Theo các chuyên gia của Hiệp hội Quy hoạch Việt Nam, Hà Nội đang thực hiện quy hoạch phân khu, đây là cơ hội để chính quyền lập lại trật tự quy hoạch và quản lý đô thị nhằm đảm bảo Thủ đô đạt được mục tiêu phát triển xanh, văn minh và hiện đại.
Những nguy cơ có thật
Theo KTS Đào Ngọc Thức, nguyên Chủ nhiệm đồ án quy hoạch Hà Nội năm 1992, băn khoăn nhất của các kiến trúc sư thuộc Hiệp hội Quy hoạch Việt Nam là thực trạng phát triển của các khu đô thị mới phía Tây của Hà Nội hiện nay. Theo các KTS, các đô thị mới ra đời trước và sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội và phát triển với tốc độ nhanh, đang chiếm đất như da báo trên vành đai xanh của Hà Nội. Việc các dự án đô thị mới mọc ra không theo quy hoạch kinh tế, xã hội mà chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở đã tạo ra hai hậu quả. Thứ nhất đối với công tác quy hoạch, việc bao chiếm đất như da báo đã khiến quy hoạch gặp khó khăn khi xác định phân khu. Về lâu dài khi không xác định rõ ranh giới vành đai xanh sẽ dẫn đến nguy cơ hai loại đô thị này hợp lại với nhau biến đô thị trung tâm trở thành đô thị đầu to. Thứ hai là việc phát triển các đô thị mới đang gia tăng áp lực về việc làm, hỗn loạn giao thông cho đô thị trung tâm. Trên thực tế, không ít các đô thị mới đang trở thành các đô thị… “ngủ”.
KTS Thức viện dẫn, khu vực phía Nam Hà Nội là huyện Thanh Trì chỉ còn mảng xanh là khu đô thị mới Linh Đàm. Từ Linh Đàm xuống Văn Điển, các dự án và nhà ở đã khép kín không còn hành lang xanh. Các khu vực khác ở phía Tây như dọc đường 32, đường Láng Hòa Lạc hay tính từ đường vành đai 2 đến vành đai 3, vành đai 3 đến sông Nhuệ, từ sông Nhuệ đến vành đai 3, vành đai 5… các dự án đô thị mới đã chiếm đất nên không còn cơ sở để xác định vành đai xanh.
Người dân xem quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hiệp hội KTS Việt Nam lo ngại, vì nằm xen kẽ giữa các đô thị mới, khu dân cư nên các mảng xanh còn lại rất dễ bị các dự án “xin” chiếm. “Trên thực tế, việc quản lý quy hoạch và xây dựng ở khu vực trung tâm Hà Nội thời gian qua khiến không chỉ các hiệp hội chuyên môn mà cả người dân đều nghi ngờ tính tuân thủ quy hoạch của Hà Nội!”, KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.
Với việc Hà Nội đang triển khai quy hoạch phân khu, các chuyên gia Hiệp hội quy hoạch Việt Nam cho rằng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cần phải kiên quyết trong việc quy hoạch phân khu, xác định vành đai xanh, hành lang xanh, bởi hệ thống chùm không gian xanh và mặt nước chỉ có thể phát huy tác dụng khi được gắn kết với nhau thành một hệ thống. Ngay cả các dự án phù hợp với quy hoạch cũng yêu cầu phải có luận chứng khoa học chứng minh lấy đất làm gì, giải quyết lao động, việc làm như thế nào, các khu chức năng, trường học, khu vui chơi ra sao… để đảm bảo các đô thị mới mọc ra là góp phần giảm tải cho trung tâm chứ không phải thêm sức ép cho khu vực trung tâm.
Dự án không phù hợp sẽ phải chuyển
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết: Quy hoạch chung Thủ đô là văn bản pháp lý cao nhất để Hà Nội triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý đô thị và các đơn vị chức năng của Hà Nội sẽ tuân thủ nghiêm định hướng quy hoạch chung khi triển khai vào quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng (QHXD) Hà Nội, bà Lã Thị Kim Ngân cũng khẳng định: Các dự án nằm trong vành đai xanh, hành lang xanh nếu không phù hợp với quy hoạch sẽ phải chuyển đổi chức năng hoặc mục tiêu đầu tư.
Theo Viện QHXD Hà Nội, trong cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội, khu vực trung tâm có vành đai xanh sông Nhuệ, là không gian nằm trong vùng phát triển đô thị của đô thị trung tâm. Đây là không gian đệm xanh, phân tách khu vực nội đô Hà Nội với khu vực phát triển mới phía Nam sông Hồng tạo nên đặc trưng riêng cho Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Vành đai xanh phần lớn đi qua địa bàn của bốn quận, huyện gồm huyện Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và Thanh Trì. Vành đai xanh có ý nghĩa xác lập không gian nhằm hạn chế và ngăn chặn phát triển đô thị lan tỏa, tự phát từ nội đô lịch sử (đô thị trung tâm) ra phía Tây.
Vành đai xanh sẽ tạo nên các không gian mở gắn với các hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh thể dục thể thao, mặt nước, không gian mở, công cộng, quảng trường… tạo nên "Lá phổi xanh".
Ngoài vành đai xanh, Hà Nội còn có hành lang xanh chiếm 70% đất tự nhiên gồm toàn bộ khu vực nông thôn (ngoài vùng phát triển đô thị) của Hà Nội. Đó là các vùng đất chạy dọc sông Đáy, sông Tích, vùng núi Ba Vì và Hương Tích, theo đường vành đai 4 vượt qua sông Hồng kết nối với khu vực xanh quanh Đền Sóc. Hành lang xanh có ý nghĩa phân tách và giới hạn ngưỡng phát triển của đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.
Theo Viện trưởng Viện QHXD Hà Nội, trong hành lang xanh cũng như vành đai xanh, có nhiều dự án đã được các địa phương phê duyệt trước khi Thủ đô Hà Nội mở rộng. Các dự án này sẽ được xem xét theo hướng phù hợp với định hướng chung, được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với quy mô đô thị. Các dự án không phù hợp sẽ phải chuyển đổi chức năng và mục tiêu đầu tư.
Xuân Hương