Sao không có tour thường nhật khám phá sông Hương?

Nguyễn Anh Tùng - một vị khách du lịch đến từ Hà Nội thắc mắc: Từng có đêm ca Huế trên sông, tại sao không có tour du lịch thường nhật để khám phá sông Hương? Đem điều này trao đổi với một số người từng gắn bó với Huế trong một thời gian dài, ai cũng thấy đúng, bởi tính đặc thù, hấp dẫn của con sông.


Sông Hương dài ngót 100km này bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, uốn lượn quanh co qua những rặng rừng già bạt ngàn đầu nguồn, mang theo cả hương thơm quyến rũ của loài thạch xương bồ về với đồng bằng, thành phố và những làng mạc thôn xóm bình yên miền hạ lưu.

Đoạn chảy qua thành phố Huế của con sông này dài chừng 33km, với kiến trúc cảnh quan tập trung đôi bờ, tôn thêm vẻ đẹp kỳ bí cho con sông.

Đèn hoa đăng trên sông Hương. Ảnh Quốc Việt


Phía Bắc sông Hương, kinh thành Huế chứa đựng Đại Nội, gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, với hơn 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có hàng chục cung điện lộng lẫy vàng son một thời.

Phía Nam sông Hương là 7 khu lăng tẩm của các Vua từ Gia Long đến Khải Định, được đánh giá là một thành tựu rực rỡ nhất trong nền kiến trúc lăng mộ cổ của đất nước ta. Nằm xen kẽ giữa các khu vực kiến trúc nghệ thuật ấy là đàn Nam Giao (nơi Vua tế trời), Hồ Quyền (chỗ voi cọp đấu nhau), Văn Miếu (với 32 tấm bia tiến sĩ), điện Hòn Chén (nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y-A-Na), núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, trải dài quanh đôi bờ con sông.

Hơn 400 năm trước, vị chúa Nguyễn đầu tiên đã tìm thấy vùng đất thần thánh trên đồi Hà Khê, để từ đó cho dựng ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng, làm kế “tụ thủy tích phúc” cho con cháu đời sau. Thủ phủ xứ Đàng Trong, Kinh đô thời Tây Sơn, Kinh thành thời Nguyễn đều được xây dựng bên bờ sông Hương xinh đẹp này, phía dưới chùa Thiên Mụ.

Thời các Vua Nguyễn, từng ngự thuyền rồng Tế Thông, xuôi ngược sông Hương. Khởi hành từ bến Nghinh Lương Đình (điểm khởi đầu của trục Dũng đạo Kinh thành Huế) ngược dòng Hương Giang vi hành, và cũng để thỏa sức khám phá vẻ đẹp của dòng sông.

Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã 2 lần tổ chức "Ngự thuyền khám phá sông Hương" trong các kỳ lễ hội của Festival Huế các năm 2010, 2012. Cũng bắt đầu từ bến Nghinh Lương Đình từ buổi ban mai cho đến khi mặt trời đứng bóng (tour sáng), hay từ chiều đến lúc hoàng hôn (tour chiều).

Bên bờ Bắc là vùng đất Kim Long nổi tiếng với những phủ đệ, nhà vườn và những thiếu nữ đoan trang xinh đẹp, làm ngẩn ngơ vị hoàng đế đa tình "Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi".

Thuyền đi qua đình Kim Long cổ kính gắn liền với thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn, dẫn du khách qua dưới chân ngọn tháp Phước Duyên uy nghi, sừng sững của chùa cổ Thiên Mụ trên đồi Hà Khê huyền thoại. Gần đó là phòng hòa nhạc cổ điển Bến Xuân mới dựng của ca sỹ Camille Huyền, phòng hòa nhạc cổ điển đầu tiên dựng bằng nhà rường kiểu Huế mang dáng dấp vừa truyền thống vừa hiện đại và cũng là điểm nhấn kết nối với cụm di tích Võ Thánh - Văn Thánh - Khải Thánh Từ, những di tích gắn liền với với bao huyền thoại về văn công, võ nghiệp của các bậc tiền bối, tạo nên con đường du lịch văn hóa - di sản đầy tính nhân văn.

Đua thuyền trên sông Hương trong khuôn khổ Festival Huế tháng 4/2012. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN.


Du thuyền dừng chân ở điện Hòn Chén để mọi người có cơ hội bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với nữ thần Thiên Y A Na cao quý linh thiêng cùng những đồ đệ của người. Trên hành trình trở về, thuyền tiếp tục rẽ sóng đưa du khách lướt qua dưới chân đồi Vọng Cảnh nổi tiếng thơ mộng, ngắm nhìn kiến trúc độc đáo hài hòa với cảnh quan của Nhà máy nước cổ Vạn Niên và đắm mình trong không gian đẫm hương bưởi, thanh trà - đặc sản nổi tiếng của vùng Thủy Biều đang mùa đơm hoa...

Cuối cùng, trước khi trở về với nhịp sống náo nhiệt chốn đô thị, du khách có cơ hội biết thêm về Dã Viên, hòn đảo trấn giữ mặt Tây của Kinh thành Huế với vai trò của "Bạch hổ" trong cách nhìn phong thủy của các vua nhà Nguyễn, cũng là nơi từng có khu vườn ngự mang tên Dữ Dã Viên của vua Tự Đức…

Ngược lại, khác với cảnh sắc núi đồi thiên nhiên hùng tráng, hoang sơ phía thượng nguồn con sông, sự lựa chọn xuôi dòng Hương Giang về vùng hạ lưu cũng đem đến cho du khách những cảm nhận mới mẻ về một đô thị Huế vừa sôi động vừa sâu lắng.

Trên hành trình này, từ du thuyền, khách không chỉ có cơ hội quan sát cuộc sống tấp nập ngược xuôi chốn thị thành diễn ra hai bên bờ sông và trên những chiếc thuyền rồng đua nhau rẽ sóng, mà còn có dịp lần lượt điểm qua những địa danh, những công trình đã đi vào lịch sử và làm nên vẻ đẹp Huế đầy chất thơ.


Đó là cầu Tràng Tiền nổi tiếng, chứng nhân của biết bao thăng trầm ở Huế, là những tòa kiến trúc kiểu thuộc địa vừa cổ kính vừa hiện đại, là chợ Đông Ba - Trung tâm thương mại của Huế từ thuở Huế còn là chốn kinh kỳ…


Tiếp tục hành trình, thuyền đưa du khách ngang qua cồn Hến, nơi nổi tiếng bởi đặc sản cơm hến, chè bắp, buổi xa xưa từng là nơi đặt hành cung của Vua Nguyễn trong những chuyến đi xa, cũng là hòn đảo trấn giữ mặt Đông của Kinh thành với vai trò của "Thanh Long" theo cách nhìn của các Vua triều Nguyễn. Xa xa, bên hữu ngạn là những "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền" của thôn Vỹ Dạ.


Phía đối diện, dọc theo bờ sông là con đường mang tên nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn mà tác phẩm của ông luôn dành cho Huế một tình cảm đặc biệt. Từ nhánh rẽ này của dòng sông, cảnh sắc của một góc phố thị nhấp nhô những căn nhà cổ theo phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt chen lẫn những hội quán được xây dựng kiên cố và nhiều màu sắc của người Hoa sẽ mở ra cho du khách một hình ảnh đa dạng hơn của đô thị Huế.

Vượt khúc quanh ôm cả tòa thành phòng thủ nằm ở góc Đông Bắc Kinh thành Huế- Trấn Bình Đài, thuyền xuôi về phố cổ Bao Vinh - Thanh Hà, nơi cách đây hơn ba thế kỷ đã từng là đầu mối giao thương tập hợp và trung chuyển các loại sản vật của thương lái từ khắp nơi đổ về.


Cuối cuộc hành trình, thuyền dừng lại ở bến sông làng Sình, ngôi làng cổ không chỉ có truyền thống vật võ nổi tiếng mở hội hằng năm vào ngày mồng 10 Tết, mà còn là nơi sản xuất các loại tranh mộc bản nổi tiếng để phục vụ cho đời sống tín ngưỡng dân gian vùng Huế.

Trên đường trở về dọc theo sông đào Đông Ba, du khách còn có dịp ngắm kỹ hơn vẻ đẹp cổ kính của Kinh thành nhìn từ mặt Đông và Đông Bắc cùng một số kiến trúc cổ quan trọng của cộng đồng dân cư trong khu vực như đình Thế Lại Thượng, quốc tự Diệu Đế, chùa Thuận Hóa…


Dù xuôi, ngược dòng Hương, chọn tour nào thì du khách cũng có những trải nghiệm thú vị trên hành trình khám phá thêm về vùng đất Huế giàu bản sắc văn hóa, đồng thời có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật ẩm thực cung đình qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thưởng thức những làn điệu ca Huế ngọt ngào, quyến rũ do những nghệ sỹ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thể hiện; và được dẫn dắt vào cõi xưa huyền ảo con sông Hương qua những câu chuyện kể của những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.


Tuy từng có "Ngự thuyền khám phá sông Hương" trong các kỳ lễ hội của Festival Huế các năm 2010, 2012, nhưng nói cho cùng, đó là cái cách tổ chức rình rang để phục vụ cho lễ hội. Vấn đề đặt ra là, tại sao hấp dẫn du khách đến vậy mà các nhà quản lý ở Thừa Thiên - Huế không thiết kế, tổ chức thành tour du lịch thường nhật để khám phá sông Hương?...



Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN