Thấy gì qua sân chơi ca nhạc trên sóng truyền hình?

Nhiều nhạc sĩ ví von “Việt Nam là đất nước mê ca hát”, bởi thế, dù đi bất cứ nơi đâu, hầu như các phòng trà, sân khấu ca nhạc, cà phê, karaoke... đều luôn luôn đông khách. Có thể xuất phát từ sự yêu thích này, nhiều chương trình, sân chơi ca nhạc đã thực hiện và phát sóng. Tuy nhiên, sự chạy đua về số lượng, bỏ quên chất lượng đã khiến nhiều khán giả cảm thấy nhàm chán và bội thực.

Kênh nào cũng “hát”

Vào các buổi tối hàng ngày, bật ti vi lên là khán giả có thể xem đủ các thể loại chương trình, game show. Trong đó, nhiều nhất là các chương trình sân chơi ca nhạc, như: Trò chơi âm nhạc, Song ca cùng thần tượng, Tôi làm ngôi sao, Câu lạc bộ 2M, Hát là vui – Vui là hát, Kiốt âm nhạc, Thực đơn âm nhạc... và mới đây nhất là Cặp đôi hoàn hảo. Ngoài ra, các đài như VTV, HTV còn có những chương trình phát sóng thường niên vào mỗi tháng, mỗi năm như: Bài hát Việt, Tiếng ca học đường, Thay lời muốn nói.

Ngọc Anh và Ngọc Ngoan hát bài “Ngọn lửa cao nguyên” trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo. Ảnh: Internet


Mặc dù các chương trình, sân chơi ca nhạc này đều có tên gọi, cách thức tổ chức khác nhau, nhưng chung quy đều đem lại sự giải trí cho người tham gia cũng như người xem truyền hình. Tuy nhiên, món ăn ngon nào ăn mãi cũng ngán, trong khi đó nhiều chương trình hầu như không có sự đổi mới về nội dung khiến người xem cảm thấy nhàm chán và bội thực.

Ngay cả người dẫn chương trình và ca sĩ cũng ít đổi mới, thậm chí có chương trình cố đem lại sự khác lạ bằng cách hoán đổi ca sĩ làm MC. Nhưng sự hoán đổi này lại làm cho chương trình bị vấp lỗi do sự không chuyên nghiệp. Các ca khúc thể hiện nhiều lúc lại quá “teen”, hoặc quá “nhạt”, ít bài hát đem lại sự sâu lắng cho người nghe.

Cần có chiều sâu

Đạo diễn Nhật Huy trong chương trình “Tôi làm ngôi sao”, thừa nhận: “Việc xuất hiện quá nhiều chương trình, sân chơi ca nhạc na ná nhau đã khiến không ít khán giả “quay lưng”. Bản thân tôi làm đạo diễn “Tôi làm ngôi sao” cũng cảm thấy chưa “thỏa mãn” vì còn thiếu đi chiều sâu của chương trình, đó là sự tương tác giữa người tham gia và khán giả”.

Theo đạo diễn Nhật Huy, sự tương tác này sẽ đem lại sức sống cho bất cứ chương trình, sân chơi nào khi khán giả đồng hành với chương trình. Có như vậy, sân chơi ca nhạc không chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí, mà còn lôi cuốn người xem vì giúp họ hiểu hơn về bên lề chương trình, cũng như cảm nhận của người xem về chương trình.

Có thể thấy, “Bài hát Việt” được xem là thành công và được công chúng đón nhận nhiều nhờ sự tương tác này. Thông qua sân chơi này, khán giả có quyền lựa chọn ca khúc nào thật sự đem lại hương vị cho cuộc sống, có thể để lại trong lòng người nghe sự truyền cảm sâu lắng; đồng thời, có thể tìm thấy những gương mặt của những nhạc sỹ trẻ đầy tài năng và triển vọng. Với chương trình “Thay lời muốn nói”, người xem có thể đồng cảm với những người đã gửi những tâm sự của mình vào tình yêu, về gia đình, về cuộc sống xung quanh. Đôi lúc, chính người nghe cảm nhận như chính mình đang hiện diện ở đó. Và những ca khúc như “Thay lời muốn nói” đã không đơn thuần chỉ là những bài hát mà là cả những lời chia sẻ, yêu thương của người gửi tặng gửi gắm trong vào trong đó.

Nhưng theo đạo diễn Nhật Huy, để làm được chương trình có chiều sâu như thế, vẫn phải phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Chính vì vậy, các chương trình ban đầu đều có mục đích, ý nghĩa của nó, nhưng do có sự can thiệp của nhà tài trợ nên cuối cùng bị lệch “đường ray”. Ca sĩ Đặng Anh Tuấn – thành viên nhóm F5, cho biết bản thân các ca sĩ cũng bị điều phối bởi nhà tài trợ nên đôi lúc những ca khúc, phục trang biểu diễn cũng phải lựa chọn theo ý họ. Vì thế, nhiều đạo diễn, ca sĩ cho rằng, nhà tài trợ không khác gì ban giám khảo. Có điều, “vị giám khảo” vô hình này lại có thể quyết định sự sống còn của chương trình.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN