Chung sống an toàn với dịch
Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, nhất là ngành y tế và các địa phương đã quán triệt tinh thần không chủ quan trước dịch bệnh, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh, khi mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, đồng thời tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương khu vực miền Trung đang chủ động, tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện “Mục tiêu kép”: tăng cường phòng chống dịch bệnh và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính gồm: Tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường; xúc tiến quảng bá du lịch; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và 2030; triển khai thêm các sản phẩm du lịch bên cạnh những sản phẩm đặc thù biển đảo như du lịch sinh thái miền núi, du lịch trải nghiệm cộng đồng; củng cố và tiếp tục phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp tích cực nhằm tạo điểm đến an toàn, tin tưởng cho du khách. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Hơn 1 tháng vừa qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng sự chung tay, đồng lòng góp sức của người dân và sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố khác, Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thành phố bị thiệt hại nặng về kinh tế - xã hội, trong đó ngành mũi nhọn du lịch bị thiệt hại nặng, kéo theo nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng. Thành phố đang từng bước chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch vừa có biện pháp thích ứng “chung sống” an toàn với dịch; để khôi phục phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên cả nước, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang bắt tay ngay vào triển khai các giải pháp nhằm khôi phục dần ngành “công nghiệp không khói” này. Trong đó, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xây dựng bản đồ “Du lịch Huế an toàn - Hue Blue Map” để tổng hợp thông tin, chỉ dẫn các điểm đến và dịch vụ hấp dẫn, đảm bảo các yếu tố an toàn theo đúng nội dung các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và các bộ, ngành liên quan.
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, "Du lịch Huế an toàn -Hue Blue Map" dựa theo ý tưởng ứng dụng Bluezone đang được Chính phủ khuyên dùng nhằm tạo cảm giác an toàn đối với du khách. Triển khai bản đồ du lịch an toàn cho tỉnh Thừa Thiên - Huế là rất cần thiết, nhất là khi tỉnh đang tập trung các giải pháp hồi phục dần ngành du lịch.
Bản đồ “Hue Blue Map” được phát triển trên nền tảng của hệ thống bản đồ GIS Thừa Thiên - Huế và bản đồ mở OpenStreetMap. Bản đồ này sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử du lịch tỉnh (visithue.vn) và ứng dụng trên di động Hue-S để giúp du khách và cả cộng đồng địa phương dễ dàng nhận diện, tìm đường, hướng đến những điểm du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch, các điểm dịch vụ thương mại và những đơn vị lữ hành tổ chức đón khách đến Huế đáp ứng các tiêu chí phục vụ an toàn...
Liên kết để phát triển
Cơ bản kiềm chế dịch COVID-19 và đang nỗ lực triển khai khôi phục sản xuất kinh doanh, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương từ Thừa thiên - Huế đến Quảng Ngãi cũng đang tích cực liên kết, phát huy thế mạnh địa phương để tăng nguồn thu trong hoàn cảnh dịch bệnh vừa được khống chế.
Trong Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030, Đà Nẵng đặt mục mục tiêu đến năm 2025, điều chỉnh lại cơ cấu du lịch thành phố theo 4 lĩnh vực cơ bản, gồm: cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú), nguồn nhân lực du lịch.
Đồng thời, Đà Nẵng chú trọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về lượng khách phù hợp cơ cấu lại thị trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu về thu nhập du lịch, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của thành phố; phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 50% - 50%; cơ cấu thị trường quốc tế châu Âu - Bắc Mỹ là 20%, Đông Bắc Á là 57%, Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 20% và thị trường khác (Trung Đông, Nga…) là 3%. Điều chỉnh lại khoảng 60% tổ chức lãnh thổ du lịch thành phố trên quan điểm và nội dung cơ cấu lại theo lãnh thổ.
Quảng Ngãi đang tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông với thông điệp “Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn, thân thiện”; đồng thời xây dựng sản phẩm “Hành trình khám phá di sản văn hóa, địa chất biển đảo” đến các thị trường truyền thống; triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa và quốc tế.
Đối với kế hoạch phát triển dài hạn, ngành du lịch Quảng Ngãi tiếp tục đa dạng sản phẩm du lịch, ưu tiên các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch, nhằm tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh điểm đến. Ngành tham gia tổ chức chương trình xúc tiến du lịch nội địa tại các thị trường trọng điểm và thị trường Hàn Quốc. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt là các dự án, sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nhằm thu hút khách du lịch,
Ngoài việc xây dựng điểm đến an toàn, ngành du lịch sẽ tái khởi động các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Kon Tum, Bình Định và Nghệ An như đã ký kết vào tháng 7/2020. Cùng với đó là tiếp tục tổ chức các chuyến Famtrip, Presstrip quốc tế quy mô lớn để quảng bá, giới thiệu điểm đến để phát triển du lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết thêm.
Về triển vọng của du lịch sau dịch COVID-19, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng thông tin: Hoạt động du lịch sau dịch COVID-19 cần thiết phải có sự liên kết vùng miền một cách chặt chẽ hơn, trên tầm cao hơn. Hội An - nhân tình thuần hậu, Đền tháp Mỹ Sơn kỳ bí nghìn năm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm gắn liền với sản phẩm du lịch biển đảo cùng hàng trăm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam là tiềm năng du lịch đã và đang được ngành du lịch Quảng Nam khai thác hiệu quả và sẽ tiếp tục là những điểm nhấn trong kết nối với các địa phương trong vùng và cả nước.
Do vậy, về lâu dài, chất lượng sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, kích cầu du lịch gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ được ngành du lịch Quảng Nam ưu tiên thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt nhằm khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn này một cách sớm nhất, để thương hiệu Quảng Nam - điểm đến an toàn, mến khách lấy lại đà khôi phục tăng trưởng.
Du lịch là ngành chịu tổn thương đầu tiên bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với hàng loạt các giải pháp đang được triển khai thực hiện, trong đó việc xây dựng sản phẩm thật sự có chất lượng, nhất là thực hiện chiến lược dài hơi trong kích cầu, kết nối giữa các vùng miền, tạo các điểm đến an toàn. Các sản phẩm du lịch trong khu vực vốn có thế mạnh riêng nhưng đang được bổ trợ cho nhau nhằm nâng cao giá trị của các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi triển khai, được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và định hình lại thương hiệu du lịch đặc sắc nằm ở khu vực ‘khúc ruột” miền Trung.