Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hội thảo trực tuyến được tổ chức theo sáng kiến của Indonesia và là một trong những hoạt động chào mừng 53 năm ngày thành lập ASEAN. Sự kiện đã thu hút khoảng 60 người tham gia, bao gồm đại diện 10 nước thành viên ASEAN, các tổ chức tư vấn và các Phòng thương mại trong khu vực, cùng các học giả và sinh viên đại học.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN và là diễn giả chính của hội thảo, cho biết kể từ khi thành lập vào năm 2009, CPR đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được những kết quả cụ thể, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN và củng cố Ban Thư ký ASEAN.
Chủ tịch CPR năm 2020 cũng cho rằng môi trường quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi CPR phải liên tục thích ứng để giải quyết các thách thức hiện tại và mới nổi trong việc thực thi các nhiệm vụ của mình.
Đại sứ Trần Đức Bình khẳng định rằng tư cách thành viên ASEAN trong 25 năm qua đã mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam. Đồng thời, với sự cam kết và kinh nghiệm của mình, Việt Nam cũng đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển và thành công của ASEAN.
Trong 7 tháng qua, các nỗ lực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN phù hợp với tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Nhờ sự đoàn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự hỗ trợ, hợp tác từ các đối tác, ASEAN đã thực hiện có hiệu quả các mục tiêu hợp tác và kết nối ASEAN, vượt qua các khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu bước đầu trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 và bắt đầu triển khai các nỗ lực phục hồi hậu đại dịch.
Đại sứ Trần Đức Bình cho rằng cách ASEAN ứng phó với đại dịch đã cho thấy hình ảnh một ASEAN gắn kết, chủ động, thích ứng, kiên cường và vững vàng trước nghịch cảnh. Đại sứ nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của tư duy cộng đồng và hành động cộng đồng”.
Cũng tại hội thảo, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - xã hội Kung Phoak nhắc lại rằng mục tiêu tối thượng của Cộng đồng ASEAN là hỗ trợ người dân và một trong những thách thức lớn nhất mà ASEAN đang phải đối mặt là tác động của dịch COVID-19 đến sinh kế của người dân.
Theo Phó Tổng thư ký ASEAN, đại dịch COVID-19 bắt đầu là một cuộc khủng hoảng y tế, song đã nhanh chóng biến thành khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và thậm chí ở một mức độ nào đó là khủng hoảng an ninh. Theo kịch bản cơ sở của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới dự báo sẽ sụt giảm 5% trong năm nay, đẩy 71 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Về phần mình, Tiến sĩ Yang Mee Yeng, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN, cho rằng đại dịch COVID-19 đang đặt ra các thách thức kinh tế - xã hội và kéo theo những tác động sâu sắc. Phản ứng chính sách cần phải nhanh chóng và nhắm trúng mục tiêu. Đây là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Đầu tư cho sức khỏe cộng đồng, mạng lưới an sinh xã hội và kích thích kinh tế là điều cần thiết để giúp các quốc gia phục hồi nhanh hơn. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo rằng ASEAN luôn gắn kết và thích ứng trong giai đoạn bình thường mới.
Tiến sĩ Yang nhấn mạnh rằng có một điều chắc chắn là các nước không thể tự mình vượt qua giai đoạn "vô tiền khoáng hậu" này. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác mạnh mẽ trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN khẳng định: “Chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức to lớn và việc sử dụng các phương pháp thông thường sẽ không đủ. Hợp tác và phối hợp là hai trong số những thành phần quan trọng giúp ASEAN trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.