Đã gần 20 năm nay, 450 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu sinh sống tại xã miền núi Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) luôn phải sống trong cảnh không có nước sạch sử dụng. Vì không có hệ thống nước sạch để dùng, nên đa phần người dân Phú Sơn vẫn phải “cắn răng” làm liều khi hằng ngày vẫn phải trực tiếp sử dụng nguồn nước nhiễm phèn từ bể lắng lọc thủ công, gây ô nhiễm nặng.
Từ TP Huế, vượt hơn 20km đường rừng hiểm trở, cheo leo, chúng tôi đã tìm về xã miền núi Phú Sơn. Qua ghi nhận, mọi sinh hoạt chủ yếu bà con nơi đây dựa vào những giếng nước đào sâu vài chục mét, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Hầu hết nước bị đóng màng, nổi cặn giống màu sắt gỉ; nhiều giếng nước có mùi hôi tanh, rất khó chịu.
Dù bị nhiễm phèn, nhưng đây là nguồn nước chính mà các em tắm giặt hằng ngày. |
Hộ gia đình chị La Khánh, ở thôn 1, xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), phân trần: “Giếng nước ở đây phần lớn bị nhiễm phèn không sử dụng được. Hằng ngày, gia đình tui phải vác thùng 20 lít đi khắp xóm để xin nước về dùng nấu ăn. Mà cả thôn ni cũng chỉ vài nhà có nước sạch, xin hoài nhiều lúc cũng phiền lắm”.
Theo ý kiến của nhiều hộ dân, cách đây gần 10 năm, để giúp nhân dân có nước sạch, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cấp ban, ngành đầu tư xây dựng giếng nước sạch bằng nguồn vốn theo chương trình 135. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng, hầu hết các giếng nước này cũng đều rơi vào thảm cảnh đắp chiếu, trải qua thời gian bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, người dân phải tự bỏ tiền túi ra đào giếng với mong muốn tìm được mạch nước sạch để dùng. Thế nhưng, những cái giếng vừa đào lên rồi đưa vào sử dụng, chỉ sau vài tháng không hiểu sao cũng bị nhiễm phèn nên đành bỏ hoang, rất tốn kém tiền của.
Giếng nước tại trụ sở UBND xã Phú Sơn được xây dựng từ năm 2002 bằng nguồn vốn hỗ trợ 135 bị nhiễm phèn không sử dụng được. |
Hộ gia đình chị La Thị Hồng, thôn 1 (xã Phú Sơn), cho biết: “Gia đình tôi đào 2 cái giếng nhưng cái nào cũng bị nhiễm phèn, vẩn đục hết. Vì không có nước sạch để dùng nên gia đình vẫn phải cắn răng mà sử dụng. Biết là nước không đảm bảo vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không còn cách nào khác. Nhiều lúc mấy đứa nhỏ mới tắm vào da đã bị mẩn ngứa, nổi hột, kêu la ầm ĩ”.
Không chỉ có hộ gia đình chị Hồng, chị La Khánh mà hàng chục hộ dân khác đang sinh sống tại thôn 1 (xã Phú Sơn) như hộ ông Tôn Thất Hùng, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Thị Hai… cũng đang ở trong tình cảnh tương tự. Bà Hai, một hộ dân nơi đây bày tỏ: “Nước bị nhiễm phèn có mùi vị hôi tanh nên không thể uống được. Để mong có nguồn nước sạch, chúng tôi đầu tư đào một cái giếng mất cả chục triệu đồng. Đào lên mà dùng được thì không nói làm gì, đằng này đào lên rồi bỏ hoang vì nước bị ô nhiễm. Nếu cứ cái đà này, chẳng bao lâu nữa chẳng biết có bao nhiêu người phải nhập viện vì bị đau ốm, bệnh tật do dùng nước không hợp vệ sinh”.
Trong khi đó, tình cảnh của gần 300 hộ dân sinh sống tại các thôn 2, 3 và thôn 4 cũng không khá hơn là mấy. Theo ước tính, có khoảng 90% giếng nước của bà con nơi đây bị nhiễm phèn nặng. Nhiều hộ dân nơi đây cho biết nước nấu ăn uống, đổ vào ấm (phích) chỉ vài phút là đỏ quạch, cặn lắng dưới đáy. Trẻ nhỏ uống vào dễ đau bụng, tắm rửa thì rất ngứa ngáy. Mặc dù tình trạng người dân xã Phú Sơn phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đến lấy mẫu nước để kiểm định chất lượng và có biện pháp xử lý vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Viết Tùng - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), trăn trở: “Toàn xã có khoảng 450 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu. Theo thống kê hiện nay, địa phương có khoảng 68% hộ dân dùng nước giếng tại nhà. Tuy nhiên, phần lớn giếng nước bà con đều bị nhiễm phèn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thôn 1 và thôn 2 là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 90% nước bị vẩn đục, nhiễm phèn. Trong khi đó, để có nguồn nước sạch ổn định và lâu dài cho bà con, điều này nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương vốn còn nhiều khó khăn về tài chính. Trước mắt, UBND xã vận động bà con tự xây dựng bể lọc bằng xi măng để loại bỏ bớt phèn”.
Theo thống kê của Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Sơn, thì mỗi năm, trên địa bàn xã có đến hàng trăm ca nhiễm các chứng bệnh liên quan đến bệnh ngoài da và đường ruột, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.
Bài và ảnh: Trọng Nguyễn