Đây là địa phương đầu tiên Thủ tướng Chính phủ làm việc sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung quan trọng.
Trong những tháng đầu năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, với chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Mặc dù có những khó khăn do dịch COVID-19, song quý I/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (GRDP) tăng 4,58% so với cùng kỳ. Các chỉ số kinh tế-xã hội 4 tháng năm 2021 của Thành phố đều tăng ở mức khá và cao. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 14%; tổng doanh thu du lịch tăng 17%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 140.000 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so cùng kỳ...
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”; kiên trì nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, đến nay Thành phố vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch. Riêng đợt lây nhiễm từ 27/4 đến nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm tại cộng đồng liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại tỉnh Hà Nam.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, Thành phố đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Thành phố đạt trên 6,5%; kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 nhóm nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gồm: xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; nhóm kiến nghị về đầu tư, xây dựng công giai đoạn 2021-2025; các kiến nghị liên quan đến thành phố Thủ Đức như cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng kết cấu hạ tầng cho thành phố Thủ Đức; các kiến nghị liên quan công tác quản lý đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại buổi làm việc, các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thảo luận về những giải pháp căn cơ, mang tính đột phá để phát triển Thành phố xứng đáng với Thành phố mang tên Bác, tầm vóc đầu tàu kinh tế của cả nước.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành quả quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong những năm qua. Trong đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả có ý nghĩa. Thành phố tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo, thể hiện vai trò, vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Cơ cấu nền kinh tế vận hành đúng hướng.
Tốc độ phát triển kinh tế, hiệu quả đầu tư, nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn trung bình cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính luôn được cải thiện, nâng lên. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân được đảm bảo. Môi trường được cải thiện... Đặc biệt, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 đạt mục tiêu...
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, tuy những thành tựu của Thành phố đạt được là cơ bản, song vẫn chưa thực sự xứng tầm với vị trí, vai trò, tầm quan trọng và lợi thế của Thành phố. Công tác lãnh đạo điều hành có nơi, có lúc còn chưa chủ động, sáng tạo, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm. Việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội có kết quả tích cực nhưng cần sớm sơ kết, tổng kết, bổ sung để thúc đẩy phát triển.
Giai đoạn 2016-2020 tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố chưa đạt mục tiêu. Tốc độ giải ngân đầu tư công chưa cao. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, cần điều chỉnh để gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị, giao thông... Cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao. Khoa học, công nghệ chưa thành động lực để phát triển. An ninh, trật tự tiềm ẩn phức tạp... Nguyên nhân về những hạn chế có cả do chủ quan và khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chính.
Thủ tướng định hướng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển phải thực hiện theo quan điểm phát huy khối đoàn kết, thống nhất với tinh thần tự lực, tự cường; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự, chống đỡ sang chủ động tấn công trên mọi lĩnh vực; thống nhất về nhận thức và hành động; nghĩ chín, tư tưởng thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; triển khai công việc phải có trọng tâm, xử lý phải dứt điểm; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; những vấn đề đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng đắn, hiệu quả thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định, nhưng thực tiễn đặt ra thì phải mạnh dạn thí điểm, bổ sung, nhằm mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra...
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo, Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ lớn. Theo đó, Thành phố cần bám sát 5 nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng và 5 phương thức lãnh đạo của Đảng để thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gắn với các quy định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là quy định về nêu gương, đẩy mạnh công cuộc chống tiêu cực, lãng phí; xây dựng cơ quan hành chính liêm chính, dân chủ, đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong thời kỳ mới; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; nâng cao nhận thức và coi trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của nhân dân và trong xã hội; tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch...
Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phát huy khí thế, thành tích, thành tựu đã đạt được để tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ; yêu cầu các cấp, các ngành cả ở Trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp, tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy phát triển, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên hết; phát triển Thành phố Hồ Chí Minh xứng tầm là trung tâm kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước, đi đầu trong thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả.
Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức quán triệt, thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, trong đó xây dựng chương trình, hành động phải dựa trên thực tế để có căn cứ thực hiện hiệu quả; thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị chu đáo, tổ chức an toàn, thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có uy tín, phẩm chất, năng lực, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát thể chế, các cơ chế chính sách để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với yêu cầu; xây dựng và tổ chức thực hiện cơ cấu nền kinh tế theo tình hình phát triển mới; xây dựng cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng thành phố Thủ Đức; huy động đa dạng các nguồn lực xã hội vào phát triển; đẩy mạnh phát triển kinh tế số; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với những người yếu thế trong xã hội.
Về những đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ cơ bản đồng ý với 15 đề xuất, kiến nghị chính đáng, phù hợp của Thành phố, đồng thời đề xuất thêm nội dung về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với Thành phố để rà soát, hoàn thiện các nội dung cụ thể, đảm bảo đúng nguyên tắc, pháp luật; những nội dung vướng mắc ở điểm nào, cần đến giải quyết ở cấp nào thì trình cấp đó xử lý, tháo gỡ.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ thực hiện phương châm "3 không": Chính phủ không nói không; Chính phủ không nói khó; Chính phủ không nói có mà không làm. Với tinh thần phân cấp, phân quyền rõ, vấn đề nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành thì Chính phủ và các bộ, ngành xử lý.
Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện được các mục tiêu đề ra, trong đó có những đột phá mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị, quân sự, an ninh, quốc phòng, kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ cũng như của cả nước; xứng đáng là Thành phố mang tên Bác - Thành phố Hồ Chí Minh.
* Cũng trong chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các cơ sở y tế, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn tới toàn thể y, bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động trong ngành y tế cả nước, cũng như của Thành phố Hồ Chí Minh - những người trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những y, bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước đã phát huy tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”, góp phần đẩy lùi 3 đợt dịch COVID-19 trước đây và đang kiềm chế để từng bước đẩy lùi đợt dịch hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Các lực lượng trên tuyến đầu có đóng góp rất tích cực, quan trọng, hiệu quả trong phòng, chống và khắc phục hậu quả đại dịch, có tính chất quyết định; cùng với đó là sự vào cuộc của các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác. Chúng ta chịu hy sinh, gian khổ để phục vụ nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và rất biết ơn đội ngũ y bác sĩ”, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục làm tốt hơn, quyết liệt hơn.
Thủ tướng khẳng định, trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và sự lưu ý của Chủ tịch nước, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc là trên hết, trong đó có bảo vệ sức khỏe của nhân dân, không vì phát triển kinh tế mà hy sinh sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống khắc phục hậu quả dịch với phát triển kinh tế - xã hội. Hài hòa giữa tấn công và phòng ngự, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, lấy tấn công là chính.
Phân tích cụ thể hơn khái niệm chủ động tấn công trong phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, muốn tấn công thì phải phòng ngự tốt, phòng ngự từ xa, từ sớm, từ trước. Tăng cường xét nghiệm trên diện rộng ở những nơi đủ điều kiện, huy động tối đa mọi nguồn lực hiệu quả của xã hội cho công tác này. Từ đó, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình. Cùng với đó, xây dựng kịch bản ứng phó với mọi hình huống có thể xảy ra tại các địa phương, nhất là cuộc bầu cử sắp tới.
Biểu dương công tác phòng, chống dịch tại hai bệnh viện, song Thủ tướng cũng lưu ý ngành Y tế khắc phục ngay những hiện tượng chủ quan lơ là mất cảnh giác tại các cơ sở y tế, nhất là không để xảy ra dịch ở nơi chống dịch. Thủ tướng yêu cầu các bệnh viện chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, phân cấp, điều động của Thành phố và các cấp chính quyền.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, sự hy sinh, gian khổ của của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, dược sĩ, người lao động ngành y tế, tất cả vì người bệnh thân yêu, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, nhất là trong thời gian đại dịch bùng phát. Thủ tướng mong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, người lao động ngành Y tế tiếp tục vững vàng, mạnh mẽ, kiên cường, cùng toàn Đảng, toàn dân và cả nước tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, thực hiện mục tiêu kép, tất cả vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân.