Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN +3. Ảnh: Phạm Kiên – P/v TTXVN tại Lào |
Với tỷ lệ phiếu tán thành cao, ông Phạm Bình Minh đã tái đắc cử chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bên lề Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí về những trọng tâm công tác trong lĩnh vực ngoại giao thời gian tới. Dưới đây là nội dung trao đổi:
* Xin Phó Thủ tướng cho biết chương trình hành động của Chính phủ trong lĩnh vực ngoại giao và dự báo những thách thức đặt ra trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ 2016-2021?Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều phức tạp. Nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn và đang phục hồi chậm. Do đó, nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới là phải làm sao duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho việc phát triển đất nước. Để duy trì được môi trường hòa bình, chúng ta phải tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng thế giới, chú trọng tới việc tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới, xây dựng và phát triển các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, cũng như quan hệ với các nước láng giềng.
Cùng với đó, chúng ta cần mở rộng quan hệ quốc tế, xúc tiến thương mại. Chúng ta đã và đang xây dựng, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với các nước. Việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do này sẽ tạo điều kiện để kinh tế nước ta phát triển.
Năm 2016 là năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN. Chúng ta cũng cần tận dụng được môi trường và cộng đồng ASEAN để không những tạo dựng được môi trường hòa bình, mà còn xây dựng được không gian phát triển trong các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư đối với cộng đồng 600 triệu dân đó.
* Trong cục diện đất nước và thế giới hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nào, thưa ông?Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới hiện nay vừa có cơ hội, vừa có thách thức cho Việt Nam . Cơ hội đó là các nước trên thế giới mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, do vậy ta phải tận dụng, tranh thủ tối đa môi trường hòa bình đó. Khi các nước phát triển vươn lên, việc phát triển kinh tế dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn. Từ đó, ta cũng có cơ hội tranh thủ sự phát triển của kinh tế thế giới mà qua được giai đoạn khó khăn và phát triển lên. Kinh tế khu vực phát triển thì cơ hội cho ta phát triển cũng tăng lên. Bởi khi đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước sẽ tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thách thức. Khi chuyển sang cạnh tranh giữa các nước về chiến lược, thì đó chính là những thách thức của quốc gia mà chúng ta phải xử lý.
* Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ông đánh giá thế nào về những lợi ích mà các hiệp định đem lại?Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đối với các Hiệp định Thương mại tự do, nước nào tham gia vào cũng đều nhìn thấy lợi ích thì mới tham gia. Và khi đó các nước tham gia cùng nhau thỏa thuận, phải chấp nhận gì và cho các nước cùng tham gia các lợi ích khác.
Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Về mặt lợi ích, việc tham gia sẽ giúp lĩnh vực sản xuất của ta hướng về xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu, đồng thời cũng hướng đến đầu tư có chất lượng. Tuy nhiên, khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, trong nước cũng phải xây dựng, hoàn thiện thể chế để vừa đảm bảo tham gia sân chơi chung, nhưng đồng thời bảo vệ Việt Nam khỏi các tác động tiêu cực của các Hiệp định Thương mại tự do.
* Xin ông cho biết kết quả đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) vừa qua?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hội nghị AMM 49 không chỉ ra Tuyên bố chung, mà còn có ba Tuyên bố hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đó là Tuyên bố của các Ngoại trưởng về vấn đề duy trì hòa bình an ninh, yêu cầu các nước bên ngoài phải tôn trọng vai trò trung tâm, sự đoàn kết của ASEAN. Thứ hai là Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc, yêu cầu thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thứ ba là Tuyên bố nhân dịp 40 năm Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), đây là nền tảng để xây dựng ASEAN, trong đó nguyên tắc nền tảng nhất là vai trò trung tâm của ASEAN, vai trò của các nước phải duy trì, tôn trọng hòa bình ổn định trong khu vực. Ba Tuyên bố đó cộng với Tuyên bố chung của ASEAN tạo nên một điểm nhấn với hai yêu cầu quan trọng, đó là vai trò trung tâm đoàn kết và duy trì hòa bình ổn định trong khu vực. Điều đó cũng hàm ý với tất cả các nước đối tác bên ngoài là ASEAN cần các nước tôn trọng sự đoàn kết và vai trò trung tâm của khối; yêu cầu các nước phải đảm bảo duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở đây.
Đối với vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) vừa qua, các nước trong khối đã đạt được Tuyên bố chung; khẳng định lại việc các nước ASEAN tiếp tục quan tâm, lo ngại về tình hình Biển Đông, mà cụ thể là các hoạt động gây căng thẳng, trong đó có vấn đề mở rộng đảo; khẳng định các bên phải kiềm chế, trong đó có cả kiềm chế các hoạt động gây ra căng thẳng; đồng thời phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.
* Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!