Trong lần biểu diễn mới đây của đoàn rối Tế Tiêu tại Trung tâm thông tin phố cổ Hà Nội, có nhiều tiết mục do những nghệ sỹ trẻ đảm nhận. Nhiều người mới theo bậc cha chú đi diễn được hơn năm, nhưng những đôi bàn tay điều khiển những con rối đã thuần thục theo từng lời ca, nhịp trống, khiến trẻ em rất thích thú.
Khu trình diễn những con rối Tế Tiêu. |
Lần đầu tiên trực tiếp thấy những con rối di chuyển, bé Anh Khôi luôn tò mò hỏi: “Sao cái áo ông tướng kia lạ thế, nhiều màu sắc thế ạ? Em bé trèo lên con trâu như thế nào hả bố?”... Đây thực sự là những hình ảnh mới mẻ với trẻ em Hà Nội, khi được xem nhiều tích tuồng cổ. Không những thế, các em sau khi xem múa rối xong, còn được vào tận hậu trường để xem cách thức biểu diễn phía sau bức rèm và sự bài trí những con rối cổ mà phường rối sưu tập bài trí dựa trên đời sống dân quê.
Cụ Phạm Văn Bể, trưởng phường rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), năm nay đã bước vào tuổi 88, kể lại: “Phường rối Tế Tiêu có cách đây hơn 400 năm. Năm Hưng Phúc 1573, một vị quan có tên là Trần Triều Đông Hải đã về lập làng Tế Tiêu, dạy dân làng cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, rèn luyện sức khỏe, chống giặc ngoại xâm, giữ yên xóm làng và đã sáng tạo ra nghề rối. Suốt từ đó cho đến nay, cứ vào các dịp lễ hội, việc làng, rối nước đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa thường niên. Trải qua năm tháng chiến tranh, phường rối Tế Tiêu đã có lúc ngừng hoạt động”.
Đến năm 1990, cụ Phạm Văn Bể và các nghệ nhân trong làng đã quyết tâm vực dậy phường rối Tế Tiêu. Phường rối hồi sinh trong sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Chị Phạm Thị Chiên, con gái cụ Bể và cũng là một thành viên của phường rối cho biết: “Ông đam mê rối tới mức, để bổ sung một số đạo cụ như thép, sắt, nhôm cho các trò diễn, ông đã từng sẵn sàng "biến" luôn cả chiếc xe đạp là tài sản quý của cả gia đình thành đạo cụ”.
Cái hay của phường rối Tế Tiêu là các tiết mục do chính nông dân dàn dựng, như một thú vui tiêu khiển lúc nông nhàn. Người nghệ sỹ cũng chính là nông dân nên rất hấp dẫn du khách. “Qua cách biểu diễn của phường rối Tế Tiêu, du khách hiểu được đời sống văn hóa tinh thần của cư dân làm nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và Hà Nội nói riêng”, chị Thu Lan, đại diện Ban quản lý Phố cổ cho biết. Để hiểu hơn về nghệ thuật rối cạn, tại gian chính của Trung tâm thông tin phố cổ Hà Nội, các nghệ sỹ cũng đã sắp đặt những con rối với bối cảnh làng quê Việt Nam và các hoạt động nghề nông như cày cấy, tuốt lúa, thả diều... Người xem không chỉ tìm hiểu về cách thức tạo ra con rối mà còn hiểu quy trình làm con rối.
Những nghệ sỹ nông dân Tế Tiêu bật mí, rối cạn quan trọng nhất chú ý tới việc đẽo gọt, chăm chút phần gương mặt và các khớp chi của con rối, giúp rối cử động linh hoạt dưới bàn tay điều khiển của người nghệ sỹ. Các con rối của phường rối Tế Tiêu thường được làm bằng loại gỗ xoan đã được ngâm kỹ dưới nước cả năm trời nên tránh được mối mọt, lại dễ đục đẽo, gọt tỉa trong quá trình tạo hình cũng như khi biểu diễn. Nhờ việc tỉ mỉ này nên khán giả khi xem các con rối chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng. Đồng thời người nghệ sĩ phải có sự phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn trong từng tích trò.
Cụ Bể cho biết: “Tôi dựa vào thói quen, tập quán của nhân dân để viết các trò rối. Lời hát thì dựa trên những câu hát ví, dặm mang đậm bản sắc vùng đồng quê như tiết mục: "Lý Thường Kiệt đọc hịch", "Leo dây ảo thuật", "Thợ cấy hát ví với thợ cày", "Múa rồng mừng hội"...”.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Bể vẫn viết kịch bản và trực tiếp tham gia diễn trò và cả hát chèo, hát tuồng để phục vụ các tích diễn. “Tôi vẫn sẽ diễn khi nào còn sức lực. Phường rối Tế Tiêu đã đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhưng phải nói thật, chỉ có các dịp lễ hội lớn của thành phố, địa phương phường rối mới có dịp trổ tài, còn không lại mỗi người một nghề.
Gần đây cũng có nhiều đoàn khách nước ngoài ghé thăm đặt lịch diễn, họ vẫn muốn xem những tích trò cổ do chính người nông dân diễn và giờ đang trở thành nguồn thu với chúng tôi. Có lẽ vì vậy mà giờ đây ngoài những người cao niên, phường rối cũng đã thu hút lớp trẻ. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn là những nghệ sỹ nông dân như chúng tôi cũng sớm được ngành văn hóa công nhận là nghệ nhân với những đóng góp trong bảo tồn văn hóa truyền thống. Hiện phường rối của chúng tôi có gần 100 trò diễn cho cả rối cạn và rối nước và hàng nghìn chú rối. Đối với tôi đó thực sự là báu vật nhưng cũng cần sự hỗ trợ của ngành văn hóa và thành phố Hà Nội”, cụ Bể tâm sự.