Tự nhận mình là “người có duyên với văn hóa cổ của người Việt”, ý thức được việc cần phải giữ gìn những nét văn hóa truyền thống còn sót lại, hơn 20 năm qua, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương đã đi, đã thấy và chụp lại hình ảnh của gần 700 cổng làng để cho ra đời bộ sưu tập ảnh “Cổng xưa”, đây là kho tài sản tinh thần vô giá đã lưu giữ được một nét văn hóa rất đặc sắc của làng quê Việt Nam.
Công trình của hơn 20 năm đi và chụp
Vì đặc thù công việc của anh có liên quan tới làng nghề, đi qua nhiều nơi vùng Bắc bộ, quan sát thấy những chiếc cổng làng đang bị tàn phá, mai một theo thời gian và anh đã nảy ra ý định phải chụp lại những hình ảnh này để lưu giữ lại “chỉ sợ khi cổng làng bị mất đi rồi, hình ảnh của nó cũng không còn”. Và anh cứ thế đi và chụp, sưu tầm, tích góp để bây giờ anh đã có một gia tài khổng lồ là bộ sưu tập “Cổng xưa” với hơn 700 hình ảnh cổng làng thật sự ấn tượng. Anh chụp không chỉ cổng làng ở Hà Nội mà còn chụp ở các tỉnh khác như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình và nhiều nhất là cổng làng của Hà Tây (cũ).
Bộ sưu tập ảnh “Cổng xưa” của họa sĩ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương. |
Kho tài sản của anh ngày càng đồ sộ lên sau mỗi lần được mời đi triển lãm. Lần đầu tiên anh công bố những bức ảnh này là năm 2000 khi anh tham gia triển lãm cùng với nhóm “Trò chuyện tháng Tư” với chỉ hơn 20 bức, đến cuộc triển lãm tại Trung tâm văn hóa Pháp năm 2005, gia tài đó của anh đã lên tới hơn 500 bức ảnh và lần thứ 3 vừa rồi anh mang bộ sưu tập “Cổng xưa” của mình đi tham gia triển lãm nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam, con số “ cổng làng” đã lên tới hơn 700 bức.
Trăn trở với những thay đổi từng ngày làm mất đi giá trị truyền thống đặc sắc, cùng với rất nhiều những chuyến đi công tác về các tỉnh đã nảy ra cho họa sĩ Quách Đông Phương cái ý nghĩ phải lưu giữ lại những nét đặc trưng của làng cổ Bắc bộ còn sót lại vì sợ sau này nó sẽ bị mai một đi mất. Và anh đã dùng máy ảnh ghi lại, không chỉ cổng làng, mái đình, nếp nhà,.. mà tất cả những gì anh quan sát được ở những nơi anh đã từng đi qua. Đặc biệt ấn tượng với anh trong những chuyến đi là những chiếc cổng làng, mỗi làng một phong cách khác nhau, nó chính là điểm hấp dẫn thu hút trí tò mò của anh để anh chọn đề tài này như một công trình nghiên cứu trong suốt hơn 20 năm qua.
Cổng làng, hồn Việt
Ngắm nghía bộ sưu tập “Cổng xưa” người xem sẽ nhận ra ngay mỗi cổng làng một nét riêng dù nó đều nằm trong một nền văn hóa chung đó là văn hóa làng xã của làng quê Bắc Bộ. Lên hình từ thời kỳ cách đây 20 năm, hình ảnh của các cổng làng cũng có nhiều đổi khác. Hàng trăm bức ảnh, hàng trăm cổng làng, mỗi cổng một vẻ khác biệt. “Làng nào cổng ấy”, cuộc sống sinh hoạt của người làng thể hiện ngay trên cổng. Thế cho nên mới có sự khác biệt giữa cách bài trí của cổng làng nghề với cổng làng chuyên buôn bán, với cổng làng chuyên về học vấn, có truyền thống đỗ đạt cao. Ví dụ như: Cổng làng Chèm vẽ với cách bài trí bút, nghiên, tuy đã cũ kỹ rêu phong nhưng nó gợi lên ngay hình ảnh một làng có học vấn cao, nhiều người đỗ tiến sĩ; hay như cổng làng Cự Đà rất to đẹp và vững chắc vì đây là một làng có nghề đi buôn, người làng giàu có thường tiến cúng tiền bạc cho làng, nên mới có chiếc cổng uy nghi là vậy. Bao nhiêu cái đặc trưng nhất của người làng đều thể hiện trên cổng.
Trước khi vào làng, cổng làng chính là cái đầu tiên để lại dấu ấn. Có thể người làng không giàu có, có thể mái nhà lụp xụp nhưng cổng làng thì lúc nào cũng phải to và đẹp, hay đơn giản cũng phải kiên cố. Qua bộ ảnh anh chụp, cổng làng Việt qua các thời kỳ hiện ra thật phong phú với đa dạng kiểu cách, và hình khối: Đồ sộ có, chênh vênh có, có cổng còn giữ nguyên dáng vẻ của nó, có cổng đã rêu phong phủ đầy, bào mòn theo thời gian...
Chính những cái rêu phong, cũ kỹ, đổ nát đó lại là nỗi trăn trở của một người đang chứng kiến sự biến mất dần dần các giá trị truyền thống quý báu. Theo anh, từ sau những năm 90 đã không có nhiều cổng làng để chụp, một số do bị phá đi, một số được xây lại cho to đẹp khang trang hơn. “Hầu hết cổng làng ở các tỉnh Hà Tây (cũ), Hải Hưng (cũ) và Thái Bình có nhiều điểm giống nhau. Gần đây người ta cố gắng làm to lên cho uy nghi, nhưng dường như chất hiện đại lại làm cho nó không ăn nhập với không gian của làng”. Đó cũng là một mong muốn khôi phục lại giá trị truyền thống nhưng theo anh cần phải có một quy chuẩn nhất định để tránh làm mới mà mất đi vẻ đẹp nguyên bản của cổng làng.
Đã có những làng muốn khôi phục lại cổng làng mình trước kia bị tàn phá, họ đã tìm đến anh, xin lại những bức ảnh anh chụp để về làm tư liệu. Với anh “đó là niềm vui rất lớn vì đã được góp một chút công sức vào việc khôi phục những nét đẹp văn hóa đã mất”.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên