“Không di cư nữa đâu, bảo nhau ở lại làm ăn thôi”

“Nhờ cán bộ giúp gia đình tôi định cư ở đây, nên cuộc sống bây giờ tốt hơn trước nhiều lắm rồi. Trước đi mãi cũng vậy mà, cái chân vẫn mỏi, cái bụng vẫn đói, từ nay bà con sẽ không di cư nữa đâu, bảo nhau ở lại làm ăn thôi…”, ông lão người Mông Cư A Sẻng tâm sự như thế khi chúng tôi đến thăm khu tái định cư thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái).


 

Trẻ em ở khu tái định cư có trường lớp khang trang để học hành.

 

Dự án tái định cư ở xã Nà Hẩu bắt đầu được triển khai từ năm 2006. Đây là mô hình định canh, định cư xen ghép nhằm ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc Mông, Dao trên địa bàn, cũng như ở các vùng lân cận vốn quen cuộc sống du canh, du cư. Dẫn tôi đi tìm hiểu thực tế, anh Lý Văn Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Yên, chia sẻ: Đưa được bà con về nơi ở tập trung như hiện nay không hề đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền địa phương một cách nghiêm túc.


Những ngày cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi chương trình bắt đầu triển khai, cả khu Nà Hẩu chỉ có gần chục hộ gia đình chuyển về. Do khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho các hộ tái định cư, nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, bà con lại kéo nhau quay trở về nơi ở cũ, tiếp tục sống du canh, du cư. Trước tình hình đó, các cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn đã hạ quyết tâm phải đưa bằng được các hộ về nơi ở mới, sống tập trung, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu. Điều khó khăn nhất chính là việc thay đổi nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào vốn đã tồn tại bao đời nay. Thật mừng là sau bao ngày tháng kiên trì vận động, thuyết phục, khu tái định canh, định cư Nà Hẩu ngày một đông dần, đến nay đã có 139 hộ.


Mới chuyển về khu tái định cư, ông Giàng A Phà (người dân tộc Mông ở bản Tát, xã Nà Hẩu) rất vui. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: “Cán bộ nói phải, nói đúng thì mình phải nghe thôi, nó muốn tốt cho mình mà. Ở đây có ruộng, có nương, trồng lúa, trồng ngô cũng dễ hơn nhiều, con cháu mình cũng được đi học nữa”. Dẫn chúng tôi vào nhà, ông đem rượu ngô ra mời rất nhiệt tình: “Uống đi mà, rượu ngô men lá đấy”. Nói đoạn, ông đưa mỗi người một bát và ông cũng làm một hơi sảng khoái.


Ở khu tái định cư mới này, mỗi hộ đồng bào chuyển về đều được hỗ trợ 18 triệu đồng để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Bà con tự giúp nhau dựng nhà cửa, sửa sang lại chỗ ăn, chỗ ở. Để ổn định sản xuất, mỗi hộ được cấp 0,5 ha trồng lúa nước 2 vụ và 1,5 ha trồng màu, nếu ốm đau đã có trạm y tế với cán bộ y tế khám chữa bệnh tận nơi, không phải đi xa mấy ngày đường như trước nữa. Cuộc sống của bà con đã từng bước đi vào ổn định, nhưng chưa phải đã hết những khó khăn. Làm thế nào để bà con thực sự yên tâm sinh sống lâu dài ở nơi ở mới, luôn là câu hỏi không dễ đối với chính quyền cũng như những cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương. Anh Lý Văn Ngọc trăn trở: “Khó khăn nhất hiện nay là giải quyết đất sản xuất. Nơi đây địa hình đồi núi gập ghềnh khó có thể mở rộng diện tích trồng lúa nước để chia cho đồng bào. Trước mắt, chúng tôi phải tận dụng các bãi ven khe suối để cải tạo, cùng với việc vận động bà con sở tại chia sẻ ruộng cho những người mới đến, sau đó mới tìm địa điểm phù hợp để khai hoang cho đồng bào. Về lâu dài, chắc chắn phải tính đến việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, có như vậy mới xóa được đói nghèo bền vững”.


Từ bỏ thói quen, tập quán du canh du cư chuyển về nơi ở mới, dù cuộc sống trước mắt của những hộ đồng bào người Mông, người Dao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với quyết tâm của chính quyền địa phương nói chung, tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân tộc nói riêng, chắc chắn, tương lai no ấm, tốt đẹp hơn sẽ đến với Nà Hẩu vào một ngày không xa.


Bài và ảnh: Minh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN