Quản lý chặt trong mua bán thực phẩm chức năng
Nêu thực tế tình trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường, đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi về kế hoạch, giải pháp của Bộ Y tế trong phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng hệ thống giám sát toàn diện từ khâu sản xuất đến khâu phân phối nhằm đảm bảo chất lượng, ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trong thời gian tới.
Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, vấn đề quản lý thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm đang nhận được sự quan tâm của dư luận bởi trong thời gian dài, những tồn tại liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trên thị trường tràn lan các sản phẩm chức năng, dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép nhưng được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chủ quan cũng như nguyên nhân, hạn chế của Bộ Y tế trong các vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới.
Về vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các quy định của pháp luật trong thời gian qua tương đối đầy đủ để tăng cường quản lý dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Việc quản lý các sản phẩm dược đã được quy định trong Luật Dược; Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về thực phẩm chức năng và cũng được quy định trong Luật An toàn thực phẩm.
"Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có trường hợp lách quy định của luật để buôn bán thực phẩm chức năng giả hoặc thổi phồng công dụng, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng. Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý các mặt hàng này. Bộ Y tế đã triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật, trong đó rà soát các quy định pháp luật để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý các website bán hàng; đồng thời cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vấn đề quảng cáo để có giải pháp chấn chỉnh cụ thể đối với từng vi phạm, liên quan tới việc tuyên truyền, quảng cáo, bán các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu.
Kiểm soát sản phẩm "xách tay"
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho biết, với tâm lý thực phẩm chức năng bổ dưỡng, không có tác dụng phụ, được giới thiệu là hàng "xách tay" nên người tiêu dùng không tiếc tiền chi cho các sản phẩm này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp trong thời gian tới để kiểm soát việc mua bán các "sản phẩm xách tay".
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thực phẩm chức năng "xách tay" là từ được sử dụng bởi người tiêu dùng, chỉ các sản phẩm nhập khẩu do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy, hiện không có khái niệm này. Các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý.
"Nếu mang các thực phẩm đó ra buôn bán thì điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng là phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm và sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng hoặc qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nếu buôn bán không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật là vi phạm pháp luật", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.
Tương tự đối với việc quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm được quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định cũng vi phạm pháp luật.
Phân tích nguyên nhân của hiện trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, do mức lợi nhuận cao khiến một số người bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có nhu cầu dùng hàng "xách tay", cho rằng "hàng xách tay tốt hơn hàng nhập khẩu"...
Một nguyên nhân khác là do việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn. "Vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài, việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng", bà Đào Hồng Lan nêu.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn. Bộ Y tế cùng các bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện sai phạm, theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan sẽ có cách thức xử lý.