Khách vẫn luôn có nhu cầu đi du lịch rất cao, khi có đến gần 90% số người được hỏi muốn đi du lịch ngay trong 10 tháng tới. Rất ít du khách (3%) muốn chờ đợi đi du lịch cho đến khi có “Thẻ xanh COVID-19”. Tuy nhiên, an toàn dịch bệnh phải là yếu tố ưu tiên số một đối với du khách Việt. Điều đó cho thấy cơ hội phục hồi du lịch nội địa rất khả quan khi tình hình bình thường mới đi vào ổn định.
Nhu cầu du lịch rất lớn
Thông tin trên được ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết tại buổi công bố kết quả khảo sát “Nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời COVID-19”, diễn ra sáng 11/1, theo hình thức trực tuyến. Khảo sát do TAB phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) phối hợp thực hiện từ ngày 1-20/12/2021 với 10.717 người trả lời. Cuộc khảo sát này được nhóm nghiên cứu đặt dưới sự so sánh, đối chiếu với 3 lần khảo sát nhu cầu khách du lịch trước đó để có thể rút ra những đề xuất, kiến nghị thực tiễn nhất đối với cả Chính phủ và phía doanh nghiệp du lịch cũng như các đề xuất định hướng truyền thông.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, nhu cầu của khách du lịch là có, rất lớn và mạnh. Song, làm sao để biến được nhu cầu của khách du lịch trở thành sự phục hồi của du lịch nội địa, cũng như của du lịch nói chung, đó là nhiệm vụ của ngành du lịch và của những người phục vụ trong ngành. Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các địa phương là rất cần thiết để biến nhu cầu này thành hiện thực.
Khảo sát cho thấy, du lịch ngắn ngày và nhóm nhỏ là ưu tiên, khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày; 78% chọn đi theo nhóm gia đình (nhất là du khách Hà Nội – 59%) hoặc nhóm bạn bè. Từ xu hướng này, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định đây là cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3-4 tiếng chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Xu hướng khách đi du lịch ngắn ngày luôn được thể hiện qua 3 cuộc khảo sát của Ban IV và TAB (tháng 9/2020 là 3,9 ngày; tháng 3/2021 là 3,9 ngày; tháng 12/2021 là 4,1 ngày). Tuy nhiên, có tín hiệu tích cực hơn là so với 2 cuộc khảo sát trước, lần khảo sát này, độ dài trung bình được khách lựa chọn dài hơn (4,1 ngày). Từ đó cho thấy, sự khốc liệt của đợt bùng phát dịch lần thứ tư cao hơn so với các đợt bùng phát dịch lần trước, song, khách du lịch Việt vẫn có tinh thần tương đối lạc quan, lựa chọn du lịch dài ngày hơn, ông Hoàng Nhân Chính cho hay.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng, xu hướng đi du lịch theo nhóm gia đình, một mình đã tăng lên, còn đi theo nhóm bạn bè hoặc theo tour có xu hướng giảm. “Chúng tôi muốn đưa thông tin một cách đầy đủ, chính xác, để các công ty du lịch nhìn nhận thấy xu hướng và sẽ phải tự tìm cách để thay đổi mình, kéo lại thị trường cho mình”, Trưởng Ban thư ký TAB nói.
Cũng theo khảo sát, đi du lịch bằng máy bay và xe riêng là ưu tiên với 65% du khách, nhất là du khách Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn có xu hướng lựa chọn đi du lịch bằng máy bay. Do tác động của dịch COVID-19 nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung bị giảm (cả máy bay và xe khách giảm 10%), trong khi nhu cầu đi xe riêng tăng lên (8% - tăng hơn trước 43%).
Du khách nhận biết điểm đến chủ yếu thông qua mạng xã hội (56%), báo điện tử, trang web (42%) và công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến (41%). Rất ít người trả lời nhận biết điểm đến thông qua hội chợ, sự kiện du lịch (3%), biển quảng cáo (1%) và tờ rơi, tập gấp (1%). Kết quả này phản ánh tiếp thị truyền thống đã giảm bớt vai trò và không còn hiệu quả, tiếp thị số đang giữ vai trò chủ đạo và đặc biệt là tiếp thị truyền miệng (qua người thân, bạn bè – 43%) vẫn giữ vai trò quan trọng.
Khách du lịch đang bị “đói” thông tin du lịch an toàn
An toàn dịch bệnh và giá tương xứng với chất lượng luôn là hai ưu tiên cho quyết định đi du lịch. Có đến 56% và 51% số người trả lời đây là yếu tố quan trọng nhất cho quyết định đi du lịch của mình. Du khách lo ngại nhiều nhất khi đi du lịch nếu bị cách ly khi đến hoặc khi quay về nhà (87%), bùng phát dịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%). Du khách ít lo ngại khi liên tục xuất trình chứng nhận y tế (17%) và sử dụng nhiều ứng dụng khai báo y tế khác nhau (10%), tuy nhiên cần cải thiện các phần mềm ứng dụng để giảm thiểu những vấn đề này.
Du khách Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mong muốn chính sách linh hoạt cho thay đổi hoặc hủy bỏ dịch vụ (37% và 34%) nhiều hơn du khách các tỉnh. Thông tin đầy đủ (21%), chứng nhận an toàn (14%) quan trọng hơn cả điểm đến và sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó, du khách mong muốn chuyển đổi số mạnh mẽ, trước hết với cung cấp thông tin du lịch, an toàn dịch bệnh (75%), đặt, mua và thanh toán dịch vụ du lịch (57%) và chăm sóc, phục vụ khách hàng (51%).
“Khách du lịch hiện nay đang bị đói về thông tin du lịch an toàn. Chúng ta kêu gọi phát động du lịch an toàn rất nhiều, nhưng, dường như việc này mới dừng lại ở việc kêu gọi, còn làm thế nào để khách tiếp cận được thông tin du lịch an toàn thì có đến 75% số người trả lời nói rất mong muốn có chuyển điỉu số trong vấn đề cung cấp thông tin này”, theo ông Hoàng Nhân Chính.
Chia sẻ góc nhìn từ câu chuyện giảm giá, bà Trần Nguyện đến từ Tập đoàn Sun World (Sun Group) cho rằng, lạm dụng quá nhiều việc giảm giá sẽ đẩy doanh nghiệp vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, giảm chất lượng sản phẩm và khách hàng chờ đợi tâm lý giảm giá mới đi. Giá mặt bằng du lịch hiện đã xuống “đáy”, bản chất giảm nhưng câu chuyện đưa ra không phải là giảm. Để ngành du lịch phát triển ổn định và bền vững, ngoài sự chủ động, biết nhìn nhận của doanh nghiệp, vai trò dẫn dắt thái độ đi du lịch của khách hàng phụ thuộc rất lớn vào công tác truyền thông.
Cần chuyển đổi số mạnh mẽ
Từ các phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cụ thể với Chính phủ và doanh nghiệp. Theo đó, các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch phải có cùng quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương mà không nhất quán với quy định chung của Chính phủ. Thông tin về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cần được cập nhật thường xuyên và được đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập. Tuy nhiên, cần đảm bảo tất cả các kênh đều cùng đưa nội dung thông tin nhất quán, chính xác và cập nhật.
Cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong du lịch ở cả 3 cấp độ, gồm trung ương, địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo sự kết nối và đồng bộ. Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên kế hoạch này cho tất cả các bên cùng thực hiện.
Các doanh nghiệp du lịch thực hiện các biện pháp thay đổi thị trường khách hàng, như ưu tiên giữ nhóm khách lớn tuổi, đồng thời thu hút trở lại nhóm khách trung tuổi. Đánh giá, điều chỉnh và xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch ngắn ngày, theo gia đình và nhóm nhỏ, du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm theo các nguyên tắc phát triển bền vững. Lưu ý xây dựng những sản phẩm du lịch ngách.
Đồng thời, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp kiểm soát chi phí, sáng tạo mô hình kinh doanh mới (như kinh doanh trực tuyến), liên kết kinh doanh với các đối tác mới, nhất là liên kết giữa ngành lữ hành, lưu trú và vận chuyển để tạo ra các gói sản phẩm có giá phù hợp và tương xứng với chất lượng; đưa ra chính sách linh hoạt trong đặt chỗ, điều chỉnh giá hay hoãn hủy dịch vụ do dịch bệnh. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, trước mắt ưu tiên chuyển đổi số cho việc đặt bán dịch vụ (trực tuyến, trực tiếp), kênh cung cấp thông tin và tiếp nhận ý kiến của du khách. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp du lịch để cùng thỏa thuận về chính sách bán hàng, đảm bảo không phá giá thị trường và cạnh tranh công bằng.