Lễ Banh Chôl Vassa của người Khmer Sóc Trăng

Sóc Trăng có khoảng 350.000 người Khmer, đông nhất trong số các tỉnh có người Khmer sinh sống, chiếm 28,9% dân số toàn tỉnh và chiếm 32,1% tổng số người Khmer của cả nước. Người Khmer Sóc Trăng cũng như người Khmer Nam Bộ có tiếng nói, tôn giáo, và đặc trưng văn hóa riêng. Văn hóa tâm linh của người Khmer gắn liền với nhiều lễ hội diễn ra trong năm.

Một trong những lễ hội đặc sắc của người Khmer là nghi lễ nhập hạ, theo tiếng Khmer là Banh Chôl Vassa hoặc có nơi đọc trại là Bun Chôl Vosa.

Dâng lễ vật lên chùa.


Người Khmer tiến hành lễ nhập hạ nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc. Nghi lễ này được lưu truyền từ đời Đức Phật Thích Ca, gắn liền với truyền thuyết: Xưa tại xứ Sa-va-thay có phú hộ tên Mik-kia-rak, theo đạo A-chel (một hình thức ngoại đạo, các vị đạo sĩ của đạo này, thường không mặc quần áo, chỉ đóng khố) sinh được một trai rất khô ngô, tuấn tú tên gọi là Bonwothanak. Khi trưởng thành phú hộ muốn cưới vợ cho con, Bonwothanak xin với cha chọn vợ với năm điều kiện: Tóc nàng đen dài tới gót và cong lên như đuôi công; răng nàng trắng như ngà voi và đều như hột kim cương Akvivaria; thịt nàng mịn và mềm như trái tim pak; da nàng màu trắng xanh như hoa sen; và sắc đẹp phải bền vững với thời gian.

Phú hộ Mik-kia-rak chiều ý con nên phái các thầy tướng số mang theo vàng bạc, châu báu đi tìm. Trải dặm đường dài các thầy tướng số tới xứ Sa-kêt và họ thấy 500 cô gái đang tắm tự nhiên dưới sông, trong đó có nàng Vi-sa-kha. Khi dò biết được Vi-sa-kha đúng là người con gái mà phú hộ Mik-kia-rak muốn chọn làm dâu, các thầy tướng số đã trao sính lễ cầu hôn với nàng. Nàng Vi-sa-kha là con của Thnanh-chey giàu có nhất vùng. Lễ cưới của nàng tổ chức kéo dài bốn tháng. Đêm cuối cùng ở nhà, nàng được nghe cha dặn:

- Lửa ngoài rừng không nên đem vào trong, nghĩa là đừng bao giờ đem lời người ta nói xấu hoặc chỉ trích cha mẹ chồng mà thuật lại.

- Lửa ở trong đừng đem ra ngoài, nghĩa là đừng thuật lại cho cha mẹ mình nghe những lời cha mẹ chồng chê bai cha mẹ mình.

- Phải giữ gìn lửa cháy cẩn thận, nghĩa là không nên nản chí trong việc chăm sóc cha mẹ chồng.

- Phải ăn cho đúng chỗ, nghĩa là phải hầu cho cha mẹ chồng ăn xong rồi mình mới ăn.

- Phải ngủ cho đúng chỗ, nghĩa là phải dọn giường cho cha mẹ chồng trước khi dọn giường của mình.

- Phải ngồi cho đúng chỗ, nghĩa là phải nhường chỗ cao cho cha mẹ chồng ngồi.

- Chỉ nên cho vật gì cho kẻ mượn đồ mà có trả lại, nghĩa là xóm giềng ai đã mượn vật gì mà có trả lại, lần sau họ mượn nữa thì nên cho.

- Không nên cho vật gì cho kẻ nào mượn đồ mà không trả lại, nghĩa là đối với xóm giềng ai mượn đồ mà không trả thì lần sau không nên cho họ mượn.

- Đối với thân nhân mà họ mượn đồ vật dù có trả lại hay không trả lại thì lần sau cũng nên cho họ.

- Phải lễ bái các Chư thần trong nhà.

Đèn cầy trong ngày nhập hạ.



Khi về nhà chồng, lúc đầu ông Mik-kia-rak thường mời các vị Achen thuyết pháp. Nàng Vi-sa-kha không chịu làm lễ, nàng bị cha chồng bắt lỗi. Nhưng nhờ trí thông minh và sự giúp đỡ của các thầy tướng số, nàng được ông Mik-kia-rak bỏ qua và còn cho nàng được mời rước Đức Thích ca cùng 500 đệ tử về thuyết pháp. Ông Mik-kia-rak dần dần hiểu giáo lý. Nàng Vi-sa-kha bỏ tiền ra mua đất cất chùa Boppia-Riêm và mời Đức Phật về ngự. Đến mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, nàng Vi-sa-kha mời hẳn các sư sãi về ở hẳn trong chùa nghe thuyết pháp. Nàng còn bỏ tiền mua áo cà sa và đồ dùng để dâng cho các nhà sư trong 3 tháng ấy.

Nàng Vi-sa-kha mất năm 120 tuổi với 1.000 con cháu.(1)

Học theo đức hạnh của nàng Vi-sa-kha, người Khmer làm lễ Banh chôl Vassa mỗi khi mùa mưa đến, cụ thể là vào ngày trăng tròn của tháng Asat (tương đương tháng 6 âm lịch). Lễ này được tổ chức tại chùa trong hai ngày liên tiếp.

Vào chiều ngày thứ nhất, đồng bào Khmer sẽ đem hương hoa, lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện. Trong buổi lễ này món vật không thể thiếu đó những cây đèn cầy to lớn được các phật tử dâng đến chùa để đốt trong ba tháng hạ. Đèn cháy sáng với ý nghĩa cầu mong cho gia đình giàu sang phú quý, yên vui, hạnh phúc kiếp này cũng như kiếp sau, đèn sáng cũng giống như tinh thần của họ minh mẫn sáng suốt làm ăn được suôn sẻ.

Trong chánh điện ngày nhập hạ.



Hôm sau, đồng bào phật tử đem cơm, nước, gạo tiền…, đến chùa để dâng lên Đức Phật cùng sư sãi nhằm cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho người hiện tại.

Trong ngày thứ hai này hoạt động trong chùa rất nhộn nhịp nhưng vẫn thanh tịnh. Phật tử tập trung vào chùa rất đông để sau khi nghe sư sãi tụng kinh cầu an, cầu siêu và thuyết pháp thì họ còn tập trung dâng đèn cầy đi xung quanh 3 vòng chùa sau đó dâng vào chánh điện và thắp đèn lên để làm lễ Banh Chôl Vassa và các ngọn đèn này sẽ cháy suốt đến rằm tháng Srap (tháng 9 âm lịch), lúc làm lễ Banh Chênh Vassa (lễ ra hạ).

Trong ba tháng hạ từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9 âm lịch, ngoài việc thắp đèn cầy nhà chùa đánh trống nhập hạ trong hai buổi, vào lúc sáng sớm và chiều tối. Suốt thời gian này, đồng bào Khmer từ già đến trẻ đến chùa cầu nguyện cho người quá cố; các sư sãi không được rời khỏi chùa mà phải chuyên tâm tu học, trau dồi giáo đức, tự vấn bản thân trong quá trình tu tập theo Phật pháp.

Người Khmer ở Sóc Trăng rất sốt sắng tổ chức lễ Banh Chôl Vassa hàng năm, coi đó là một tập tục thiêng liêng, một nét văn hóa tâm linh đặc sắc cần gìn giữ.

Bài và ảnh: Minh Thương
-----

(1): Trong chính sử của Phật giáo, bà Vi-sa-kha là một vị nữ đại hộ pháp quan trọng trong thời Phật tại thế. Có thể tham khảo tiểu sử của bà trong tác phẩm Đức Phật và Phật pháp của Ngài Narada do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch.

Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer Sóc Trăng
Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer Sóc Trăng

Lễ hội Thăk Kôông, hay còn gọi là lễ hội cúng dừa, là một trong những lễ hội thể hiện nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người Khmer ở Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN