Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu?-Bài cuối: Cần có giải pháp quản lý

Tại cuộc hội thảo khoa học về quản lý lễ hội do Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức mới đây, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng cho rằng: Không chỉ riêng lễ hội mới mà hơn 8.000 lễ hội hiện nay trên cả nước cần được khẩn trương khảo sát để phân định rõ tính chất, môi trường hình thành, vai trò đặc trưng... và từ đó tìm ra phương pháp ứng xử, quản lý phù hợp cho từng loại.

 


Khai mạc lễ hội Chùa Láng.

Đặc biệt, với loại hình lễ hội mới, các nhà nghiên cứu về văn hóa đều cho rằng việc trước tiên cần phải làm là phân loại các loại hình lễ hội theo chức năng, hoặc theo quy mô lễ hội. Cơ quan quản lý cần khẩn trương tổ chức công tác điều tra, khảo sát thống kê một cách đầy đủ, chính xác các lễ hội đương đại hiện có trong cả nước, theo các tiêu chí khoa học và cụ thể để đánh giá mặt được và chưa được; xây dựng Quy hoạch tổ chức lễ hội đương đại và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội để rút kinh nghiệm, uốn nắn những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc.


Nhất là việc tổ chức lễ hội mới hướng tới mục tiêu du lịch phải dựa trên thực lực về kinh tế của địa phương. Điển hình của hiệu quả kém trong việc “cố” tổ chức lễ hội cho “bằng bạn, bằng bè” khi không ít địa phương vốn dĩ du lịch không phát triển nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn tìm mọi cách đề nghị để được tổ chức năm du lịch quốc gia. Điều này không những gây tốn kém, mà quan trọng hơn, sau khi tổ chức sự kiện mang tính sân khấu nhưng sau đó thì du lịch của tỉnh cũng không hề được nâng lên.


 

Dân làng Thụy Lôi (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) nô nức đi trẩy hội đền Sái. Ảnh: Nguyễn Thủy- TTXVN

 

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức, nhiều yếu tố tiêu cực, nhiều điểm hạn chế, lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục gây tác hại xấu đến đời sống văn hóa do không quản lý chặt chẽ loại hình tổ chức sự kiện mới (lễ hội mới) này. Chính vì vậy, với những lễ hội mới cần phải có danh sách thành viên ban tổ chức rõ ràng, các chương trình tổ chức lễ hội phải có kế hoạch, đề án cụ thể để dễ kiểm soát và quy trách nhiệm.


Với các lễ hội mới cần phải quy định rõ về các tiêu chí để tổ chức các sự kiện lớn. Chẳng hạn khi tổ chức lễ hội mới để phát triển du lịch thì phải căn cứ trên quy hoạch phát triển du lịch của cả nước, định hướng phát triển từng vùng và tỉnh nào có du lịch phát triển mạnh mới được tổ chức năm du lịch quốc gia; tỉnh nào có điều kiện cơ sở hạ tầng phù hợp mới được tổ chức các cuộc liên hoan, festival cho toàn vùng…


Hiệu quả của những lễ hội mới cũng cần được đánh giá. PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Bên cạnh việc thống kê lại các lễ hội mới cũng cần phải đánh giá hiệu quả vì những lễ hội này thường ngốn không ít tiền của. Sau một thời gian các địa phương đua nhau tổ chức lễ hội cũng dễ nhận thấy nội dung na ná nhau, hiệu quả với du lịch không đáng kể.


Riêng đối với các lễ hội truyền thống, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ quan điểm: Không thể quy hoạch lễ hội truyền thống mà để cho nhân dân tự làm và cần nâng cao kỹ năng tổ chức sự kiện cho họ trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn - phát triển, nhất là những lễ hội nhắm đến phát triển du lịch. “Điều đáng chú ý là những lễ hội truyền thống chịu khá nhiều ảnh hưởng từ những mô hình “lễ hội mới” này với việc đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội cổ truyền một cách khiên cưỡng, kèm theo đó là tâm lý thương mại hóa, trần tục và đơn điệu hóa lễ hội. Bởi thế, việc khảo sát hệ thống lễ hội trên toàn quốc một cách tổng thể và bài bản là nhu cầu đang được giới nghiên cứu đề xuất với mục đích quy hoạch, tránh tổ chức tự phát, tràn lan với các “ lễ hội mới” và tìm cách bảo tồn, đưa về sự quản lý chung của cộng đồng đối với các lễ hội truyền thống”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết.


Theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Di sản quốc gia: Để những lễ hội phát huy giá trị, nhất là lễ hội mới gắn với bảo tồn phát huy giá trị di sản thông qua phát triển du lịch không phải đơn giản. Nhất là lợi ích giữa các tổ chức quản lý lễ hội như chính quyền địa phương, ban quản lý di tích vẫn chưa có tiếng nói chung. Đó là những hạn chế chưa tháo gỡ được. Vì vậy, cần thiết phải có một dự báo mang tính xã hội về lễ hội hiện nay. Qua đó để thấy rằng những lễ hội nào cần phải đầu tư để gìn giữ, những lễ hội nào không thể hiện được tính đặc trưng của dân tộc, lai căng, mất bản sắc thì nên loại bỏ, kiên quyết không cấp giấy phép tổ chức tràn lan nhiều lễ hội mới như hiện nay… Làm được điều đó, cần có sự vào cuộc, tư vấn của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, sự kiên quyết của các nhà quản lý và sự đồng thuận của người dân - chủ thể của lễ hội.


Với những lễ hội mới lấy mục tiêu phục vụ du lịch cũng cần lấy nền tảng từ chính người dân bản địa. Những lễ hội từ truyền thống, mang bản sắc của dân tộc vùng đó mới là gốc rễ bền vững. “Du khách vượt hàng nghìn cây số sang đây không phải là để xem những thứ lai căng mà quan trọng họ muốn được trải nghiệm với bản sắc truyền thống của dân tộc bản địa nơi họ đến. Quan trọng là khâu tổ chức của chúng ta ra sao để người dân đóng vai trò chủ thể của lễ hội. Đã nhiều lần góp ý trong khâu tổ chức, tôi kiến nghị với địa phương tổ chức đưa lễ hội về với người dân, để người dân làm và càng mộc mạc, truyền thống càng tốt”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.


Các nhà chuyên môn về văn hóa đều cho rằng, đã đến lúc phải thay quy chế quản lý lễ hội bằng một văn bản pháp quy cao hơn là nghị định. Quy chế Quản lý lễ hội hiện đại nên được thay thế bằng một nghị định để phù hợp với thực tế và sự phát triển xã hội.

 

Xuân Minh

Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu? - Bài 2: Còn nhiều trắc trở
Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu? - Bài 2: Còn nhiều trắc trở

Bên cạnh những mặt được thì những mặt trái của lễ hội mới cũng không phải ít. Sau một thời gian tổ chức, những mặt chưa được của những lễ hội mới ngày càng bộc lộ rõ và gặp không ít những phản ứng từ dư luận xã hội, các nhà chuyên môn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN