Dự án có tên là photovoice, do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức, dành cho 9 nhóm dân tộc thuộc ba miền, gồm dân tộc Mông Si, Dao đen (Yên Bái), Mông đen, Dao đỏ (Lào Cai), Mường, Thái (Thanh Hóa), Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị), Khmer (Sóc Trăng).
Máy ảnh được phát cho đồng bào, rồi hướng dẫn đồng bào cách sử dụng máy, cách chụp ảnh. Và chỉ thế thôi. Còn thì mọi chuyện phía sau "màn trập" sẽ do chính đồng bào quyết định. Câu chuyện về văn hóa, về cuộc sống của đồng bào, về những sinh hoạt hàng ngày, cho tới những lễ hội, phong tục, tập quán đã tồn tại bao đời nay, giờ đang có nguy cơ thất truyền.
Ảnh: Mã Thị Sớ, dân tộc H’Mông, Lào Cai. |
Và đồng bào đã kể gì về "Văn hóa của mình" trong những bức ảnh, và trong những câu chuyện được kể kèm theo ảnh?
Với La Thường, dân tộc Khmer đến từ tỉnh Sóc Trăng, câu chuyện cuộc sống giản dị lắm: Một người đàn ông ở tiền cảnh và một người phụ nữ ở hậu cảnh, cùng gánh gánh gồng gồng mang vác những gánh hàng đang qua sông. Người đàn ông thì lội nước, còn người phụ nữ thì cheo leo với cây tre bắc qua làm cầu. Vất vả, cực nhọc ai cũng thấy; nhưng cái nụ cười mà người đàn ông đang giấu dưới chiếc mũ lưỡi trai thì lại cũng thật rạng rỡ, khiến bức ảnh có những niềm vui rất đời thường và có một sự tươi sáng của cuộc sống thanh bình. Tác giả La Thường kể: "Tấm hình này tôi chụp tại cây cầu tre bắc qua kinh Ông Mùi, ấp Tam Phước. Nhân vật trong ảnh là Nguyễn Thiện Minh, người Kinh; vợ là Lâm Thị Hạnh, người Khmer. Anh chị đang gánh rau cải về để bán. Trên kinh này hiện có 2 cây cầu tre. Việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn. Nếu có cây cầu cứng, bà con mình đỡ cực hơn". Và thế là, phía sau của bức ảnh có sự rạng rỡ của hạnh phúc vợ chồng ấy, hóa là còn một niềm trăn trở mà tác giả muốn gửi gắm: Một cây cầu cho người dân nơi đây đỡ cực. Cũng vì thế, mà ý nghĩa của bức ảnh được nhân lên rất nhiều.
Ảnh: Sùng A Của, dân tộc H’Mông, Lào Cai. |
Sùng A Của, dân tộc Mông, đến từ tỉnh Lào Cai lại chọn chụp hình ảnh bà Vàng Thị Ca và cháu đang trên nương. Cậu bé đang nhăn nhó khóc và người bà đang ra sức dỗ dành. Cái đẹp của bức ảnh với một bố cục có thể bị "kêu" là không cân này chính là ở sắc màu của núi rừng, sắc màu của chiếc váy Mông và xà cạp mà bà mặc, ở cái tình cảm mà người bà đang dành cho cháu... Sùng A Của đã chú thích rằng: "Theo truyền thống của người Mông, khi đi làm, không có người trông thì phải đào một cái vũng rộng khoảng 1m2, rải chiếu lên để cho trẻ chơi. Để đứa bé ở đó, bố mẹ có thể đi làm cách đó 10m, thỉnh thoảng nghỉ tay lại chơi cùng đứa bé. Khi nó đói hoặc khát nước, khóc, bố mẹ, ông bà mới về cho con bú hoặc uống nước. Những gia đình nào có con nhỏ đi làm trên nương đều như vậy hết". À, giờ thì người xem đã hiểu vì sao có những giọt nước mắt của cậu bé, dù đã có bà ở bên cạnh. Cậu vừa khóc đó thôi, vì ông bà, bố mẹ đi làm xa, để cậu ở lại một mình. Giờ cậu đói rồi, khát rồi, khóc váng rồi nên bà mới về dỗ dành... Thật đáng yêu và trong trẻo lạ cho một bức ảnh tưởng chừng rất giản dị.
Ảnh: La Thương, dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng. |
Còn trong bức ảnh của Mã Thị Sớ, dân tộc Mông, cũng đến từ Lào Cai, thì bản thân những nhân vật được chụp cũng đã mang lại sự đáng yêu cho bức ảnh: Hai cô bé Mông, má đỏ au, béo tròn đang mắm môi học khâu, bên cạnh là một cô bạn đang ngồi xem rất chăm chú. Cái màu đó của cặp má, cái màu vàng và hồng của áo làm mất đi hoàn toàn sự lam lũ trên trang phục của các em, chỉ thấy một sự đáng yêu tới tinh khiết của những đứa trẻ vùng cao vốn đã làm tốn không biết bao nhiêu phim, ảnh của các nghệ sĩ. Mã Thị Sớ kể câu chuyện của mình cũng rất mộc mạc, thậm chí là theo cách hành văn còn chưa "sõi":"Mấy đứa này mới 8 tuổi đang tập thêu. Bắt đầu thêu từ đầu, những cái đơn giản nhất. Đứa này không biết thì dạy đứa kia. Đứa lớn biết làm thì dạy cho đứa nhỏ hơn. Đứa nhỏ đang xem để học, nó chưa biết làm nên nó chưa tập thêu". Hóa ra là vậy, bọn trẻ đang dạy nhau học thêu, để thêu lên những chiếc áo, chiếc váy, xà cạp sẽ giúp chúng làm duyên sau này...
Còn khoảng gần 150 câu chuyện như vậy, là kết quả của dự án, được triển khai trong 4 tháng, và kết thúc bằng một triển lãm mang tên "Văn hóa của mình - Đối thoại trong không gian mở", đang diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), cũng do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức. Cuộc triển lãm đẹp vẻ đẹp tự nhiên, khiến bất cứ ai dừng chân xem cũng bị chinh phục. Cũng bởi chẳng ai hiểu cuộc sống của đồng bào, hiểu phong tục tập quán của đồng bào bằng chính họ. Và khi là người trong cuộc, bạn sẽ thấy mình "được sở hữu" những điều - có thể coi là bí ẩn của cuộc sống quanh mình - mà người ngoài cuộc không dễ gì thấy được.
Hương Trang