm lễ khai giảng 5/9, các địa phương trên cả nước đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng đón học sinh tới trường.
Hoàn tất công tác chuẩn bị
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ đã ban hành những văn bản quy định liên quan, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới, đồng thời có những chính sách mới để hỗ trợ kịp thời giáo viên, học sinh vùng khó.
Tăng cường cơ sở vật chất
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc học trước chương trình lớp 1; thực hiện các giải pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, đồng thời tổ chức nhiều đoàn thanh tra tại các địa phương ngay trong những tuần đầu năm học để các em đón năm học mới với những điều kiện tốt nhất.
Trường THCS Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vừa được sửa sang, nâng cấp, đón học sinh vào năm học mới. Anh Minh - TTXVN |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD - ĐT, các địa phương đã có những hoạt động thiết thực chuẩn bị cho năm học mới. Hà Nội đã xây dựng mới 15 trường học với tổng kinh phí hơn 480 tỷ đồng, thành lập thêm 25 trường học mới. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội, cho biết: Hiện thành phố đã xây dựng 768 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất đảm bảo cho 1,6 triệu học sinh các cấp và hơn nửa triệu sinh viên các trường ĐH - CĐ chuẩn bị bước vào khai giảng.
Theo thống kê, năm học 2013-2014, toàn quốc có hơn 18 triệu học sinh mầm non và phổ thông. Quy mô trường, lớp tiếp tục tăng với hơn 42.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Tổng số giáo viên đang công tác tại các trường là hơn 1 triệu thày cô, thiếu khoảng 27.000 giáo viên so với thực tế. |
Năm học 2013-2014, toàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,5 triệu học sinh với gần 41.700 lớp tại hơn 1.800 trường học; 1.314/38.442 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Riêng bậc mầm non năm nay tăng 29 trường so với năm học trước. Năm 2013, thành phố đã chi trên 376 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường học.
Bước vào năm học 2013 - 2014, tỉnh Nghệ An đã đưa vào sử dụng 576 phòng học mới; trong đó, hệ mầm non 186 phòng, tiểu học 209 phòng, cấp trung học cơ sở 94 phòng, cấp trung học phổ thông 87 phòng, tương đương với 17.000 học sinh được học trong phòng học mới. Tỉnh Nghệ An cũng tập trung đầu tư nguồn lực cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông vùng dân tộc, đưa vào sử dụng công trình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tương Dương; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An, xây dựng 98 phòng nội trú cho học sinh bán trú thuộc các xã đặc biệt khó khăn...
Vùng khó sẵn sàng
Đại diện Bộ GD - ĐT cho biết, hiện nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được củng cố và phát triển. Phần lớn các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đã có trường, lớp mầm non, tiểu học. Đến năm học 2012-2013 đã có 300 trường PTDTNT ở 50 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường trực thuộc Bộ GD - ĐT, 50 trường cấp tỉnh, 247 trường cấp huyện; 569 trường PTDTBT; 5 trường Dự bị Đại học và 4 khoa dự bị thuộc 4 trường ĐH với quy mô hơn 3000 học sinh/năm. "Có thể nói, cơ sở vật chất trường lớp, các cấp học đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cơ bản đảm bảo các điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ HS đến trường tăng, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng, chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi nâng cao rõ rệt", đại diện Bộ khẳng định.
Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trên 247 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học và mua SGK, vở viết và dụng cụ học tập thiết yếu cấp miễn phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách theo Nghị định 49 của Chính phủ. Theo Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có trường tiểu học, phần lớn các thôn, buôn có các trường mẫu giáo, mầm non cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xoá bỏ tình trạng trường lớp tranh tre, nứa lá, học 3 ca... Năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp gần 29.000 đầu sách ngữ pháp tiếng Êđê và sách truyện đọc song ngữ Êđê - Việt để phục vụ việc dạy và học tiếng Êđê cho học sinh tiểu học ở các địa phương có đồng bào dân tộc Êđê sinh sống.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, học sinh vẫn phải học trong điều kiện còn khó khăn. Năm học 2013-2014, vùng tái định cư của thủy điện Đăk Đrinh tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có 721 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Dù chỉ còn vài ngày nữa là bước vào năm học mới, nhưng hiện tại trường lớp vẫn còn ngổn ngang. Vì điểm trường chính chưa xong nên 331 em học sinh của 8 lớp bậc tiểu học phải di dời lên điểm trường thôn 9 Tu Rét chỉ có 5 phòng học và phải học ghép 2 ca. Tuy nhiên, dự kiến việc dạy và học ở nhà tạm chỉ diễn ra trong 1 tháng.
Thu Trang - TTN
Bà Trần Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT): Đủ chỗ cho học sinh lớp 1 Mặc dù số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay tăng mạnh (hơn 100.000 học sinh), song từ năm 2007, các địa phương đã có con số thống kê, từ đó chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ. Vì vậy, đến thời điểm này, không có học sinh nào trong độ tuổi vào lớp 1 mà thiếu chỗ học. Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang: Phân biệt rõ các khoản thu để minh bạch Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phải tổ chức hướng dẫn, phổ biến công khai tới từng giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để phân biệt rõ các khoản thu, đảm bảo tính dân chủ, minh bạch. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc thu và sử dụng các khoản thu, không để tình trạng lạm thu. Sở sẽ phối hợp với các Phòng giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với tổ chức cá nhân thực hiện trái quy định; chỉ đạo hoàn trả phụ huynh học sinh các khoản thu không đúng quy định. Đặc biệt, các khoản thu sẽ được chia ra làm nhiều đợt, tránh việc thu nhiều khoản ngay từ đầu năm gây khó khăn cho người dân. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An: Không để học sinh thất học Tỉnh đã thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc từ bậc học mầm non đến THPT. Với phương châm “không để học sinh thất học”, ở các bản vùng sâu, vùng xa, các trường tiểu học đều mở lớp ghép để thu hút hết học sinh; riêng năm học 2012-2013, toàn tỉnh có đến 323 lớp ghép hai trình độ với 3.660 em. Với những lớp ghép này, các nhà trường đã ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, trình độ, am hiểu học sinh dân tộc thiểu số, nhiệt tình và có trách nhiệm cao đảm nhận. |