Chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.707 vụ vi phạm lâm luật, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm 2016.
Phá đường mở tự phát vào rừng ở khu vực giáp ranh trên địa bàn xã Trà Kót. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Các tỉnh như: Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum có số vụ vi phạm lâm luật tăng từ 10,74% đến 30,23% so cùng kỳ năm ngoái. Số vụ vi phạm lâm luật tập trung chủ yếu là phá rừng, khai thác, chế biến gỗ trái phép.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở Tây Nguyên vẫn chưa giảm là do lợi dụng chủ trương sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp, nhất là một số đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên bị giải thể chưa có chủ rừng cụ thể, nên các đối tượng tổ chức khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Mặt khác, UBND cấp xã trên địa bàn Tây Nguyên được giao quản lý diện tích rừng lớn nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến diện tích rừng này trên thực tế không có chủ quản lý bảo vệ.
Việc phân công, phân trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp chưa thể hiện rõ các quy định về trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã và người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chủ rừng.
Ngoài ra, sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý với những hành vi chống người thi hành công vụ như mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật thực hiện chưa nghiêm, chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật, giảm tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật…
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ban Bí thư. Nâng cao vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp vùng Tây Nguyên trong việc tham gia quản lý bảo vệ rừng, tăng cường củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm lâm địa bàn…
Các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng xây dựng, phê duyệt giá rừng bình quân cho từng khu vực, từng địa bàn để tháo gỡ được “nút thắt” trong giao rừng, cho thuê rừng, truy cứu trách nhiệm, bồi thường giá trị thiệt hại khi xảy ra mất rừng. Tiếp tục cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đối với các diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép để có kế hoạch trồng lại rừng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần đẩy nhanh tiến độ việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất của địa phương đến năm 2020, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho các đơn vị chủ rừng để phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở và chủ rừng, đồng thời, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng vi phạm lâm luật trên địa bàn…