Đến hẹn lại lên, đúng dịp Tết Nguyên tiêu, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức trên khắp cả nước, tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà thơ, nhà sáng tác và người yêu thơ.
Hà Nội: Dành sân chơi cho giới trẻ
Với chủ để “Tuổi trẻ với Tổ quốc”, Ngày thơ năm nay tại Hà Nội (ngày 24/2) đã đánh thức sức trẻ với nhiệt huyết cống hiến, là sân chơi cho những người trẻ so tài trên tinh thần ca ngợi đất nước và biển đảo quê hương.
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam rước và trình bày bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt từ Hồ Văn sang Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Minh Đức – TTXVN |
Ngoài những không gian quán thơ, chiếu thơ trưng bày trong ngày hội cùng những tác phẩm thơ, những hình ảnh nghệ thuật, Ngày thơ Hà Nội 2013 hấp dẫn với điểm mới ấn tượng đó là lễ rước thơ hoành tráng mang tên “Rồng rắn lên mây” do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Với 120 người tham gia, đám rước thơ đi từ Hồ Văn, sang Hàng Buồm, qua Nguyễn Thái Học và trở về Văn Miếu vào đúng lễ khai mạc. Ý nghĩa của lễ rước thơ là những áng thơ văn hay trải dài trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, mang thần khí của những áng thơ văn này đến với đông đảo công chúng, để Ngày thơ Việt Nam thực sự trở thành ngày hội chung của những người yêu mến thi ca.
Với chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc” tổ chức tại sân Thái Học, ngày hội thơ lần thứ 11 thực sự là sân thơ trẻ, ngập tràn sắc xuân, sức trẻ cùng tình yêu và khát vọng; làm sống dậy không khí yêu nước ở thế hệ thanh niên ngày nay qua những áng thơ hào hùng. Tham gia Sân thơ trẻ có nhóm “Link hương cửu kiếm” gồm 9 nhà thơ trẻ đã có những dấu ấn trên văn đàn trong những năm trở lại đây như Vũ Thiên Kiều, Lữ Thị Mai, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Quang Hưng, Thụy Anh, Du Nguyên, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Minh Cường, Miên Di cùng sinh viên các trường đại học trong khu vực Hà Nội. Với các tiết mục thơ - nhạc, trình diễn thơ và trưng bày các tác phẩm thơ mang dấu ấn của từng đơn vị, cá nhân, các bạn trẻ mang đến một không khí trẻ trung, đầy nhiệt huyết, đặc biệt là những tiết mục trình bày các tác phẩm thơ viết về biển đảo quê hương, về tình yêu Tổ quốc như chủ đề của Ngày thơ năm nay.
TP Hồ Chí Minh: Ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước
Khác với các năm trước, năm nay Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, mỗi địa điểm có một không gian dành cho các đối tượng yêu thơ ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, điểm chung là nội dung Ngày thơ đều tập trung ca ngợi tình yêu với quê hương, đất nước.
Trong hai ngày 23 - 24/2 (tức 14 và 15 tháng Giêng), tại Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình thơ “Đất nước vào xuân”. Tham dự chương trình có 12 câu lạc bộ thơ ca đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tham gia ngày hội thơ, các câu lạc bộ thơ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Năm nay còn ghi dấu của một số câu lạc bộ mới như câu lạc bộ thơ và hát quan họ Kinh Bắc, câu lạc bộ thơ lục bát Sài Gòn... Bám sát chủ đề của Ngày thơ, các câu lạc bộ tham dự đều tập trung tuyển chọn, trình bày những bài thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, nói lên tình cảm của người dân thành phố trước mùa xuân của đất nước”.
Hòa trong không khí rộn ràng của ngày Hội thơ, những bài thơ của các câu lạc bộ đã thể hiện được cảm xúc, tình yêu của những người làm thơ, những người hoạt động văn học nghệ thuật. Ngoài ra, với ưu thế nhiều tác giả là các cựu chiến binh, nhà giáo, nhà nghiên cứu nên các câu lạc bộ đã giới thiệu, trưng bày nhiều bài thơ mang phong cách truyền thống, đậm chất riêng và mang nhiều ý nghĩa chiêm nghiệm, hoài niệm... Ngày thơ tại TP Hồ Chí Minh năm nay còn ghi đậm dấu ấn của các câu lạc bộ thơ quận, huyện, trường đại học. Trong không gian thơ là các lều thơ, sạp thơ, quán thơ... được dựng lên, mời bạn yêu thơ ghé thăm, dừng chân đọc thơ, bình thơ... . Năm nay, các CLB thơ quận, huyện thực sự đã gây bất ngờ cho khán giả yêu thơ khi tổ chức những cuộc trình diễn thơ với quy mô lớn trên sân khấu. Có đơn vị còn mời cả nghệ sĩ chuyên nghiệp trong các thể loại như chèo, cải lương, ca nhạc... để cùng biểu diễn, gây ấn tượng mạnh với người xem thơ.
Cùng với đó, tối 24/2 (rằm tháng Giêng), tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi dạ hội thơ ca dành riêng cho tuổi trẻ với với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc”. Tham gia chương trình có những nhà thơ nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của nhiều ca sĩ tên tuổi với những ca khúc phổ thơ nổi tiếng như: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (thơ Nguyễn Nhật Ánh - nhạc Phạm Minh Tuấn - ca sĩ Quỳnh Như trình bày), "Gửi sóng" (thơ Lê Tú Lệ - nhạc Đặng Quang Vinh - ca sĩ Thùy Dương), "Trường Sa Tổ quốc giữa trùng khơi" (thơ Trương Nam Hương - nhạc Lê Trung Tín - ca sĩ Duy Linh)...
* Hòa Bình: Tối 23/2, tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI với chủ đề “Tác giả thơ Hòa Bình với quê hương, đất nước”. Ngày thơ gồm 2 phần: Trình diễn thơ, nhạc của các tác giả và CLB thơ tỉnh Hòa Bình; chương trình văn nghệ múa, hát, ngâm thơ với đề tài ca ngợi quê hương, đất nước. Mở đầu với hai bài thơ nổi tiếng trong lịch sử thi ca Việt Nam: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng" của Chế Lan Viên và “Tây Tiến" của Quang Dũng; đêm thơ được tiếp nối với những bài thơ ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu được chính các tác giả trình bày một cách sinh động, giàu cảm xúc...
* Ngày 23/2, tại khu Văn hóa triển lãm hồ Nước Ngọt, thành phố Sóc Trăng, Hội Văn học nghệ thuật 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã phối hợp tổ chức Ngày thơ Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh thơ và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đông đảo công chúng yêu thơ, yêu văn học nghệ thuật của 3 tỉnh đã tham dự cuộc thi thư pháp, ký họa chân dung nhà thơ, thi ảnh đề thơ, thả cờ thơ... diễn ra trong khuôn khổ Ngày thơ. Hoạt động chính của Ngày thơ Việt Nam diễn ra trong đêm 23/2/2013 với chương trình được dàn dựng công phu, nhiều tiết mục ngâm thơ, xen lẫn những bản nhạc, ca cổ... ca ngợi quê hương, đất nước, con người, ca ngợi biển đảo...
* Quảng Ngãi: Sáng 24/2, tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Quảng Ngãi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Sở VH - TT và DL, Đài PT - TH tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi với chủ đề “Tổ quốc nơi đầu sóng”. Ngày thơ mở màn bằng tiết mục trống hội, sau đó là lễ kéo cờ thơ trang nghiêm. Các nghệ sĩ đã diễn ngâm bài thơ Thần "Nam quốc Sơn Hà" (tiếng Việt và tiếng Hán) của Lý Thường Kiệt, thể hiện bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt qua hình thức phổ nhạc và múa cờ. Tiếp đó, các nghệ sĩ tiếp tục thể hiện bài thơ Nguyên Tiêu (tiếng Việt và tiếng Hán) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền nhạc đệm...
* Thái Nguyên: Ngày 24/2, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2013 với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc". Tại lễ hội thơ, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, phong phú đã diễn ra như: trình bày hoạt cảnh thơ, diễn xướng những bài thơ hay về đất nước, quê hương, thả lên trời 10 câu thơ hay... Điểm nhấn của lễ hội thơ năm nay là triển lãm ảnh và cuộc thi "Đề thơ vào ảnh" với gần 100 bức ảnh thể hiện về mảnh đất và con người Thái Nguyên. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các bạn trẻ yêu thơ đến từ các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội cũng trưng bày 50 câu thơ hay và những tác phẩm thư pháp đặc sắc để giới thiệu với người xem.
TTN - Hoàng Tuyết - Tạ Nguyên