Kì nghỉ Tết tại Hà Nội: Đình chùa chen chúc, rạp phim cháy vé


Kì nghỉ lễ kéo dài 9 ngày là cơ hội để người dân Thủ đô dành thời gian cho gia đình, người thân tham gia những hoạt động du xuân đầu năm như lễ chùa, đi thăm họ hàng, du lịch… Thế nhưng trong những chuyến du xuân ấy không tránh khỏi những cảnh chướng tai gai mắt.

“Cò” vé lộng hành

Những ngày đầu năm, nhiều rạp chiếu phim ở Hà Nội đều trong tình trạng “cháy” vé xem các bộ phim Tết. Và điệp khúc "cò" vé lại tái diễn. Tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), khách tới mua vé xem phim luôn nhộn nhịp và đa phần là các bạn trẻ. Giá vé của mỗi phim chiếu tại rạp này dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/vé, tùy thuộc vào loại ghế và giờ xem phim.

Trong khi tại các phòng bán vé, dòng chữ “hết vé” luôn hiện đỏ lòe, thì chỉ cách đó chừng 10m, những tập vé dày cộp đủ các loại phim và giờ chiếu trên tay “cò” vé vẫn được mua bán tấp nập. Phim nào hết vé thì các “cò” này đều còn vé. Giá vé cũng được các “cò” vé đội lên từ 50 – 100% tùy theo phim và giờ chiếu phim có “hot” hay không. Nếu là phim “hot”, giá vé có thể tăng gấp đôi, tức là vé 100.000 đồng/cặp thì bán 200.000 đồng/cặp.

Xếp hàng mua vé xem phim.

Trên website của Cụm rạp MegaStar có thông báo lịch chiếu cụ thể, nhưng nhiều khách hàng vẫn muốn gọi điện hỏi tổng đài vì sợ trang web không kịp cập nhật thông tin. Ngay từ ngày mùng 1, mùng 2 Tết, tổng đài đã liên tục phải trả lời câu hỏi lịch chiếu phim của khán giả. Thời gian nghỉ lễ dài cũng tạo điều kiện cho người yêu thích điện ảnh đến rạp để giải trí. Các phim bán vé chạy nhất là: Thiên mệnh anh hùng, Lệ phí tình yêu, Lời nguyền huyết ngải, Đường đua ma quái… Nhiều phim hết vé từ 4h chiều ngày hôm trước. Vì vậy, khách hàng muốn mua vé xem phim tại rạp thường phải đặt vé trước ít nhất 1 ngày hoặc mua lại vé từ các “cò” vé.
Từ ngày mùng 3 Tết, hầu hết các phim hay, ghế đẹp đều cháy vé. Mặc dù vậy, phía bên ngoài, nơi các “cò” vé hoạt động thì loại vé nào cũng có. Chị Nguyễn Hiền Dịu, một khán giả đến xem phim vào mùng 4 Tết, cho biết: “Ngày mùng 1, mùng 2 đến rạp mua vé thì có thể xem phim ngay, do các gia đình còn bận đi chúc Tết. Còn những ngày sau, nếu muốn xem luôn thì chỉ có cách mua vé “chợ đen”.

Để hạn chế tình trạng thiếu vé vào các dịp lễ, Tết, nhiều rạp đã tăng lịch chiếu các bộ phim trong ngày, tuy nhiên do lượng phòng chiếu có hạn, tình trạng “khát vé” vẫn xảy ra, đặc biệt là tại các rạp lớn.

Đi lễ đầu năm – nơi chen chúc, chỗ thanh thản

Hầu hết các đình, đền, chùa, phủ lớn có tiếng ở Hà Nội đều trong cảnh chen lấn, xô đẩy từ ngay sau đêm Giao thừa. Các địa danh, di tích nổi tiếng như đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ, người người nườm nượp kéo đến lễ cầu may. Một du khách phương xa đến lễ đền Ngọc Sơn than thở: “Đông quá, tôi chỉ đứng từ xa lễ rồi đi ra vì khói hương nghi ngút và không thể chen vào sâu được”.

Tranh thủ thời điểm người đi lễ đông, các dịch vụ ăn theo quanh các đền, chùa lại “thừa nước đục thả câu”. Không ít du khách đã bị “chặt chém” không thương tiếc. Tại Phủ Tây Hồ, dịch vụ đổi tiền lẻ được dịp hốt bạc. Đã có du khách đến lễ phủ chấp nhận đổi 290.000 đồng lấy 70.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng để đi lễ. “Người miền Bắc có thói quen dùng tiền lẻ để đi lễ chùa. Chúng tôi từ phương xa tới, không đổi kịp tiền lẻ nên đành lòng phải đổi ở đây với giá cắt cổ”, bà Mai quê ở Phú Thọ đi lễ phủ phân trần.

Chen chúc đi chùa đầu năm. Ảnh : Lê Phú


Còn anh Trần Tiến Đạt, sau khi đi lễ tại chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than liền rẽ qua một cửa hàng bún ốc có tiếng đầu phố Hòe Nhai. Vừa vào tới quán, đập vào mắt anh Đạt là tấm biển: “Giá bún ốc đồng loạt là 50.000 đồng/bát. Từ ngày mùng 10 Tết giá trở lại bình thường”. Anh Đạt bức xúc: “Giá bún ngày thường chỉ là 30.000 đồng/bát. Ngày Tết khách đến ăn đông mà quán tăng giá cao quá. Quả thực, bữa ăn ngày Tết đầy rẫy bánh chưng, thịt gà, du khách đi lễ đầu năm thường chọn bún, phở để ăn cho đỡ ngán. Nhưng việc các cửa hàng ăn tại Hà Nội lấy lí do “Tết” để tăng giá vô tội vạ đã trở thành “luật bất thành văn” năm nào cũng như năm nào.

Trái ngược với cảnh đi lễ chen lấn lại bị chặt chém ở các di tích nổi tiếng Hà Nội, tại các chùa nhỏ, hoặc các chùa ở xa trung tâm Hà Nội, du khách có thể đắm chìm trong cái tĩnh tại của không gian Phật giáo, thoang thoảng khói hương và tiếng tụng kinh. Đến đây, không những du khách được thanh thản đầu óc, nguyện ước về một năm may mắn mà còn có thể yên tâm vì không hề có cảnh chặt chém.

Tại chùa Kim Liên, ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhưng nằm khá ẩn khuất bên bờ hồ Tây, người đến lễ không quá đông. Giá trông giữ xe ở đây là 3000 đồng/xe, thấp hơn rất nhiều giá gửi xe tại các địa điểm khác như đền Ngọc Sơn hay phủ Tây Hồ. Anh Trần Tùng, người dân từ Thường Tín thực sự thích thú với không gian tại chùa Kim Liên. Anh Tùng nói: “Tôi thích đi lễ đầu năm nhưng rất sợ cảnh chen chúc đông người. Đến chùa Kim Liên, tôi cảm thấy rất thoải mái, tĩnh tại, đồng thời lại được chiêm ngưỡng vẻ cổ kính của ngôi chùa có từ thời Lý này”.

Còn tại chùa Bằng A, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi có ngôi tháp Phật giáo giữ kỉ lục cao nhất Việt Nam, vào ngày mùng 6 Tết, tuyệt nhiên không có cảnh buôn bán chèo kéo người đi lễ. Được chiêm bái ngôi tháp Phật cao đến 13 tầng, chị Trần Minh Thu (phố Quốc Tử Giám) không giấu được niềm vui mừng: “Tôi đã nghe danh chùa Bằng từ lâu mà hôm nay mới có dịp ghé thăm. Ngày đầu xuân được đến chốn linh thiêng, yên tĩnh này quả thật không gì sánh bằng. Tôi cầu mong một năm bình an, may mắn cho mình và gia đình”.

Nam Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN