Nhà báo Katiuska Blanco kể trong lời giới thiệu bộ sách (2 tập) Fidel Castro: Người du kích của thời đại (Fidel Castro Ruz: Guerrillero del Tiempo) rằng khi lần đầu tiên bà tiếp xúc với Fidel thì không phải tầm vóc cao lớn hay diện mạo bề ngoài của ông là điều gây ấn tượng mạnh nhất. Trái lại, chính những lời nhỏ nhẹ, như tiềng thì thầm: “Tôi thích chiếc đồng hồ cũ, cặp kính cũ, đôi ủng cũ, còn trong chính trị, tôi thích tất cả những gì mới mẻ” đã cho ta cảm tưởng rằng đó là những điều bí mật. Và quả thực đó là những điều… bí mật.
Katiuska có vinh dự lớn được chia sẻ một phần những điều bí mật đó mà bất cứ nhà báo, nhà văn nào cũng đều mong muốn được trải nghiệm, dù chỉ trong một vài giờ đồng hồ.
Có thật thế chăng?- Nữ ký giả Katiuska tự hỏi- có thật là hơn một tuần sau khi Cách mạng Cuba thành công vào ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1959, Fidel vẫn đi ngủ với đôi giày quân dụng không rời chân? Không một ai có thể đặt dấu hỏi nghi ngờ về cái có vẻ như là sự mơ hồ hay là tính không xác thực của biết bao câu chuyện được truyền tụng, những cuộc phiêu lưu, những suy tưởng mang tính triết lý, và biết bao điều riêng tư khác nữa trong cuộc đời của người anh hùng? Đó là điều mà nhà văn Katiuska trăn trở rất nhiều để có thể đem đến cho bạn đọc hai tập sách với những buổi phỏng vấn, những cuộc đối thoại qua đó thể hiện hình ảnh lung linh, ngời sáng nhất của người chiến binh, với tầm vóc của con người giản dị, gần gũi, thân thương trong giọng nói, nhưng lại có khả năng làm chủ nghệ thuật hùng biện từng làm thay đổi phong cách diễn thuyết chính trị ở Mỹ La tinh.
Như tác giả bộ sách đã nói rất đúng rằng tư tưởng của Fidel mang tính tổng quát, đó là sự tích hợp của những trải nghiệm sống, của những ước mơ và những suy ngẫm về tương lai cùng hòa quyện vào nhau. Thật khó tin rằng con người từng nhìn thấy bao nhiêu điều dường như không tưởng đã trở thành hiện thực trong hơn nửa thế kỷ qua lại vẫn còn trong hành trang cá nhân của mình một kho ý tưởng mạnh mẽ và phong phú đến thế.
Fidel vẫn không ngơi nghỉ. Bộ óc của ông vẫn không ngừng nhào nặn thế giới, không ngừng làm cho trí tưởng tượng của bao người khác tin vào những kinh nghiệm đã trải qua, những hoài bão được chia sẻ, những kiến giải xác đáng cho thấy một tư duy trẻ trung và một tính cách không bao giờ già cỗi.
Một văn bản chuẩn bị các câu hỏi đầy đủ và bao quát nhiều mặt đã giúp thúc đẩy nhanh chóng quá trình tiếp cận một cách sâu sắc và nhạy cảm đối với vị lãnh tụ cách mạng. Hai tập sách với những đề tài đa dạng về cuộc đời của Fidel, về những biểu tượng của Cách mạng Cuba, về châu Mỹ của chúng ta như quan niệm của Jose Marti (1), về những anh hùng của quá khứ và tương lai của đảo quốc này dựa trên sự nghiệp cao cả của công lý và sáng tạo. Một văn bản với những câu hỏi thông minh và giàu sức gợi mở, đề cập tới những trải nghiệm phức tạp nhất, những sự kiện quan trọng nhất mà một chính khách từng kinh qua và cuối cùng tất cả những điều đó cho thấy sự nhạy cảm đã được mài giũa bởi những va đập của đời sống.
Với trí nhớ diệu kỳ, và những chi tiết khác lạ từ lúc mới lên hai, trong khi chưa có một chút ý niệm gì về cái chết nhưng Fidel đã chứng kiến đám tang buồn bã của một người bác cho đến những sự kiện gần đây nhất được kể lại một cách chính xác và đầy ắp hình ảnh.
Một tính cách mạnh mẽ, một tinh thần cảnh giác, một sự cảm thông với những người thân thích trong gia đình có tư tưởng trái ngược với những điều ông suy nghĩ, tất cả những điều đó đã được Katiuska đem đến cho chúng ta trong một bản tổng hợp mà ngoài ra còn cho thấy cuộc đối thoại thân tình và sâu sắc giữa lãnh tụ và nhà văn. Katiuska đã biết cách gợi mở để Fidel tự mình kể lại một cách thoải mái, và về phần mình, ông cảm thấy phấn khích trước sự thông minh và nhạy bén của người đối thoại. Khi cần thiết, nhà văn có thể bổ sung một dữ kiện, hoặc khi lý do đưa ra câu hỏi chưa đủ sức thuyết phục nhà lãnh đạo, bà đã sử dụng biện pháp tâm lý và kỹ năng nhà báo của mình để đưa ông hướng vào mạch chuyện.
Một sự mẫn tiệp khác thường và một cái nhìn luôn hướng tới số đông, tới những biến đổi xã hội và tương lai. Một ánh mắt luôn nhìn thấy hình bóng con người trong chiều hướng phát triển của nó mà vẫn không coi nhẹ quá khứ và những quy luật vốn có. Phương pháp nhìn nhận xã hội bắt đầu từ một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc như thế là nét đặc trưng trong triết lý của Fidel và tư tưởng Marti, đó cũng là cơ sở thế giới quan của ông.
Tập 2 của bộ sách đồ sộ này bao gồm các sự kiện của một thời kỳ dài bắt đầu từ cuộc đảo chính quân sự của Batista, trải qua các giai đoạn tiến công, phản công, cho đến thắng lợi của cách mạng vào tháng 1/1959. Mỗi chương của tập sách mô tả sự vận động và phát triển của một cách tư duy được rèn giũa giữa những biến động và những mâu thuẫn của lịch sử để dần hình thành nên tư tưởng cách mạng vững chắc, tư tưởng mà sau đó đã làm sụp đổ chế độ độc tài và chế độ tư bản chủ nghĩa phụ thuộc ngoại bang ở Cuba.
Trường đại học và quá trình hun đúc những tư tưởng cách mạng trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa giáo điều cũng như sự bột phát, với sự hình thành của Đảng Chính thống (Partido Ortodoxo) hay sự thoái trào của Đảng Chân chính (Partido Autentico) của Grau, tóm lại là tất cả những sự xáo trộn của một thế giới đang biến động, ở đó đầy rẫy những thứ rác rưởi như chủ nghĩa cơ hội hay tệ nạn tham nhũng trong lòng nước cộng hòa.
Katiuska đã tận dụng tất cả những bối cảnh ấy để đánh thức trí nhớ của Fidel và tạo cơ hội để ông đánh giá lịch sử Cuba giai đoạn trước khi cuộc cách mạng mà ông trực tiếp lãnh đạo giành được thắng lợi,
Xúc động biết bao những lời tuyên bố của Fidel, một thanh niên mới ngoài 20 tuổi, khi xảy ra cái chết của Eduardo Chibas, một người trước đó đã phải hứng chịu những lời phỉ báng làm suy yếu Đảng chính thống, đảng duy nhất vào lúc đó đứng ra hô hào bảo vệ phẩm giá và đạo lý của tư tưởng Marti. “Hành động anh hùng của Chibas, người đã tình nguyện hy sinh trên cây thánh giá, chính đó là niềm vinh dự lớn lao trước mọi lời vu cáo và sự thóa mạ độc ác…”. Fidel đã nói như vậy, và ông tiếp tục dẫn lời Jose Marti: “Nếu có rất nhiều kẻ không còn chút liêm sỉ nào nữa thì vẫn còn những người khác mang trong mình phẩm giá của rất nhiều người”.
Đã từ lâu Fidel luôn mơ ước giành được những mục đích lớn lao và những lý tưởng của một nước Cuba có chủ quyền. Đã từ lâu ông luôn suy ngẫm và vạch ra chiến lược giành chính quyền. Kinh nghiệm trong cuộc sống đã giúp ông sớm hiểu được thực tế xã hội và chính trị của Cuba. Ông hiểu rõ nhân dân mình, hiểu rõ tâm lý và những khát vọng trong sáng của người dân Cuba. Và Fidel không bị ràng buộc bởi quá khứ. Đó là điều khác biệt giữa ông và các chính khách thời thượng trong những năm tháng rối ren, tao loạn trước ngày cách mạng thành công.
Không có nhiều công cụ tuyên truyền, không có tiền của, nhưng với tài năng của một nhà chính trị bẩm sinh, Fidel đã hòa mình vào giai cấp lao động chân chính nhất và tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại tất cả những ngọn cờ cộng hòa giả hiệu, trước hết là chính phủ Carlos Prio cùng với bè lũ chuyên hối lộ, trộm cắp, gian lận và đủ mọi tệ nạn chính trị khác. Tiếp đó là chế độ độc tài Fulgencio Batista mà sau cuộc đảo chính 1952, bằng cái nhìn sắc sảo, Fidel đã vạch rõ bản chất của nó, làm cho những nhà phân tích thời cuộc nhạy bén nhất đương thời phải kinh ngạc.
Những trang kể về thời khắc hồi hộp khi xảy ra cuộc đảo chính của Batista chưa từng được công bố và nó thể hiện thái độ dũng cảm của Fidel khi ông đứng ra tố cáo việc tiếm quyền, vào giữa lúc tình hình còn hỗn loạn. Lời tuyên bố công khai đầu tiên của Fidel về sự kiện này mở đầu bằng câu: “Đây không phải là cuộc cách mạng, đây là vụ tiếm quyền”, và ký rõ tên: Fidel Castro. Lời khẳng định ấy là một luồng ánh sáng soi rọi một hướng đi mới cho đất nước Cuba và báo hiệu sự xuất hiện một người dẫn đường không thể tranh cãi.
Suốt trong những trang lịch sử Cuba sinh động này, bám chắc vào cội nguồn sâu thẳm của mình và với trái tim luôn đập theo nhịp đập của thời đại, Fidel Castro lần theo từng sự việc, sự kiện bằng một cái nhìn chuẩn xác, khách quan. Ông đưa đến cho chúng ta một tầm nhìn rộng mở hướng tới việc ghi chép lại lịch sử theo những quan điểm giúp minh định lại sơ đồ truyền thống và cách nhìn phiến diện từng làm méo mó lịch sử.
Fidel đã ấp ủ kế hoạch tiến công trại lính Moncada và Bayamo, và trong những tháng đầu năm 1953, ông đã cùng với Abel Santamaria, Jesus Montane và một số người khác xây dựng và củng cố nhóm các chiến sĩ cách mạng ưu tú, đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ mà thế hệ làm nên lịch sử được tôi luyện. Từ đó, Fidel Castro luôn là trung tâm của mọi sự kiện và cùng với các chiến sĩ của mình, là lực lượng duy nhất sẽ có thể làm được việc thay đổi hoàn toàn lịch sử. Dẫu rằng vào thời điểm còn chưa có đủ các điều kiện khách quan cũng như chủ quan, nhưng với một đội quân của nhân dân, và như Fidel từng nói: Với chủ nghĩa yêu nước, phẩm giá, truyền thống, tinh thần quật khởi của quần chúng, và tất nhiên cả với lòng căm thù chế độ độc tài mà chúng ta đã có thể tiến hành cuộc đấu tranh thực sự dẫn tới thắng lợi cuối cùng.
Với đặc quyền của một người có trải nghiệm sống dài lâu và một trí nhớ siêu phàm như Fidel, lại thông qua một người đối thoại tầm cỡ Katiuska nên quyển sách mang một giá trị to lớn trong vai trò chứng tích của lịch sử. Chúng ta sẽ không thuật lại chi tiết cuộc tiến công Moncada và hãy để cho bạn đọc hồi hộp trước những trang sách vô cùng hấp dẫn về hành động anh hùng này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nêu bật vai trò không chỉ của Fidel và Raul Castro mà là của tất cả mọi chiến sĩ tham gia trận đánh này, bởi đây chính là một trong những chương hào hùng nhất của bản anh hùng ca cách mạng.
“Chúng tôi cảm thấy vô cùng cay đắng và đau đớn trước thất bại nặng nề này”, Fidel Castro thừa nhận, nhưng đồng thời ông khẳng định: “Ý chí quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh của chúng tôi không bao giờ bị bẻ gãy”.
Với lòng dũng cảm và ý chí không khoan nhượng, Fidel đã coi thường mọi thách thức, vượt qua mọi trở ngại, và ngày 16/10/1953, trong căn phòng xử án chật hẹp, hầu như không có công chúng ở Santiago de Cuba, ông đã đọc bản tự bào chữa “Lịch sử sẽ phán xét tôi vô tội” (La historia me absolverá), một bản bào chữa hoàn toàn xa lạ với những giáo điều trừu tượng, và những lời kết đanh thép sau đây đã đi vào lịch sử quang vinh của dân tộc chúng ta:
“Tôi biết rằng, đối với bản thân mình, ngục tù sẽ khắc nghiệt như chưa từng khắc nghiệt đối với bất cứ ai, trong đó đầy rẫy những sự đe dọa, những mưu toan đê tiện, thấp hèn, nhưng tôi không hề sợ hãi, cũng như tôi không hề sợ hãi trước cơn thịnh nộ của kẻ độc tài đã giết hại bảy mươi người anh em của tôi, thưa các vị quan tòa, các người cứ việc kết án tôi, điều đó chẳng có gì quan trọng, lịch sử sẽ phán xét tôi vô tội”.
Từ trong trại giam Boniato ở Santiago, cho đến nhà tù ở Đảo Thông (Isla de Pinos, sau đổi thành Đảo Thanh niên-Isla de la Juventud, ND), Fidel và các đồng chí của mình vẫn tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh, và Phong trào 26/7 ngày một lớn mạnh. Những thông báo, những bản tố cáo, những chỉ thị vẫn xuất phát từ nơi tăm tối nhất của ngục tù để đem ánh sáng của đường lối cách mạng ra với quần chúng, làm cho sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với các chiến sĩ Moncada ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ, bất chấp mọi sự đàn áp, cấm đoán, bưng bít của chế độ độc tài. Cuối cùng chính Batista đã buộc phải ra lệnh ân xá cho những người bị bắt để mong xoa dịu tình hình, hy vọng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử do chế độ độc tài mưu toan sắp đặt.
Fidel Castro, người từng chiến thắng nhiều trở ngại và luôn biết kiên trì chờ thời cơ, nhưng không bao giờ chấp thuận điều kiện phải từ bỏ cuộc đấu tranh. Ông đã phản đối việc ân xá và vạch rõ trong một bức thư ngỏ gửi đồng bào cả nước: “Chúng tôi không chấp nhận trả giá bằng danh dự để được ân xá. Chúng tôi thà ngồi tù một ngàn năm còn hơn phải chịu sự nhục nhã”. Câu nói đó thể hiện ý chí bất khuất và tính cách kiên cường của những người cách mạng và nhân dân Cuba trong hơn 50 năm qua trước mọi khó khăn, gian khổ, kể cả cuộc bao vây cấm vận tàn bạo và bất công của các chính quyền nối tiếp nhau ở Mỹ.
Trước mọi sự đe dọa, Fidel không bao giờ sợ hãi, không bao giờ do dự hoặc bi quan dù chỉ 1 giây. Ý chí kiên cường và lòng tự tin ấy của Fidel đã thấm sâu trong tính cách của người dân Cuba và đó chính là thành trì đạo lý và tinh thần vững chắc của chúng ta trước mọi chiến dịch vu khống hèn hạ và sự cô lập bằng đủ mọi cách của kẻ thù.
Người ta có thể trách cứ ông bởi thái độ nào đó chưa đưa đến sự cảm thông đầy đủ hoặc bởi những sai lầm mà chính ông đã chỉ ra, nhưng không ai có đủ lý do để nghi ngờ trí tuệ thông minh và tinh thần quả cảm của Fidel trước mọi sự hiểm nguy mà ông từng chia sẻ với những người cùng thời.
Cuộc sống đã cho chúng ta vinh dự được chứng kiến con người từng làm nên những kỳ tích trong lịch sử Cuba đương đại vẫn đang có mặt giữa chúng ta đây, với sự minh mẫn và một trí nhớ phi thường. Chúng ta cảm ơn Fidel vì Người đã để lại kho tàng quý báu là đời sống và kinh nghiệm của chính mình trên những trang sách này làm bài học cho các thế hệ ngày nay và mai sau. Người đã làm cho chúng ta tin chắc rằng một thế giới mới là điều có thể thực hiện được. Cảm ơn Fidel, Người du kích của thời đại.
Phạm Đình Lợi (dịch theo mạng CUBADEBATE)
(1):Jose Marti (28/1/1853 – 19/5/1895): Nhà anh hùng dân tộc Cuba, người đã gieo mầm tình cảm hữu nghị của nhân dân Cuba đối với nhân dân Việt Nam qua câu chuyện “Cuộc dạo chơi trên mảnh đất của người An Nam” trong tập sách “Tuổi Vàng” hồi thế kỷ 19.