Nghịch lý "thừa, thiếu" giáo viên

10 năm trở lại đây, số học sinh ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hải Phòng giảm, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành, khiến số lớp học giảm theo, dẫn tới thừa giáo viên.

Riêng ở huyện Thủy Nguyên, huyện rộng và đông dân nhất của thành phố, trong năm học 2010 - 2011 đã giảm 1.414 học sinh THCS (tương đương 38 lớp) so với năm học trước khiến thừa 37 giáo viên. Tương tự, huyện Tiên Lãng cũng đã giảm gần 700 học sinh tiểu học và THCS (bằng cả số học sinh của một trường học lớn) dẫn tới không ít giáo viên thuộc diện thừa... Mặt khác, do cơ cấu giáo viên dạy các bộ môn thiếu đồng bộ nên thực trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên xảy ra khá phổ biến, thậm chí có nơi gay gắt trong nhiều năm nay. Không ít nơi thừa giáo viên dạy các môn tự nhiên, xã hội, song lại thiếu giáo viên nhạc họa, mỹ thuật, tin học hoặc thừa giáo viên ở vùng trung tâm, thị trấn nhưng thiếu ở các xã vùng sâu, vùng xa...

Giờ học văn hóa của các em học sinh lớp 1, Trường Tiểu học bán công Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Ngọc Miêng - TTXVN

Tại huyện Thủy Nguyên, trong khi số giáo viên đứng lớp dạy các môn Văn, Văn - Sử, Văn - Địa, Thể dục, Tiếng Anh thuộc khối THCS thừa tới 70 người thì lại thiếu cục bộ giáo viên các môn Âm nhạc, Toán, Hóa, Sinh nên phải sử dụng 60 giáo viên hợp đồng để dạy các môn đó. Năm học 2010 - 2011, cấp tiểu học của huyện Thủy Nguyên thiếu tới 120 giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ... trong khi ở huyện Tiên Lãng lại thừa 64 giáo viên (đó là chưa kể Tiên Lãng còn thừa 125 giáo viên dạy Ngữ Văn, Nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý ở cấp THCS)... Các huyện, quận khác cũng trong tình trạng tương tự. Việc thiếu cục bộ giáo viên dạy một số môn buộc các trường phải ký hợp đồng với các giáo sinh tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm để có người dạy, bảo đảm chương trình học tập trong khi không ít giáo viên biên chế ở một số bộ môn lại phải "ngồi chơi xơi nước".

Tình trạng trên không thể dễ dàng khắc phục một sớm một chiều khi công tác đào tạo giáo viên tại địa phương còn chắp vá, chưa gắn với kế hoạch sử dụng và không sát với thực tế về độ tuổi thiếu đồng đều của đội ngũ giáo viên. Hiện, thành phố có tới hàng trăm giáo sinh sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, chưa có việc làm đang giảng dạy theo chế độ hợp đồng tại các cấp học. Đối với họ, ước mơ "chen chân" vào diện biên chế thật xa vời bởi còn đó vẫn dư thừa không ít giáo viên biên chế chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định, nhưng vẫn không chịu nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 132/2007/NĐ - CP về tinh giản biên chế.

Thực trạng này đòi hỏi ngành giáo dục của TP Hải Phòng cần nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý giáo dục, đào tạo mới cho phù hợp; đào tạo gắn liền với sử dụng, đồng thời mạnh dạn thực hiện cơ chế luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên giữa các huyện, quận, góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Các trường sư phạm cũng nên đổi mới kế hoạch đào tạo căn cứ nhu cầu thực tế, không nên dựa vào nhu cầu của người học như trước.

Được biết, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang có chủ trương tạo sự bình đẳng giữa đội ngũ giáo viên hợp đồng với biên chế thông qua việc chỉ thực hiện chế độ hợp đồng lao động, không còn chế độ biên chế nhằm khuyến khích, đề cao tính cạnh tranh trong việc rèn luyện học tập, nâng năng lực trình độ chuyên môn đối với đội ngũ giảng dạy. Có như vậy, nghịch lý "thiếu, thừa" giáo viên mới có thể khắc phục và chất lượng đội ngũ giáo viên mới được nâng lên, đáp ứng nhu cầu giáo dục - đào tạo trong tình hình mới.

TV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN