Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV:

Băn khoăn về trao cơ chế đặc thù cho chính quyền cơ sở

Tại buổi thảo luận tổ sáng 26/10, đa phần đại biểu tán thành với việc thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn băn khoăn về việc trao cơ chế đặc thù cho chính quyền cơ sở liệu có quá lớn và cơ sở liệu có đủ nguồn lực để thực hiện được đặc thù.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), tại các kỳ họp trước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đây đều là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, lần này dự thảo nghị quyết lại thí điểm đối với thành phố Buôn Mê Thuột, chỉ là một đô thị cấp quận, huyện. Với cấp độ đô thị này, chính sách này chưa đủ lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển để địa phương trở thành trung tâm, địa bàn chiến lược xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và vị trí địa chiến lược của vùng Tây Nguyên. 

Đại biểu Dương Khắc Mai ý kiến nên chăng mở rộng phạm vi thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, chính sách mới mới đủ mạnh, đủ sức để đưa địa phương trở thành trung tâm, dẫn dắt các tỉnh trong khu vực và kết nối vùng Tây Nguyên. Trong khi đó, đây là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước. 

Về phía đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần phải cân nhắc trong việc việc ban hành thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển địa phương. Bởi, để đất nước phát triển, cần phải tìm ra thế mạnh của từng địa phương để phát triển, còn hiện cơ chế đặc thù phát triển chỉ mang tính chất yêu cầu chính trị phải tăng cường phát triển, nghĩa là giao thêm quyền. 

Liệu việc này có thực sự hiệu quả và bây giờ là đặc thù cấp quận, không biết sau này có cấp xã đặc thù không là vấn đề đại biểu đoàn Bình Dương tỏ ra băn khoăn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, để mở cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương cấp huyện không giải quyết được nhiều vấn đề, trong khi đó thí điểm phải xem tháo gỡ được cái gì, thúc đẩy được những gì thì mới nên triển khai.

Buôn Ma Thuột là một đô thị trung tâm Tây Nguyên, cần phát triển cho tương xứng trung tâm của vùng trung tâm, của khu vực Tây Nguyên nhưng làm sao mà dẫn dắt được vùng, khu vực này thì không phải đơn giản. Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển phải đặt mục tiêu, chỉ tiêu rất rõ ràng. 

Nếu là đô thị dẫn dắt thì ngoài chuyện hạ tầng phát triển, kinh tế phát triển còn vấn đề nguồn nhân lực thế nào? Một đô thị không hội tụ, không tập trung được nguồn nhân lực tốt thì rất khó nói dẫn dắt phát triển cho vùng. Lúc này, yếu tố xã hội mới trở thành yếu tố dẫn dắt cho phát triển.  

Một số đại biểu khác kiến nghị, dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương cần xác định thêm các quy định đặc thù khác so với một số địa phương trước đây để tạo sức bật mạnh mẽ, nếu quy định tương tự nhau sẽ khó cho từng vùng, miền để áp dụng.

Theo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67-KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua (như thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa) đối với tỉnh Đắk Lắk nhưng phạm vi áp dụng sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngọc Quỳnh - Diệp Anh (TTXVN)
Chính sách cho giáo viên mầm non: Cần cơ chế đặc thù để tạo sức hút
Chính sách cho giáo viên mầm non: Cần cơ chế đặc thù để tạo sức hút

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được nhiều địa phương chia sẻ là thực trạng thiếu giáo viên mầm non.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN