Chuyện lạ đầu Xuân thời Hậu Lê: Cô gái câm biết hát

Mùa Xuân năm 1464, đúng vào năm được mùa bội thu, đất nước hân hoan mừng xuân mới, vua Lê Thánh Tông cho mở hội linh đình tại Kinh đô để ăn mừng thắng lợi.

Nhân dịp lễ hội, vua tôi phấn khởi, cao hứng, Hoàng thượng bèn sai Nội giám ra ngoại thành mời “Nhóm ca nhi hàng phố” vào trong cung đình ca hát giúp vui. Viên quan Nội giám vâng lệnh, đón được một gánh hát nổi tiếng ở Kinh đô lúc đó, vào hát chầu trong hoàng cung. Điểm đặc biệt của gánh hát này là không chỉ đàn hay hát giỏi, mà trong đoàn có một thiếu nữ có tài gõ phách, tuổi khoảng đôi mươi, sắc đẹp lạ kỳ nhưng lại không nói được, nguyên nhân bị câm không ai biết rõ, tên cô là Nguyễn Thị Đào.

Giữa buổi hát chầu vui vẻ, vua chợt thấy cô gái xinh đẹp trong nhóm ca nhi này chỉ ngồi gõ phách, giữ nhịp, lại cũng không biết cô bị câm, nhà vua phán bảo: “Cô gái gõ phách kia sao không hát lên cho trẫm nghe?”. Người chủ gánh thấy vậy, vội quỳ tâu lên Hoàng thượng sự thật bí ẩn về bệnh câm của cô Nguyễn Thị Đào. Khi nghe tấu trình vừa lúc dứt lời, lạ thay, cô Đào đã đứng lên và bất ngờ cất tiếng hát; lời ca của cô hay và có sức truyền cảm, đến nỗi từ các nghệ nhân đến cả triều thần và đức vua, ai nấy đều sửng sốt, kinh ngạc. Ngay lúc đó nhà vua bèn cho mời Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - thân mẫu của ngài ra thưởng thức.

Thấy chuyện lạ và được nghe kể lại, Thái hậu mới biết rõ cô gái câm Nguyễn Thị Đào này chính là con của đại công thần Nguyễn Trãi - người đã bị hàm oan trong vụ án Lệ Chi Viên trước đây. Thái hậu nhớ lại, Nguyễn Trãi vốn là ân nhân của mẹ con bà và Thái hậu đã xúc động ôm lấy cô Đào mà khóc.

Trước đây, bà Ngọc Dao lúc đang mang thai ở tại hoàng cung, đã bị Nguyễn Thị Anh (vợ thứ tư của vua Thái Tông) mưu hại, vu cho trọng tội, vì Thị Anh sợ con mình mất ngôi thái tử, may nhờ có đại thần Nguyễn Trãi lúc đó tâu vua xin miễn tội chết cho bà Ngọc Dao và bố trí cho bà lánh về An Bang (Quảng Yên ngày nay).

Sau đó, bà Ngọc Dao sinh hạ được hoàng tử Tư Thành, và hoàng tử Tư Thành đã được nối ngôi cha, tức là vua Lê Thánh Tông đương triều.

Để đền đáp công ơn cứu mạng, Thái hậu đã lưu giữ cô Đào ở lại hoàng cung để được gần gũi Hoàng gia, cùng hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý, bù đắp lại những ngày lang thang, vất vả.

Từ đấy, tiếng ca giọng hát của Nguyễn Thị Đào càng trở nên điêu luyện, truyền khắp kinh thành, gần xa nổi tiếng, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị của non sông đất nước dưới sự trị vì anh minh của nhà vua, đặc biệt là giải được nỗi oan khuất cho cha mình và dòng họ.

Nguyễn Duy (St)
Đền Trạng Trình được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Đền Trạng Trình được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Tối 7/1, Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN