Sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, sáng 22/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Theo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục một số chồng chéo trong các văn bản về khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp. Luật cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo; hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình về Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, đây là Luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều Luật khác. Vì vậy, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo để không chồng chéo với quy định của các luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tờ trình của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ rõ: Thực tiễn công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập. Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do tính pháp lý thấp, không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định.

Trong khi đó, Luật biển Việt Nam mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ như các quy định để quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định hướng, điều phối, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


Trình bày tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết sau 15 năm thi hành, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đạo luật đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức Mặt trận đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung. Luật chưa có những cơ chế pháp lý cụ thể để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm, cũng như chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân.

Do những hạn chế của Luật hiện hành, một số quy định đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách đồng bộ; việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay; sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn hạn chế. Hoạt động giám sát của Mặt trận chưa được thực hiện thường xuyên và toàn diện, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thiếu các cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đạt hiệu quả cao…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Thực tiễn hiện nay đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức, tổ chức và cơ chế hoạt động để đáp ứng nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải bổ sung và cụ thể hóa những quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013; trong đó có những quy định như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân…

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới. Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật trình Quốc hội lần này về cơ bản đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn bản khác của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định rõ tính chất giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm, cần tiếp tục quy định cụ thể hơn cơ chế để Mặt trận tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.

Quy định cụ thể về trình độ, phẩm chất đạo đức của đại biểu Quốc hội


Cũng trong buổi sáng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung có còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Nhiều nội dung liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (Điều 1), giám sát tối cao của Quốc hội (Điều 6), trách nhiệm của Quốc hội trong bảo vệ Hiến pháp (Điều 15), vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội (Điều 21), tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (Điều 22), tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (khoản 2 Điều 23), Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 43), Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (Điều 98, Điều 99)... đã được các đại biểu thảo luận kỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, một số tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn quá chung, cần quy định cụ thể hơn về trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, độ tuổi, cơ cấu thành phần.


Thanh Vân – Thu Phương
Bên lề quốc hội

Theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Chính phủ trong năm 2015, cả 63 tỉnh, thành phố phải phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN