Bản Mông bên suối

Vào mùa nước đổ, khoảng từ trung tuần tháng 5 dương lịch, đứng trên đỉnh đèo Cao Phạ nhìn xuống, sẽ thấy bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) thấp thoáng trải dài theo dòng suối dưới chân đèo. Những mảnh ruộng bậc thang dưới nắng ánh lên như những tấm gương lớn, tôn thêm vẻ đẹp của một bản vùng cao người Mông nơi đây.

Men theo con đường nhỏ ven suối vào bản, chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Không khí trong lành, vẳng bên tai chúng tôi tiếng róc rách của dòng suối. Những rặng hoa dâm bụt đỏ thẫm bên hàng rào phên tre, như bao bọc, ôm trọn lấy những ngôi nhà có sàn bằng gỗ, tường lịa ván, mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Theo con đường mòn ấy, bạn có thể với tay chạm vào những thảm rêu mượt mà, xanh như mạ non phủ dày trên mái nhà gỗ.

Người phụ nữ Mông giặt vải bên suối.

Thấp thoáng nơi cuối mái nhà là những làn khói nhẹ từ bếp bay lên. Trước cửa, bà cụ già đang nhuộm vải, bầy trẻ thơ nhảy múa chơi đùa cùng mấy chú cún con, mèo xinh. Gặp chúng tôi nơi cầu thang, bọn trẻ chạy túa đi. Đứa chạy nấp sau cánh cửa, đứa nấp sau lưng bà, đứa đứng ngây thơ vê vạt áo cắn móng tay, nhìn chúng tôi bằng cặp mắt tò mò, lạ lẫm.

Khoảng lặng ấy thoáng qua khi chúng tôi được cụ bà người Mông mời vào ngồi uống nước bên bếp lửa. Bọn trẻ như dễ gần và thân thiện hơn. Tôi hỏi một trong những đứa trẻ rằng bố mẹ cháu đâu? Cháu rụt rè trả lời, bố dắt ngựa đi thồ hàng ở chợ Tú Lệ, còn mẹ đi giặt vải dưới suối. Theo tay cháu chỉ, tôi như thấy không gian sống của ngôi nhà đã vượt ra ngoài rất nhiều ranh giới của một ngôi nhà của bản vùng cao.

Men theo dòng suối, theo cháu bé dẫn đường, chúng tôi đã bắt gặp ngay mô hình nuôi vịt đẻ thả suối, những chuồng vịt được dựng lên bởi những viên đá mồ côi xếp chồng lên nhau “như thành như lũy”, dòng suối trong vắt vẫn len lỏi qua những khe đá để nuôi, tắm cho những đàn vịt béo trắng.

Phía bên kia bờ suối, mô hình giã gạo bằng sức nước, những tiếng chày giã gạo đều đặn gieo xuống sau mỗi lần nước trút đổ đánh ào để rồi cho ra đời những hạt gạo trắng ngần thơm mùi nếp mới.

Ngược theo con suối là hình ảnh người đàn bà người Mông, mẹ của cháu bé đang phơi những tấm vải nhuộm đen trải dài trên mấy gạc tre bãi đá cuội. Gặp chúng tôi, chị vui vẻ cho biết: “Người Mông chúng tôi ở đây ngoài cây lương thực chính là lúa, ngô, rau còn trồng cây ăn quả như táo, lê, đào… và nuôi gia súc, gia cầm như ngựa, trâu, dê, chó, lợn, gà, vịt… Ngoài ra, còn biết dệt vải và tự may trang phục cho mình”.

Quả thật, hình ảnh bọt nước tung tăng trong nắng trên tấm vải, sản phẩm do gia đình chị làm ra, được giặt bên suối mà chúng tôi ghi lại như đã nói lên rất nhiều về cuộc sống yên bình của một bản người Mông vùng cao. Nơi đây khi đã quyết tâm từ bỏ cuộc sống du canh, đốt nương làm rẫy trước đây.

dNguyễn Mạnh Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN