Với mục tiêu tìm giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém của các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm “Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử”.
Thiếu cả tài, cả tiền...
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng: Trong quá trình phát triển của mình, các loại hình sân khấu dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch bài chòi... đã dàn dựng nhiều vở diễn về đề tài lịch sử và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem như “Trưng nữ vương”, “An Tư công chúa”, “Đề Thám”, “Trần Bình Trọng”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Hồ Quý Ly”, “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “Thái hậu Dương Vân Nga”... Chỉ riêng hình tượng anh hùng dân tộc Quang Trung đã có trên 50 vở diễn ở đủ các thể loại. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, thì những vở diễn sân khấu có đề tài về lịch sử vẫn chưa nhiều.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho rằng, các tác giả của sân khấu hôm nay thường quan tâm nhiều hơn đến đời sống đương đại trong hoạt động sáng tác, đề tài lịch sử cũng có, nhưng ít hơn. Và trong số đó, kịch nói chiếm ưu thế. Theo NSND Lê Tiến Thọ, nguyên nhân của tình trạng này là khán giả ngày càng ít quan tâm đến nghệ thuật sân khấu, và chúng ta cũng có ít tác phẩm sân khấu có đề tài về lịch sử hay, hấp dẫn để thu hút khán giả. Một nguyên nhân nữa là loại hình nghệ thuật sân khấu có đề tài về lịch sử chưa được đầu tư đúng mức... Cụ thể, khi dựng một vở diễn sân khấu có đề tài về lịch sử sẽ tốn gấp 3 - 4 lần so với dựng một vở diễn sân khấu theo đề tài hiện đại. Đơn cử, một chiếc áo để vua mặc, có khi mất đến vài chục triệu đồng, đó là chưa kể đến những bộ trang phục của quan, quân kèm theo... Thêm vào đó, việc xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử, những tình huống, tiết tấu để thông qua nhân vật lịch sử đối chiếu với hiện tại cũng chưa tốt nên những vở diễn sân khấu đề tài lịch sử chưa thu hút khán giả. Nói tóm lại, việc ngày càng có ít các vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử hiện nay là do thiếu cả tài và tiền.
Cần một chính sách
Lịch sử dân tộc là nguồn đề tài vô tận đối với nghệ thuật sân khấu, song cũng là một thách thức với các đạo diễn để có thể có những vở tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử không phải là tác phẩm lịch sử, mà đó là đem những điều đã xảy ra để soi rọi, bàn về cái đang xảy ra, sẽ xảy ra hôm nay bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, các tác giả khi sáng tạo thì cũng cần phải đúng với lịch sử, đúng quan niệm của nhân dân, từ nhân vật và sự kiện lịch sử, đến trang phục, bối cảnh...
Nhiều ý kiến tham dự tọa đàm cho rằng, để nâng cao chất lượng của những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử, bên cạnh việc tăng cường các đợt vận động, sáng tác về đề tài lịch sử, tạo điều kiện để các vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử đến được với công chúng, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý về vị trí, vai trò và tác dụng của mảng đề tài này, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho những vở diễn sân khấu có đề tài về lịch sử. Đặc biệt, để những nhà viết kịch tìm đến với những đề tài lịch sử, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, có ý nghĩa tôn vinh và có ý nghĩa giáo dục thì Nhà nước cần có một chính sách đãi ngộ đặc biệt, cụ thể là thù lao, nhuận bút của kịch bản lịch sử phải cao hơn các loại hình văn học khác.
Phương Hà