Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu, ông Nguyễn Thế Cần cho biết, tăng trưởng dư nợ của NHCSXH Mộc Châu đến 30/6/2022 đạt xấp xỉ 386 tỷ đồng với 8.300 hộ đang vay vốn của 14 chương trình tín dụng ưu đãi (bình quân dư nợ tới 46,6 triệu đồng/hộ).
Từ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt thông qua việc tích cực đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống, nên các nguồn lực tài chính ở Mộc Châu được quy về một đầu mối là NHCSXH. Hằng năm, UBND huyện đều cân đối nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH gần 9 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Các quỹ hỗ trợ nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh cũng bàn giao 730 triệu đồng ủy thác cho NHCSXH quản lý cho vay đúng đối tượng chỉ định. Nhờ vậy đã góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi lên 391 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với khi mới thành lập 20 năm trước, đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm 16%.
Cùng với sự quan tâm giúp đỡ đó là công tác phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể địa phương, NHCSXH Mộc Châu đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách trực tiếp thông qua mạng lưới 15 Điểm giao dịch trải rộng khắp huyện xuống tận các xã vùng sâu, biên giới với hệ thống 216 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn, bản.
Có nguồn vốn lớn, có mô hình tổ chức quản lý phù hợp và mạng lưới hoạt động rộng khắp, nên những người làm tín dụng chính sách ở thảo nguyên Mộc Châu đã chủ động trong công tác phục vụ “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”. Vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi đã phòng ngừa, hạn chế nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non”. Gần đây, NHCSXH còn triển khai các chương trình hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COIVD-19 theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Gia đình ông Lương Văn Quy ở bản Hoa 1, xã Tân Lập là một trong nhiều trường hợp được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Qua trò chuyện được biết, ông Quy đã sử dụng 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và mới đây còn được vay tiếp gấp 2 lần số tiền vay lần đầu để thâm canh đồi cây ăn quả và mở rộng chuồng trại chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm.
Còn gia đình chị Hoàng Thị Lá ở bản Phách, xã Chiềng Khừa nhờ vay vốn ưu đãi thuận lợi đã cải tạo 5.000m2 đất đồi thành vườn trồng chanh leo cam lòng vàng. Đất đã chẳng phụ công người lao động siêng năng, chanh leo kết trái, cam sai trĩu cành, bán được giá, cho gia đình chị thu hoạch bình quân 6-7 triệu đồng mỗi tháng, bằng cả năm trồng lúa nương, khoai mỳ.
Còn nhiều tấm gương vay vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo nữa, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Mộc Châu đến nay chỉ còn 3,4%. Giám đốc Nguyễn Thế Cần khẳng định: “Thời gian tới, NHCSXH Mộc Châu tiếp tục ưu tiên vốn cho các hộ nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các xã, bản vùng sâu, biên giới, nơi bị thiên tai…; đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH triển khai thực hiện”.
Đây không chỉ là lời hứa của người cán bộ quản lý nguồn vốn ưu đãi ở một huyện miền núi biên giới của tỉnh Sơn La mà còn là mục tiêu hành động của những người làm tín dụng chính sách trong hệ thống NHCSXH đang thực hiện theo phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.