Nâng tầm thương hiệu du lịch Ninh Bình từ văn hóa - Bài cuối: Hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế

Để phát huy giá trị di sản văn hóa, Ninh Bình đã và đang thực hiện các giải pháp chiến lược nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Tỉnh đã có nhiều đề án, chương trình, kế hoạch phục dựng, bảo tồn trong lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thực hiện hiệu quả, khơi dậy ý thức của cộng đồng trong bảo tồn phát huy di sản trên địa.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan chùa Bích Động. Minh Đức/TTXVN

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Sở hữu khối di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, Ninh Bình đã kiên định thực hiện xuyên suốt nhiều thập kỷ mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế, môi trường và xã hội. Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến năm 2010 là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của tỉnh về phát triển du lịch; trong đó, xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh", chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.

Xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội, thời gian qua, Ninh Bình đã không ngừng đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã dành hơn 136 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, góp phần làm gia tăng giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống, lịch sử; quảng bá, thu hút khách tham quan. Các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm lập các đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị như: Lễ hội Hoa Lư, nghệ thuật hát Xẩm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nghệ thuật hát Rằng Thường của người Mường. Đặc biệt, dựa trên giá trị các di sản, nhiều sản phẩm mới, độc đáo đã được xây dựng gắn với các khu, điểm, tour, tuyến du lịch. Từ đó, mở ra hướng đi mới trong phát huy giá trị di sản địa phương, để văn hóa là sức mạnh nội sinh theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh.

Đến nay, Ninh Bình đang là một trong những điểm du lịch "bậc nhất", hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, lượng khách đến Ninh Bình cán mốc trên 6,5 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 6.500 tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2022). Cộng dồn 4 tháng của năm 2024, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn ước đạt trên 4,9 triệu lượt. Theo báo cáo về tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn tháng 4/2024 của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, doanh thu du lịch cộng dồn 4 tháng của năm 2024 ước đạt trên 4.600 tỷ đồng.

Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian tới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được xác định là "Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển", hướng tới xây dựng tỉnh là thành phố trực thuộc Trung ương với tiêu chí là đô thị Di sản thiên niên kỷ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tạo nền tảng khai thác hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa - lịch sử Di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Tràng An. Qua đó, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, Ninh Bình sẽ đổi mới cách tư duy về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường. Tỉnh phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Ninh Bình, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh đổi mới phương thức huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông nguồn lực và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Hướng tới xây dựng đô thị Di sản thiên niên kỷ

Chú thích ảnh
Du khách ngắm nhìn phong cảnh Tràng An, khám phá những hang động kỳ bí. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Đô thị Cố đô - Di sản" vừa bảo tồn các giá trị bền vững vừa mang tính văn minh, hiện đại. Ngày 23/8/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó có mục tiêu đến năm 2025 "Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gắn với định hình, tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là Đô thị di sản, dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới". Trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt cũng chỉ rõ "Đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị Di sản thiên niên kỷ, Thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương, văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, Thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO". Đây chính là hướng đi của tỉnh nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc; Chương trình hành động của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị nền văn minh sông Hồng.

Chú thích ảnh
Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định tầm quan trọng của xây dựng đô thị Di sản thiên niên kỷ trên trục thời gian hơn 1000 năm gắn liền với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý của Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Theo ông Đoàn Minh Huấn, về chức năng, đô thị Di sản thiên niên kỷ Hoa Lư sẽ phát triển theo hướng đô thị bổ sung chức năng cho các đô thị nén đã phát triển quá ngưỡng, cung cấp các dịch vụ thiếu hụt của đô thị nén, hình thành mạng lưới công nghiệp văn hóa, hệ sinh thái, môi trường; chức năng kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai... Về định hướng, đô thị Di sản thiên niên kỷ Hoa Lư đảm bảo cơ cấu kinh tế hợp lý, lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, xanh, phục vụ du lịch; công nghiệp ô tô, phụ trợ, công nghệ cao, không để đe dọa đến môi trường sinh thái.

Hải Yến (TTXVN)
Du lịch Ninh Bình phát triển khởi sắc sau thành công Đại lễ Vesak 2014
Du lịch Ninh Bình phát triển khởi sắc sau thành công Đại lễ Vesak 2014

Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam và sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức Quốc tế đã đăng cai chủ trì tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc (Vesak) 2014 với chủ đề: "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc" tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN