Nhà văn hóa cộng đồng: Cần đầu tư để xứng đáng là nơi lưu giữ

Để góp phần thúc đẩy phát triển sinh hoạt văn hóa tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng nhà văn hóa cộng đồng (VHCĐ) của mình. Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng xưa, nhà VHCĐ không chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp để tuyên truyền cho bà con những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc K’ho (Lâm Đồng), Châu ro (Đồng Nai), trước tình trạng đang dần bị “lãng quên”.

Nguy cơ "mai một" lễ hội truyền thống

Đồng bào các dân tộc thiểu số đều sống du canh, phá rừng làm rẫy, trồng lúa, do đó các hoạt động lễ hội nói chung đều gắn liền với cây lúa, con trâu. Nhờ những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế của Nhà nước mà đời sống của đồng bào đã có sự đổi thay. Đồng bào đã biết định canh định cư, biết canh tác nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả. Nhưng cùng với đó, các lễ hội nông nghiệp cũng giảm dần.

Các cô gái dân tộc Brâu biểu diễn điệu múa xoang trong Lễ hội mừng nhà Rông văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vừa được đưa vào sử dụng ở thôn Đắk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Người K’ho ở Lâm Đồng sinh sống tập trung đông nhất ở huyện Di Linh, chiếm 36% dân số toàn huyện. “Đồng bào có 33 lễ hội dân gian trong đó có hơn 15 lễ hội liên quan tới vòng đời của cây lúa: Uống gặt lúa, uống bỏ đống lúa, rơm lúa về nhà… thế nhưng giờ chỉ có vài lễ hội còn diễn ra như uống sạ lúa, uống cắm nêu đồng... Bởi hầu hết đồng bào trong huyện đều trồng cà phê, chỉ còn lại một số ít hộ trồng lúa. Bên cạnh đó, địa điểm để tổ chức lễ hội cũng bị thu hẹp hoặc không có. Do đó, rất cần có nơi có thể phục dựng các lễ hội đã mất, cũng như tổ chức các lễ hội vẫn tồn tại, và phải ở ngay tại nơi đồng bào sinh sống”, ông Đinh Duy Truyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết.

Nghệ nhân - già làng K’bon, ở thôn Kala to Krồng, xã Bảo Thuận, tâm sự: Sau mỗi lần thu hoạch lúa, bà con trong làng thường tổ chức lễ cúng mừng lúa. Bà con tập trung ở nơi sinh hoạt chung (thường là một nơi rộng rãi cạnh bờ suối) và do người có uy tín nhất trong làng chủ trì. Cùng với đó là các hoạt động khác diễn ra như đâm trâu, diễn tấu cồng chiêng. Đến nay, bà con trong thôn vẫn tổ chức các lễ hội, nhưng không thường xuyên nữa. Cũng vì vậy mà các cuộc trình diễn cồng chiêng cũng ít đi, nên rất khó cho việc truyền dạy cho các thế hệ sau. Tỉnh, huyện có chủ trương mở những lớp dạy cồng chiêng, nhưng chỉ có học sinh học trong trường nội trú mới được học, vì đó được coi như một môn học bắt buộc. Trong khi đó, thanh niên trong làng không được học, một phần vì không có chiêng chung của thôn, làng để các nghệ nhân truyền dạy. Ngay cả các già làng cũng chỉ giữ một đến hai cái chiêng, nhưng muốn đánh cồng chiêng phải đủ bộ 6 cái. Do đó, chỉ đến khi có các cuộc thi thố cồng chiêng giữa làng này với làng khác, bà con mới đi mượn cho đủ để luyện tập. Già làng K’bon khao khát: “Đồng bào trong thôn, làng rất muốn giữ gìn bản sắc của mình nhưng chưa có điều kiện. Nếu có một nơi để bà con có thể sum họp, chắc chắn việc giữ gìn những hoạt động này sẽ dễ dàng hơn. Bà con cũng sẵn sàng góp cồng chiêng để thanh niên có thể học bất cứ lúc nào”.

Cùng chung nỗi niềm trăn trở đó, già làng Năm Nổi tại ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ: Do nghệ thuật cồng chiêng đặc thù là truyền khẩu. Chưa có một giáo trình, giáo án nào được phê duyệt đưa vào giảng dạy và chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ, nên việc truyền dạy của các nghệ nhân cho các học viên chủ yếu là hướng dẫn trực tiếp về cách cầm, cách đánh chiêng, phân nhịp, cách cảm âm… Rất khó tiếp nhận và nếu không được luyện tập thường xuyên, sẽ dẫn đến học chỉ mang tính chất tượng trưng, học để biết. Để trở thành nghệ nhân, người chơi phải rất kiên trì và quan trọng nhất phải có dụng cụ và nơi để luyện tập.

Cần xây dựng phù hợp hơn

Việc đầu tư xây dựng nhà VHCĐ thể hiện sự quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên có một thực tế, dù số lượng các nhà VHCĐ trên địa bàn huyện ngày càng nhiều, nhưng số lượng các nhà VHCĐ phát huy được vai trò đối với đời sống tinh thần của đồng bào lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Tiếp chúng tôi tại nhà VHCĐ thôn Djoe, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng), trưởng thôn Grum vui mừng cho biết, vừa qua, Trung tâm khuyến nông của huyện đã tổ chức lớp tập huấn trồng cà phê cho bà con ngay trong nhà VHCĐ. Trước đây, bà con phải lên trung tâm xã để học. Bên cạnh đó, nhờ có nhà VHCĐ mà các lễ hội dần dần được tổ chức trở lại. Trưởng thôn cho biết thêm, Djoe là thôn nghèo nhất trong huyện, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp mà hơn một năm nay bà con đã có nơi để sinh hoạt. Bà con ai cũng phấn khởi. “Nhưng niềm vui không trọn vẹn vì hiện tại nhà VHCĐ chưa có điện. Trong khi đó mọi hoạt động lại diễn ra chủ yếu vào buổi tối vì buổi sáng ai cũng tất bật lo cho công việc hàng ngày”, Trưởng thôn Grum cho biết.

Sự thiếu hụt các trang thiết bị như bàn ghế, điện nước, dàn âm thanh… là tình trạng chung của các nhà VHCĐ. Không những thế, nhiều nhà văn hóa được xây dựng ở nơi không phải là trung tâm của thôn, khuôn viên cho các hoạt động ngoài trời để tổ chức lễ hội vui chơi giải trí lại chưa đủ sức chứa nên hạn chế người tham gia. Hơn nữa, bà con tìm đến nhà VHCĐ cũng là muốn tìm đến không gian thiêng liêng ngày xưa thông qua các hiện vật như cồng chiêng, hay các công cụ săn bắt hái lượm. Thế nhưng, hầu hết nhà VHCĐ không có hiện vật trưng bày. Vì vậy, các nhà VHCĐ chưa phát huy được hiệu quả, chưa thật sự là nơi sinh hoạt, hội họp, cũng như giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Ka Đôi, ngụ tại thôn K’ming, xã Gung Ré, không khỏi xót xa khi tâm sự: Đã là nhà truyền thống thì trong đó nên trưng bày gì đó mang tính truyền thống của bà con, thế nhưng xây xong bà con vào tham quan không thấy gì ai cũng rất thất vọng. Người dân có góp ý kiến nên trưng bày các hiện vật để thu hút bà con tới sinh hoạt, nhưng không thấy tiến hành. Trong khi đó, một số hộ trong thôn đã bán đi cồng chiêng, gùi, vó (những công cụ phục vụ sản xuất ngày xưa). Bởi vậy, nhà VHCĐ của thôn khánh thành cách đây một năm, rồi rơi vào “quên lãng”.

Sự cần thiết của nhà VHCĐ đối với việc phục hồi các sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, càng ngày rõ nét. Thế nhưng, để nhà VHCĐ thực sự phát huy được vai trò đó, còn nhiều việc phải làm, trong đó cần chú ý đến cách xây dựng nhà văn hóa sao cho phù hợp với sinh hoạt truyền thống của đồng bào như nhiều nơi đã làm được.

Lan Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN