Các địa phương xây dựng du lịch thông minh
Rất nhiều người Việt Nam và du khách quốc tế dùng điện thoại thông minh, hoặc tra cứu thông tin trước khi đi du lịch. Anh Robert (22 tuổi, du khách Pháp) đến du lịch tại Hà Nội chia sẻ: "Những du khách trẻ như chúng tôi đều có xu hướng loại hình du lịch free and easy hoặc đi tự do, đi phượt để được trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa điểm đến. Do đó, du lịch thông minh là tiếp cận thông tin đa dạng nhất, tiện lợi nhất".
Trang ứng dụng công nghệ thông tin du lịch Hà Nội đang được vận hành thử nghiệm.
|
Để đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, cuối năm 2017, Tập đoàn VNPT và Tổng cục Du lịch đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến du khách thông qua dịch vụ, đồng thời cung cấp các giải pháp về viễn thông – công nghệ thông tin (CNTT) cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch.
Đi đầu trong mô hình xây dựng du lịch thông minh phải kể đến Thủ đô Hà Nội và dự định áp dụng năm 2018. Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội và VNPT Hà Nội đã phối hợp xây dựng Cổng thông tin myhanoi.vn. Hiện Cổng thông tin đã cơ bản hoàn thành với khả năng tra cứu hoàn thiện hơn, thực tế ảo được tăng cường, đồng thời là đưa ra phương án cho các chuyến đi; các sự kiện sắp diễn ra và kết nối các dịch vụ, điểm đến đến sao cho thuận lợi nhất.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Khách quốc tế đến Hà Nội hơn 75% là tự tổ chức tour, với khách nội địa thì tỷ lệ này chiếm tới hơn 90%. Vì vậy việc triển khai du lịch thông minh sẽ đem tới thông tin hữu ích nhanh nhất tới các đối tượng khách, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể hơn về điểm đến, chất lượng dịch vụ du lịch để khách có thể lựa chọn một hành trình phù hợp.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiến hành nâng cấp wifi miễn phí tại Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, nhà cổ Đường Lâm, Bát Tràng… Năm 2018, Hà Nội sẽ lắp đặt thêm 5 trạm thông tin và hỗ trợ khẩn cấp.
Cùng với Hà Nội, Ninh Bình cũng đã triển khai hệ thống “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động” (Smart Tourism) do VNPT phát triển. Smart Tourism do VNPT triển khai ở Ninh Bình được đánh giá là 3 bên cùng có lợi. Về phía cơ quan quản lý du lịch, Smart Tourism góp phần tăng hiệu quả quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, điều hành toàn diện hoạt động. Giải pháp này còn là kênh quảng bá du lịch tới thị trường quốc tế rất hiệu quả và với chi phí thấp nhất. Smart Tourism còn giúp tập hợp số liệu về du lịch, từ đó có thể dự báo xu hướng để cơ quan quản lý hoặc đơn vị du lịch có đưa ra dịch vụ phù hợp.
Đối với du khách, Smart Tourism sẽ hỗ trợ đắc lực trong trải nghiệm hành trình du lịch như tra cứu bản đồ tương tác với thông tin chính xác về các địa điểm du lịch; đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng; giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách.
Trong khi đó, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã phối hợp với Tập đoàn VNPT bàn xây dựng giải pháp tổng thể về du lịch thông minh tại tỉnh.Theo đó, tỉnh Tuyên Quang hướng tới sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, xây dựng ngành du lịch chất lượng cao phục vụ du khách. Hệ sinh thái và sản phẩm của du lịch thông minh gồm: Cổng thông tin du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, quản lý lưu trú, ứng dụng trên đi động, quản lý giao thông, cứu hộ cứu nạn, thông tin thời tiết, thông tin dân cư, hệ thống phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh…Qua ứng dụng xây dựng du lịch thông minh sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững lượng khách đến với tỉnh.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, ứng dụng thông minh đã triển khai ở nhiều nước trên thế giới: hợp lý tiết kiệm thời gian, chia sẻ trải nghiệm để người đến sau sử dụng dịch vụ hợp lý hơn. Mô hình du lịch thông minh có hành trình hợp lý, tiết kiệm thời gian… Sự đầu tư cho cho du lịch thông minh thì khả năng đón lượng khách lớn…
Sớm có một nhạc trưởng
Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, việc ứng dựng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu một nhạc trưởng theo kiểu định hướng tới những đối tượng cụ thể. “Tại Singapore, hàng năm Tổng cục Du lịch nước này công bố số liệu cụ thể về từng thị trường khách, xu hướng của khách để các doanh nghiệp có định hướng thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường khách. Các doanh nghiệp du lịch từ đó cũng có định hướng rõ ràng trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận khách hàng tốt hơn”, đại diện HG travel cho hay.
Trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin đặt tour du lịch.
|
Chia sẻ hiện trạng nêu trên, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết: “Tổng cục Du lịch và các hiệp hội đã nhận thấy “mặt trận” du lịch trực tuyến là thách thức vô cùng lớn đối với ngành du lịch. Nhưng phát hiện ra vấn đề là một chuyện, còn giải quyết vấn đề lại là một chuyện khác. Chúng tôi mới đang ở trong giai đoạn phát hiện vấn đề. Rất cần có sự trao đổi, hợp tác để giải quyết được vấn đề”.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Trí cũng khẳng định: Mục tiêu của ngành du lịch là làm sao thu hút càng nhiều khách du lịch đến Việt Nam tiêu nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, đứng về mặt quốc gia, chúng ta thua thiệt về công nghệ so với các công ty công nghệ quốc tế. Ngành du lịch đang thảo luận để bảo vệ lợi ích quốc gia khi phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.
Theo Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Vũ Quốc Trí, từ khi xuất hiện khái niệm nền công nghiệp 4.0, Tổng cục Du lịch coi đây là cơ hội và thách thức lớn. Xác định đột phá của du lịch là công nghệ - "đi tắt đón đầu", cần phải phát triển "du lịch thông minh" đi liền với nhiều hoạt động ở góc độ quản lý nhà nước trong ứng dụng công nghệ mới. Tổng cục Du lịch sẽ có định hướng tổng thể cũng như tham gia với Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, thu hút hút khách du lịch.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhiều loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến mới, đặc biệt là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ di động, mạng xã hội, kinh tế chia sẻ và các ứng dụng di động gắn với địa điểm đã tăng sự trải nghiệm của du khách và mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu cần ưu tiên phát triển du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch trực tuyến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong các khâu quảng bá, cung cấp dịch vụ… Du lịch trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách.