Bà Margaret McCollum, một bác sĩ sống ở phía bắc Luân Đôn, có một sở thích đặc biệt: Đi tàu điện ngầm qua nhà ga Embankment để nghe giọng nói của chồng trên hệ thống phát thanh, trong đó có câu “Mind the gap, please” (câu nhắc nhở hành khách chú ý khi lên xuống).
Hành khách đi tàu điện ngầm ở bến Oxford Circus. |
Câu nói trên vẫn hàng ngày vang lên trong nhiều năm, dù chồng bà đã qua đời vào năm 2007. Hằng ngày bà vẫn đến ga này, ngồi xuống ghế chờ chỉ để được nghe đi nghe lại giọng nói của ông mỗi khi tàu đến. Ông Laurence, chồng bà, đã từng là diễn viên kịch và ông đã được mời thu âm nội dung thông báo “Mind the Gap, please” này cho tuyến đường Northern Line của hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn (London Underground) từ những năm 1960.
Nhưng tháng 11 năm ngoái, bà sửng sốt khi lời thông báo không phải là giọng nói thân quen của chồng. Bà gặp người phụ trách nhà ga và được biết rằng họ đã đưa vào sử dụng hệ thống phát thanh mới kỹ thuật số và những lời ghi âm cũ không được dùng nữa. Bà khẩn khoản đề nghị nhân viên nhà ga ghi lại vào đĩa CD giọng nói của ông Laurence để bà được tiếp tục nghe lại ở nhà.
Ông Nigel Holness, Giám đốc London Underground và các nhân viên nhà ga đã rất cảm động trước tình cảm của bà McCollum và họ đã quyết định khôi phục lại lời thông báo: “Mind the Gap” qua giọng nói của ông Laurence để dùng cho riêng nhà ga Embankment.
“Mind the Gap”, lời thông báo ngắn gọn này đã là biểu tượng không thể thiếu của hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn, được thu âm bởi nhiều người khác nhau và phát ở các tuyến đường khác nhau như tuyến Central Line, Piccadilly Line, Northern Line, District Line… “Mind the Gap” đã vang lên ở nhiều nhà ga nhắc nhở hàng tỷ lượt hành khách đi lại trên hệ thống này vì ở nhiều ga, sàn tàu cao hơn nhiều hoặc có khoảng cách xa với sân ga. Không phải lúc nào cũng có lời thông báo vang lên. Đôi khi chỉ đơn giản là ba từ trên được viết trên mặt đất, nhưng London Underground đã trở thành một phần lịch sử của nước Anh bất chấp kể từ năm 1863, hệ thống tàu điện ngầm cổ nhất thế giới này đã trải qua nhiều giai đoạn nâng cấp để theo kịp tiến bộ của thế kỷ 21.
Ý tưởng không “điên rồ”
Ngày nay, những ai đã từng đặt chân đến Luân Đôn đều không thể không biết đến sự đi lại thuận tiện của hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn hay còn được gọi là The Tube của "xứ sở sương mù". Nhưng cách đây hơn 150 năm, thì đó là một ý tưởng điên rồ. Người ta tự hỏi làm gì có chuyện tàu chạy bằng hơi nước trong các đường hầm ngầm dưới lòng các con phố ở thủ đô Luân Đôn. Năm 1862, tờ Times còn mô tả điều này là một điều “ngớ ngẩn”.
Thế rồi London Underground đã chứng minh nó là một trong những kỳ công của thế giới hiện đại, là hệ thống đường sắt chạy bằng hơi nước ngầm dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới. Nó giúp mở rộng thành phố Luân Đôn nhanh chóng, giúp Luân Đôn trở thành một trong những thành phố lớn nhất châu Âu nhưng lại có mật độ dân số thấp.
Trong thực tế, người đề xuất ra ý tưởng xây dựng tàu điện ngầm đầu tiên không phải là chuyên gia trong ngành đường sắt mà là một luật sư và là một nghị sĩ quốc hội tên là Charles Pearson. Thời của ông, giao thông ở Luân Đôn rất đông đúc và nhiều tai nạn. Năm 1845, ông nêu ý tưởng và kiên trì thuyết phục Hạ viện chấp thuận kế hoạch này vào năm 1853. Ngày 10/1/1863, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới đã ra đời ở thủ đô Luân Đôn, chuyên chở 30.000 hành khách/ngày. Nhưng tiếc rằng ông Pearson đã không có mặt trong số những hành khách đầu tiên. Ông đã mất trước đó một năm.
Trải qua 150 năm, tuy bị coi là hệ thống tàu điện ngầm lạc hậu, hay gặp sự cố nhất trên thế giới nhưng không thể không nói đến giá trị vận tải của nó đối với thủ đô Luân Đôn. Hệ thống tàu điện ngầm này dài thứ hai thế giới, với 402 km trải rộng khắp thành phố, kết nối 270 ga và vận tải trên 1,1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.
Còn người Anh, họ nói gì về hệ thống tàu điện ngầm ở Luân Đôn? “Đông đúc, đi lại không thật dễ chịu lắm và đắt đỏ nhưng nó là đặc trưng của Luân Đôn. Nó là của chúng ta”.
Bài và ảnh: Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)