Chùa Bút Tháp được coi là “danh lam cổ tự”, có giá trị kiến trúc, nghệ thuật với chiều sâu tâm linh. Bên trong ngôi chùa còn chứa đựng nhiều bảo vật, hiện vật có giá trị khiến du khách đến đây như lạc vào cõi Phật, cảnh vật cuốn hút con người muốn được trở lại.
Di tích quốc gia đặc biệt với 4 bảo vật quốc gia
Chùa Bút Tháp có tên chữ là “Ninh Phúc tự”, là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ Phật được khởi dựng từ lâu đời. Vào thời Trần, ngôi chùa là nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm). Trải qua thăng trầm lịch sử, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), ngôi chùa được trùng tu, xây dựng với quy mô lớn.
Chùa Bút Tháp được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" với nhiều tòa ngang, dãy dọc kiểu “trăm gian”. Tổng thể kiến trúc chùa Bút Tháp được bố trí đăng đối theo thứ tự gồm: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích thiện am, Nhà trung, Phủ thờ, Hậu đường và hai bên là dãy hành lang, mỗi dãy gồm 26 gian chạy dài từ đầu nhà Tiền đường đến nhà Hậu đường. Bên trái chùa, phía sau dãy hành lang là Nhà tổ, thờ các vị tổ chùa, tiêu biểu là Thiền sư Chuyết Chuyết. Ngoài ra, hai bên và phía sau công trình chính là vườn chùa với những cây tháp cổ bằng gạch và đá, trong đó nổi bật nhất là tháp Báo Nghiêm.
Cùng với quy mô to lớn, cảnh quan phối hợp hài hòa, không gian thanh tịnh, du khách đến thăm chùa được chiêm ngưỡng các mảng trang trí chạm khắc trên các chất liệu gỗ, đá vô cùng tinh xảo. Trong chùa còn lưu giữ gần 100 pho tượng gỗ tạc trong nhiều tư thế đứng, ngồi, quỳ với nét mặt sinh động, biểu hiện nội tâm sâu sắc với ý nghĩa Phật giáo cao cả. Cùng với điêu khắc gỗ, chùa Bút Tháp còn có trên 50 bức chạm đá phong phú hình chim thú, hoa, cây... đường nét, hình khối rõ ràng, không cầu kỳ nhưng rất tinh tế.
Với những giá trị độc đáo, chùa Bút Tháp được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962, đến năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ thuyết minh Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết: Mỗi nhóm bảo vật quốc gia có giá trị độc đáo riêng nhưng đặc sắc nhất phải kể đến pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay. Bức tượng đặt trong Thượng điện được đánh giá là tuyệt phẩm điêu khắc. Với nghìn con mắt và nghìn cánh tay, Phật bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo.
Nằm cạnh bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà chủ trì quá khứ, phật Thích ca Mầu ni chủ trì hiện tại và phật Di lặc chủ trì tương lai. Các nghệ nhân đã chú ý tạc tượng với khuôn mặt phúc hậu, thanh thoát, song vẫn lộ vẻ sang quý. Bộ tượng mang ý nghĩa tâm linh to lớn, thể hiện sự phát triển nghệ thuật tạo hình điêu khắc Phật giáo ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Qua hình thức biểu hiện, trang trí của bộ tượng này, vừa tạo cho người xem, người hành lễ bước gần hơn với thế giới Phật giáo, đồng thời cũng tạo cho con người ta cảm nhận về vẻ đẹp của mỹ thuật Phật giáo - điều độc đáo mà các bộ tượng Tam thế Phật khác không có được, anh Chiến cho biết thêm.
Đặc biệt, du khách đều thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tòa Cửu phẩm liên hoa vừa độc, vừa lạ. Tòa có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am. Theo anh Nguyễn Hữu Chiến, tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp được xem như một loại cối kinh. Các tầng của tháp dưới con mắt của Phật giáo là tiêu biểu cho những khoảng của vũ trụ được xếp bậc lên nhau. Đó là thế giới của chư thiên, Phật, Bồ Tát. Các tầng bậc đó được xem như những thang bậc của ý thức, sự giác ngộ. Tòa Cửu phẩm liên hoa phản ánh đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố Thiền - Tịnh - Mật (phương pháp tu của đạo Phật) trong thế kỷ XVII.
Ngoài ra, tại chùa còn lưu giữ nhiều hương án cổ, có giá trị kiến trúc độc đáo, trong đó hương án đặt trong Thượng điện là tiêu biểu nhất, thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện và vô cùng tinh xảo của những nghệ nhân xưa. Nét độc đáo của hương án này không chỉ nằm ở sự đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các chi tiết trang trí đề tài hình tượng rồng.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Tự hào về ngôi chùa được lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia, Thượng tọa Thích Thanh Sơn, Trụ trì chùa Bút Tháp cho biết: Sau bảo vật tại chùa được công nhận là Bảo vật quốc gia, Ban quản lý di tích đã phối hợp với tăng ni trong chùa đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các bảo vật. Hằng ngày, nhà chùa đều bố trí người lau dọn nơi thờ tự, các bảo vật, pho tượng, hương án… Đặc biệt, những vị trí trọng yếu trong chùa đều được gắn camera giám sát. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường như có sự xê dịch, xâm phạm bảo vật, di tích, nhà chùa kịp thời báo lên các cơ quan quản lý di tích để có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.
Ông Nguyễn Trọng Hoài, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Ông rất tự hào vì quê hương mình có ngôi chùa cổ, có giá trị tâm linh, kiến trúc, nghệ thuật to lớn, lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia. Không chỉ tự hào, ông còn thường xuyên giáo dục con cháu những giá trị to lớn của ngôi chùa, có ý thức gìn giữ, xây dựng, bảo vệ di tích.
Chùa Bút Tháp hiện là ngôi chùa cổ, đẹp nổi tiếng trong cả nước, khiến mỗi du khách đã đến đây đều muốn trở lại. Cảnh vật thanh tịnh hòa cùng tiếng chuông chùa, gõ mõ và tiếng chim hót. Tại đây, thế giới trời, đất, phật như giao hòa, khiến con người như xua tan đi bao nỗi vất vả, lo toan của cuộc sống. Đó là cảm nhận của hầu hết những người đã đến thăm chùa. Chị Nguyễn Hương Trà, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cho biết mỗi dịp đầu năm chị lại cùng gia đình đến vãn cảnh chùa. Mặc dù tại đây chưa có nhiều dịch vụ “giữ chân” du khách nhưng cảnh vật nơi đây có sức hút đặc biệt, khiến mỗi người “dùng dằng chẳng muốn ra về”.
Đánh giá về giá trị của ngôi chùa, ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Chùa Bút Tháp là ngôi chùa có giá trị to lớn, được ví như là bảo tàng cổ vật. Qua công tác khảo sát, nghiên cứu, các tài liệu, hiện vật trong chùa phần lớn còn nguyên vẹn từ khi khởi dựng. Trong số 13 nhóm bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận, tại chùa đang lưu giữ 4 nhóm bảo vật. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị ngôi chùa đang được chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm thực hiện.
Tỉnh thường xuyên cử các chuyên gia, nhà quản lý, kiểm tra, thẩm định các hạng mục công trình và các bảo vật, từ đó có hướng bảo tồn, phát huy giá trị. Đặc biệt, vừa qua tỉnh hoàn thành trùng tu, tôn tạo di tích dựa trên cơ sở theo nguyên mẫu, giữ nguyên cấu trúc tổng thể công trình, thay thế các cấu kiện bị hư hỏng bằng vôi vữa truyền thống và gỗ lim chất lượng. Ngoài ra, trong chùa, bên cạnh các nhà sư, tại lối vào ngôi chùa, Ban Quản lý di tích tỉnh bố trí người túc trực hằng ngày làm công tác thuyết minh, hướng dẫn du khách tham quan, qua đó góp phần giúp du khách hiểu sâu hơn về giá trị ngôi chùa và các bảo vật, hiện vật.
Không chỉ riêng các bảo vật quốc gia tại chùa Bút Tháp, từ khi nhóm bảo vật quốc gia được công nhận đầu tiên vào năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật. Cụ thể, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quy chế phân cấp quản lý các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Những bảo vật quốc gia nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh quản lý. Đối với những bảo vật nằm trong di tích quốc gia ở các huyện do Ủy ban nhân dân huyện nơi có di tích quản lý.
Năm 2019, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh xuất bản cuốn sách "Bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh", được xây dựng trên cơ sở kế thừa cuốn "Hiện vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh". Cuốn sách đã cung cấp cho độc giả những tư liệu quý về bảo vật tỉnh Bắc Ninh. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh có nhiệm vụ phục dựng lại các bảo vật quốc gia trưng bày tại bảo tàng, ông Nguyễn Văn Đáp cho biết thêm.