Đây là một thách thức lớn đối với tỉnh An Giang và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn khi chọn cán bộ không chỉ có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, mà còn giỏi nghiệp vụ quản lý nhà nước.
Giỏi công tác Đảng lẫn điều hành
Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang đã triển khai thí điểm lãnh đạo "2 trong 1" cho rằng, lựa chọn nhân sự đáp ứng được yêu cầu thực sự là một thử thách rất lớn. Bởi, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, ngoài đáp ứng được hai yếu tố năng lực và phẩm chất, cán bộ phải có kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và công tác điều hành, quản lý nhà nước…
Ông Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên cho biết, kinh nghiệm của Thành ủy khi lựa chọn, bổ nhiệm lãnh đạo "2 trong 1" tại các phường, xã là những cán bộ này được quy hoạch, đào tạo, sàng lọc kỹ lưỡng, có phẩm chất, uy tín, năng lực lẫn kinh nghiệm thực tiễn, đủ khả năng để đảm nhiệm đồng thời hai chức danh. Thành phố thường xuyên giám sát, theo dõi, giúp đỡ, kịp thời cho ý kiến xử lý những vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, các cán bộ đảm nhiệm hai vai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn công tác.
Thời gian qua, tỉnh An Giang chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ đảm nhiệm 2 vai. Điển hình, thành phố Long Xuyên xem việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ "2 trong 1" là nhiệm vụ quan trọng. Hiện thành phố đã có 3/13 đồng chí "2 trong 1" tốt nghiệp Thạc sỹ; 2/13 đồng chí đang thi tuyển vào các lớp đào tạo Thạc sỹ.
Mặc dù bước đầu triển khai thành công, tuy nhiên, mô hình hiện nay cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, cấp phó và bộ máy tham mưu giúp việc ở một số phường, xã chưa đồng đều, chưa thật sự ngang tầm cần phải bồi dưỡng, rèn luyện thêm.
Đãi ngộ phải hợp lý
Nhiều huyện, thành phố sau khi triển khai thí điểm đánh giá, với việc đảm nhiệm hai vai, cán bộ phải quán xuyến lãnh đạo, điều hành, với khối lượng công việc, áp lực tăng gấp đôi khi so với khi chỉ đảm nhiệm một vai. Công việc của Bí thư, Chủ tịch tại các địa phương sau khi nhất thể hóa tăng gấp đôi, đồng nghĩa với việc trách nhiệm cá nhân cũng tăng so với trước.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên Phạm Thành Thái cho biết, nhiều cán bộ đảm nhiệm hai vai phải bố trí thêm thời gian làm việc trong ngày nghỉ để giải quyết công việc. Tuy nhiên, hiện nay, chế độ chính sách, đãi ngộ lại chưa hợp lý nên chưa động viên, bù đắp thỏa đáng cho cán bộ được kiêm nhiệm chức danh. "Cần có cơ chế, nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ kiêm thêm chức danh tương xứng với công sức đã bỏ ra, tạo động lực cho cán bộ làm tốt nhiệm vụ", ông Thái đề nghị.
Ông Thái Hữu Phép, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang cho biết, chủ trương đổi mới, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn nhất định trong triển khai thực hiện; nhất là về mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy, định biên, chính sách giải quyết cán bộ dôi dư và kết quả đánh giá, phân loại chất lượng một số nơi chưa phản ánh đúng thực chất. Theo ông Phép, nguyên nhân là do chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, khuyến khích hiện nay chưa đủ mạnh để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác; chưa có cơ chế đặc thù để giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư khi tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) do tỉnh còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, trong khi chờ quy định của Trung ương, tỉnh đã nghiên cứu, ban hành khung Quy chế làm việc của cấp ủy ở những nơi thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã (có vận dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương để xây dựng quy chế phù hợp với đặc điểm của đô thị và nông thôn). "Thời gian qua, tỉnh đã vận dụng quy định của Trung ương để thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm 10% đối với đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện và 20% đối với đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã", Bí thư Tỉnh ủy An Giang nêu rõ.
Tỉnh ủy An Giang kiến nghị, Trung ương sớm điều chỉnh tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu ở cấp tỉnh và cấp huyện lên 50% để tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và có chính sách nghỉ hưu, thôi việc cho cán bộ không chuyên trách cấp xã hoặc giao cho địa phương ban hành chính sách để tạo điều kiện đẩy mạnh sắp xếp bộ máy cấp xã.
Cần chính sách bồi dưỡng riêng
Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã bước đầu được đánh giá là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn; tạo sự thống nhất, đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh. Chủ trương đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; từ đó, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.
Hiện các đảng ủy tại An Giang thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã phát huy được năng lực lãnh đạo trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội ở địa phương. Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người, tạo cơ sở thống nhất cho mọi hoạt động, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại, mất đoàn kết. Các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.
Qua triển khai, các huyện, thành phố cũng thừa nhận, hiện nay, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ có khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ của hai chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND còn hạn chế. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc chọn cán bộ vào vị trí này.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên Phạm Thành Thái cho rằng, tỉnh cần có chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức riêng cho chức danh đặc thù Bí thư cấp ủy đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện, xã. Cấp ủy, chính quyền cấp trên cần quan tâm chỉ đạo, làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân sự đủ năng lực, phẩm chất để đảm nhiệm hai chức danh và kịp thời động viên, khen thưởng kịp thời các đảng ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bài cuối: Mô hình hay cần nhân rộng