Nguồn cung giảm mạnh
Bộ Xây dựng cũng thống kê, có 1.119 dự án nhà ở thương mại, với hơn 352.000 căn đang xây dựng, tính chung bằng 81% so với quý I, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2020, gồm miền Bắc có 236 dự án, miền Trung có 163 dự án và miền Nam có 720 dự án.
Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II chỉ có 3 dự án với hơn 1.700 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hoá và Lạng Sơn. Có 5 dự án, với hơn 1.800 căn hộ tại các tỉnh Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, An Giang được Sở Xây dựng các địa phương có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Về bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú, cả nước chỉ có 5 dự án mới, với hơn 4.800 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch...
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2019, khi dòng vốn đầu tư, hành lang pháp lý, thủ tục cấp phép xây dựng dự án các phân khúc BĐS đều bị siết chặt. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh COVD-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến giao dịch thị trường ảm đạm, đã dẫn đến nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường thiếu hụt mạnh.
"Nguồn cung sản phẩm dự án BĐS khan hiếm, trong khi dòng tiền của xã hội khó đưa vào các ngành khác do dịch bệnh, nên nhu cầu đầu tư đất nền khắp nơi tăng, tạo ra sốt đất ở nhiều địa phương, gây ra không ít hệ luỵ đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS. Thực tế này tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân sự trong ngành kinh tế này đã dần rời bỏ thị trường", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều cần thiết hiện nay là Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo ra nguồn cung sản phẩm mới thật dồi dào cho thị trường; chú trọng phát triển nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội để tăng thanh khoản, từng bước khôi phục thị trường và cân bằng cơ cấu thừa hàng cao cấp, thiếu hàng bình dân, đồng thời kích cầu.
Thị trường khó phục hồi ngay trong năm 2022
Trước những thống kê của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS những tháng đầu năm "ảm đạm" do dịch bệnh kéo dài, nhiều chuyên gia cho rằng, với đà này thị trường khó phục hồi ngay được trong năm 2022.
Thực tế, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân quý II, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý I; các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý II; giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội), Quận 5, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), TP Dĩ An (Bình Dương)... Song, số giao dịch tại miền Bắc chỉ bằng khoảng 20% so với quý II, miền Nam bằng khoảng 87%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế kéo dài không những trong năm 2021, mà còn kéo dài đến năm 2022. Nền kinh tế muốn phục hồi phải mất ít nhất là 1-2 năm. Dự báo, tương đối lạc quan là nền kinh tế phục hồi vào năm 2023. Về giá BĐS tăng, tới mức nào đó sẽ phải dừng. Cơ cấu sản phẩm BĐS tại Việt Nam phần lớn mang tính đầu cơ và đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Nếu sản phẩm BĐS không được thanh toán, giá tăng "ảo", cộng với nền kinh tế khó khăn, giá có thể "rơi mạnh" bất cứ lúc nào. Lúc đó, lực cầu giảm nhiệt dễ kéo theo sự đổ vỡ của thị trường.
Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thị trường BĐS đã xuất hiện các tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể như: Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đã từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn không ít quy định chồng chéo, gây khó khăn cho đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài, làm nghẽn nguồn cung thị trường BĐS. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu hụt. Ngoài ra, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa minh bạch về quy hoạch, tính pháp lý từng dự án... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "sốt nóng" cục bộ tại một số địa phương.
Do đó, Bộ Xây dựng đưa ra các kiến nghị, các địa phương cần nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS mới ban hành; công bố công khai và liên thông quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong cấp mới, điều chỉnh, kiểm tra, rà soát dự án kinh doanh BĐS; đồng thời, công khai thông tin về thị trường BĐS, quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS tại địa phương, nhằm hạn chế tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.