Phụ nữ Nùng An phát huy nghề dệt, may truyền thống

Từ những tấm vải bông, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Nùng An, ở xóm Khào A, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đã trở thành những sản phẩm may thổ cẩm đa dạng mẫu mã, màu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chi hội Phụ nữ xóm Khào A có 36 hội viên, 100% gia đình hội viên đều sản xuất nông nghiệp. Trước đây, cuộc sống của các hội viên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, chủ yếu trồng lúa, ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

Phụ nữ xóm Khào A may thổ cẩm.



Năm 2008, xóm thành lập nhóm dệt bông, nhuộm vải, với 12 thành viên. Năm 2010, được sự quan tâm của Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh và Dự án LIV HELVESTAS, sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã Phúc Sen; dự án được triển khai tại xóm Khào A, với mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án trực tiếp mở các lớp tập huấn kỹ thuật may, làm quen với máy móc, kỹ năng thiết kế sản phẩm, giao tiếp khách hàng cho các hội viên tại xóm, với tổng vốn hỗ trợ hơn 100 triệu đồng. Sang năm 2011, ngoài dệt, nhuộm vải, nhóm còn may thành sản phẩm thổ cẩm.

Chị Lương Thị Sao, xóm Khào A cho biết: Cuộc sống gia đình chị rất khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi ba con ăn học, quanh năm chỉ biết trồng lúa, ngô, gia đình nhiều năm là hộ nghèo. Năm 2011, chị tham gia vào nhóm may thổ cẩm với hy vọng cải thiện mức thu nhập. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Sản phẩm may thổ cẩm của phụ nữ xóm Khào A, xã Phúc Sen.



Sản phẩm may thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn như: Bật bông, se sợi, dệt vải, nhuộm, thêu, may, đều đòi hỏi tính kiên trì, bàn tay khéo léo của người phụ nữ để tạo nên những sản phẩm có kiểu dáng, hoa văn độc đáo. Thời gian đầu làm sản phẩm may thổ cẩm, chị em chưa biết cách phối hợp màu vải, họa tiết, hoa văn, nên sản phẩm chưa đẹp, chưa thu hút được nhiều khách hàng. Với sự cố gắng nỗ lực, chị em đã nghiên cứu, tham khảo các mẫu mã, sáng tạo hoa văn hợp thời trang, sử dụng thêm vải đay của người Mông, nghiên cứu, tìm hiểu các hoa văn của các dân tộc: Dao, Mông, Lô Lô để đưa vào sản phẩm, qua đó thu hút khách hàng.

Đến nay, nhóm may thổ cẩm của phụ nữ xóm Khào A có 17 thành viên. Sản phẩm may thổ cẩm được cải tiến, đổi mới hình thức, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng với các mặt hàng phong phú, mẫu mã đa dạng như: Khăn trải bàn, vỏ gối, túi đeo, túi đựng điện thoại, ví... , giá mỗi sản phẩm từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Sản phẩm may thổ cẩm của phụ nữ xóm Khào A được quảng bá rộng rãi và tham gia Ngày hội thổ cẩm Cao Bằng tại TP Hồ Chí Minh, được các du khách trong và ngoài nước đặt hàng. Mức thu nhập của chị em hiện nay trung bình từ 500.000 - 800.000/tháng, có tháng nhiều đơn đặt hàng thu nhập trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các hộ gia đình chị em trong nhóm không ai còn thuộc diện hộ nghèo.

Bà Nông Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho biết, nghề may thổ cẩm của Chi hội Phụ nữ xóm Khào A tạo bước đi mới trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần gìn giữ nghề truyền thống dệt vải, nhuộm chàm của ông cha để lại.

Công Hải
“Giữ hồn” thổ cẩm Tây Nguyên
“Giữ hồn” thổ cẩm Tây Nguyên

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc tại chỗ ở Đắk Nông nói riêng thì từ bao đời nay, dệt thổ cẩm không chỉ trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền trong đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN