Theo phương án quy hoạch vật liệu xây dựng (VLXD) của thành phố Hà Nội, đến năm 2015, giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD sẽ tăng gấp 5 lần so với hiện nay; năm 2020 tăng gấp 6 lần và giữ tỷ trọng khoảng 6% trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn; thu hút khoảng 12 nghìn lao động mới.
Thành phố có kế hoạch tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở hiện có trên địa bàn; ngừng sản xuất gạch thủ công vào năm 2012, riêng đối với vùng ven trung tâm thành phố phải ngừng sản xuất gạch thủ công từ năm 2011; phấn đấu đến năm 2020 đạt hơn 3 tỷ viên/năm. Các doanh nghiệp sẽ phát triển các loại ngói tráng men, ngói trang trí chất lượng cao có giá trị kinh tế, ngói cổ phục vụ cho xây dựng các công trình đặc thù; không phát triển sản xuất tấm lợp amiăng- xi măng, phát triển đa dạng các loại tấm lợp composite, tấm lợp polycarbonate, tấm lợp polycarbonate hợp kim nhôm, tấm lợp từ sợi hữu cơ và bi tum, tấm lợp acrylic, kim loại, cách âm, cách nhiệt; đến năm 2020 đạt 26,7 triệu m2/năm. Đối với cát xây dựng, sẽ tổ chức sắp xếp lại sản xuất để hình thành các cơ sở khai thác cát trên sông Hồng, sông Đà, sông Cà Lồ, sông Công, sông Cầu…; đưa năng lực khai thác cát xây dựng đến năm 2020 đạt 10,8 triệu m3/năm.
Từ nay đến năm 2020, thành phố cũng ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn môi trường; nghiên cứu và đưa vào thực tế sản xuất công nghệ mới, công nghệ nanô; phấn đấu đưa sản lượng gạch gốm ốp lát đạt 5.500.000m2/năm và sứ vệ sinh là 2.250.000 sản phẩm/năm. Ngoài ra, quy hoạch VLXD của thành phố cũng nêu rõ phương án đối với bê tông, gạch lát bê tông, kính an toàn, vữa trộn sẵn, tấm ốp nhôm nhựa; tấm tường và vách ngăn thạch cao; tấm trần, tấm sàn, đất sét, xi măng…
Cũng theo định hướng phát triển VLXD đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, các chủng loại vật liệu xây dựng thông dụng sẽ tiếp tục được sản xuất trên cơ sở nâng cấp về công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Phát triển theo hướng tập trung, hình thành các cơ sở sản xuất chuyên sâu hoặc sản xuất đa ngành nghề, rút gọn đầu mối, làm tốt công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sản xuất. Tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp đối với các sản phẩm VLXD cao cấp, vật liệu xây dựng mới để tiện việc tiêu thụ trên thị trường.
Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố đã đề ra một số giải pháp: Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phục vụ cho việc sản xuất VLXD; xây dựng các chính sách hỗ trợ công nghiệp VLXD; đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư và điều tra cơ bản để phục vụ yêu cầu phát triển VLXD cũng như đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành VLXD phục vụ cho nhu cầu phát triển và nghiên cứu VLXD.
Minh Nghĩa