Người trẻ đam mê phim tài liệu

Những nhà làm phim tài liệu trẻ của Trung tâm TPD đưa ra những sản phẩm rất kì cục. Chất lượng hình và tiếng của nó kém đến nỗi đôi lúc bạn sẽ tự hỏi đó có phải là phim không. Nhưng những điều mà họ đề cập thì rất chân thực, mới mẻ... mà ít có nhà làm phim chuyên nghiệp nào theo kịp.


Lê Mỹ Cường run bắn khi cầm tờ giấy xét nghiệm. Tương lai của cậu phụ thuộc vào những dòng chữ được viết trên đấy. Cậu không ngờ thú vui làm phim tài liệu lại dẫn cậu đến với những cung bậc cảm xúc như vậy.

Lê Mỹ Cường.


Đầu năm 2011, Cường quyết định sẽ làm một bộ phim về trại phong Quả Cảm. Khi đó Cường hầu như không biết gì về căn bệnh này và cậu cũng lo lắng vì không biết tiếp xúc với người bệnh thì có bị lây không?


Qua một người quen là bác sĩ, Cường được biết căn bệnh này rất khó lây, tuy nhiên cậu nên đeo khẩu trang cho chắc ăn. “Nếu đeo khẩu trang thì còn ai dám trả lời phỏng vấn”, Cường nghĩ.


Sau khi liên hệ với Ban quản lý trại, Cường đã có những buổi làm việc rất thuận lợi. Bác sĩ và bệnh nhân ở trung tâm rất vui vẻ đón tiếp cậu. Mọi tư liệu cho bộ phim đã có đủ sau 4,5 buổi làm việc.


Thế nhưng sau khi trở về, Cường bắt đầu bị tê ngón cái bàn chân phải và kéo dài hàng tháng trời. Khi Cường điện về hỏi các bác sĩ ở trại phong, cậu nhận được câu trả lời không sao hết, các bác sĩ ở đây ăn chung ở chung với bệnh nhân bao nhiêu năm có làm sao đâu? Nhưng tốt hơn thì cậu vẫn nên đi làm xét nghiệm.


Run rẩy cầm 1,5 triệu đồng đi làm xét nghiệm, Cường như ngồi trên đống lửa. Sau một ngày chụp chiếu, lấy mẫu, khám chân khám tay… cậu đã có kết quả. Xét nghiệm kết luận, Cường bị viêm dây thần kinh ngoại biên. Tiền thuốc sẽ hết 500 nghìn đồng.


Lúc này thì Cường cũng đã nhẵn túi. Cậu quyết định về, không thuốc thang gì nữa. Một tuần sau, tự nhiên ngón chân cũng hết tê. Từ đó đến nay cũng không thấy tái phát gì nữa.


Câu chuyện của Cường chỉ là một trong số vô vàn những câu chuyện mà các học viên của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) đã trải qua.


Trung tâm TPD hiện đang trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam. Trung tâm ra đời với mục đích gây dựng và thực hiện những chương trình hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh và những hoạt động vì sự nghiệp điện ảnh Việt nam.


Tại đây thường có những khóa học ngắn hạn trong khuôn khổ dự án “Chúng ta làm phim”. Đối tượng hướng tới của dự án là các bạn sinh viên, học sinh cấp II, III. Thông qua việc làm phim, các bạn trẻ đến đây học sẽ được nâng cao những kĩ năng sống và khả năng cảm thụ điện ảnh.


Các học viên cấp 1 của trung tâm sẽ được học về phim tài liệu. Sau những giờ lên lớp về quay phim và nghiệp vụ phỏng vấn, các thành viên sẽ phải tự mình làm một bộ phim.


Nguyễn Trung Hiếu là một cậu ấm thành thị đúng nghĩa. Ở nhà, cậu luôn là ưu tiên số một của bố mẹ. Với cậu, vượt đèn đỏ là một cái gì đó khủng khiếp và đi xuống hồ bơi đồng nghĩa với việc tự sát.


Nhưng để làm bộ phim của mình, cậu sẵn sàng đi hoang cả đêm trên các khu phố của Hà Nội. Với một chiếc máy quay rẻ tiền mượn được, cậu cố gắng thu lại hình ảnh của những người công nhân môi trường đang làm ca đêm.


“Cái không khí đua tranh hay lắm, thấy các bạn khác làm tự nhiên mình cảm thấy thua kém. Lúc làm rồi thì không cảm thấy ngại ngần nữa”, Hiếu nói.


Đề tài của Hiếu chưa phải là độc nhất. Những bộ phim được đưa lên trang web của dự án, wwwchungtalamphim.vn đề cập đến rất nhiều vấn đề của xã hội như đất đai, ô nhiễm sông ngòi, đời sống người cao tuổi.


Trong bộ phim của mình, Hồ Thanh Thảo, một học sinh lớp 8 của trường Thực Nghiệm đã ghi lại những hoạt động ở cổng trường. Ống kinh của cô bé đã cho ta thấy cảnh những cô bé, cậu bé học sinh thích thú ra sao với món nem chua ở cổng trường, hay cảnh những người bán hàng rong tranh giành chỗ đứng.


Cô bé liên tục đưa ra những câu hỏi khá thẳng thắn đối với người được phỏng vấn. Ví dụ “Bạn lấy tiền đâu để ăn sáng?” hay “Ông thấy thức ăn như thế này có hợp vệ sinh không? Thế sao lại cho cháu ông ăn như vậy”.


Những hình ảnh đó tuy còn chưa được chỉn chu về kĩ thuật nhưng khó có ê kip chuyên nghiệp nào ghi lại được sống động như vậy.


Bằng cách này, dự án Chúng ta làm phim đã đưa được những đạo diễn trẻ vào cuộc sống thực tế. Những cô cậu học sinh, sinh viên đã có cơ hội để tiếp xúc với những góc cạnh rất khác trong xã hội mà bình thường ít khi họ được biết tới.


“Nhiều cái nó chẳng giống mình nghĩ gì cả”, Lê Mỹ Cường tổng kết. Lúc ở nhà cậu đã nghĩ bệnh nhân phong phải bi quan lắm và mình sẽ làm một cái phim như là tia hi vọng với họ. Nhưng thực tế những bệnh nhân ở trại phong Quả Cảm lại rất lạc quan. Sau đó cậu đã phải chỉnh sửa hoàn toàn kịch bản.


Những bộ phim tài liệu mà học viên ở TPD làm sẽ rất khác với những bộ phim khán giả thường được thấy. Hình ảnh sẽ rung lắc mạnh, âm thanh lúc to lúc nhỏ, thậm chí là rè không nghe rõ tiếng. Nhưng đó lại là những góc cạnh mà các bộ phim khác khó chạm tới và đặc biệt là nó rất thật.


“Quan trọng là được nói cái mà mình muốn nói”, Lê Mỹ Cường nói trước khi chia tay. Bây giờ cậu đã vào làm ở kênh VTV3 và chiều nay cậu lại có một phóng sự nữa cần phải dựng hình.


Phong Anh

Xã hội hóa việc làm phim
Xã hội hóa việc làm phim

Sự xuất hiện của những cá nhân hoặc nhóm làm phim như 8 cậu sinh viên của Bình Định cho thấy sự mạnh dạn trong suy nghĩ của những người trẻ, vốn lớn lên trong môi trường mà văn hóa nghe nhìn được phát triển mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN