Những thiên thần trên xe lăn

Họ, một ở Hà Nội, một ở TP Hồ Chí Minh, cùng có số phận không may mắn và gắn bó cuộc đời trên chiếc xe lăn. Nhưng nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống của họ khiến bất kì ai cũng phải ngưỡng mộ.


“Cô Ba ấp Ràng” và thư viện mini


Đến với xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và hỏi “cô Ba ấp Ràng”, có lẽ ai cũng biết. Đây là cách gọi trìu mến mà người dân địa phương và các em học sinh đặt cho Huỳnh Thanh Thảo. “Cô Ba” năm nay 27 tuổi nhưng cao chưa đến một mét, hai chân bị teo bẩm sinh và còn mắc bệnh xương thủy tinh nên không thể đi lại được mà chỉ di chuyển bằng xe lăn. “Cô Ba” chưa một ngày được đến trường nhưng hiện lại là cô giáo của hàng chục học trò nghèo nơi “đất thép thành đồng”. Bệnh tật không hạ gục được Huỳnh Thanh Thảo mà còn là động lực giúp cô viết lên những điều kỳ diệu.

Cô Ba thích đọc sách và nghe nhạc Trịnh khi có thời gian rảnh.


Bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ của Thảo kể: “9 tuổi Thảo vẫn nằm ngửa. Con cái nhà người ta đi học cả rồi nó mới tập ngồi”. Thương con, bà Xuân mua sách về dạy con đọc chữ, làm toán. Dần dần, Thảo tự mày mò đánh vần, ráp chữ. Thảo nhớ lại những ngày tháng tự học: “Mẹ em chỉ dạy cho những vần cơ bản gồm 2 âm tiết. Đến những vần khó như oay, uây, oach, uynh… mẹ em không đánh vần được. Mẹ bảo, học vậy là đọc được chữ rồi, nhưng em nhất quyết không chịu. Cứ có ai đến nhà chơi là em lại nhờ đánh vần giúp mình. Ngày xưa khó khăn, có tờ báo cũng là tốt. Em cứ tập đọc theo những chữ in trên tờ báo”.


Cuộc sống thời thơ ấu nhiều khó khăn, thiếu thốn khiến Thảo rất trân trọng những cuốn sách. Ban đầu, Thảo chỉ có 4 quyển sách và em giữ như một tài sản quý. Rồi ý tưởng chia sẻ những cuốn sách của mình cho những em nhỏ nghèo trong xã nảy lên trong đầu Thảo. Sức khỏe yếu, Thảo thường xuyên phải nhập viện nhưng hễ khỏe lại một chút là em lại lên mạng quyên góp sách cũ để lập một thư viện mini tại nhà. Tiếng lành đồn xa, ước mơ lập một thư viện của Thảo đến được với nhiều người giàu lòng nhân ái. Nhờ đó, Thảo nhận được sách từ các nhà hảo tâm khắp cả nước.


Kiến tha lâu đầy tổ, đến nay, Thảo đã góp nhặt được khoảng 2.500 đầu sách. “Thư viện mini cô Ba” ra đời, thu hút hơn 300 lượt độc giả ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau: từ các em học sinh đến các anh chị công nhân, thậm chí các cô chú lớn tuổi. “Em nhớ có một cô bán ve chai đã tập hợp những cuốn sách, cuốn truyện còn mới mà cô thu gom được, lặn lội bắt xe buýt từ Sài Gòn về Củ Chi để trao cho em khiến em rất xúc động”, Thảo kể lại.


Chân không đi lại được, di chuyển bằng xe lăn khó khăn nhưng Thảo vẫn đứng ra tổ chức nhiều chương trình tình nguyện, thu hút nhiều sinh viên ở TP Hồ Chí Minh tham gia. Mùa trung thu năm nay, Thảo kết hợp với các bạn tình nguyện viên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em nhỏ nghèo.


Tranh thủ thời gian tại nhà, Thảo trở thành cô giáo của những em nhỏ thiếu may mắn. Thảo tâm sự: “Trước đây em dạy học cho các em nhỏ lớp 1, lớp 2 nhưng vì sức khỏe không cho phép nên em chuyển qua dạy cho những em nhỏ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ bởi những em đó rất thiệt thòi, ít được quan tâm. Dạy cho trẻ bình thường đã khó, dạy cho các em thiểu năng càng phải cố gắng gấp nhiều lần”. Ngày ngày, tại thư viện mini cô Ba ấp Ràng, những tiếng bi bô đọc chữ vẫn vang lên cùng tiếng cười trẻ thơ.


Ngồi xe lăn điều hành trung tâm “Nghị lực sống”


Mọi người không còn xa lạ với “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hùng nhưng có lẽ ít biết rằng, em gái anh là Nguyễn Thảo Vân cũng bị căn bệnh xương quái ác khiến cơ thể co quắp. Nguyễn Công Hùng là người khởi dụng Trung tâm Nghị lực sống, ngôi nhà chung, nơi dạy dỗ kĩ năng sống và đào tạo việc làm cho nhiều trẻ em khuyết tật, bất hạnh. Sau khi anh trai mất, Thảo Vân đã đứng lên thay anh điều hành để trung tâm tiếp tục hoạt động.
Khi mới sinh, Thảo Vân bình thường như những trẻ khác, nhưng càng ngày cơ thể cô càng bị biến dạng, chân tay teo tóp.

Thảo Vân (ngồi xe lăn bên trái) trong một hoạt động từ thiện.


Khi lớn lên, với sự cố gắng của mình, Vân được nhận vào làm thiết kế đồ họa tại một công ty thiết kế và in ấn liên doanh giữa Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch. Vân chia sẻ: “Năm 2008, anh Hùng cùng nhóm bạn mở Trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội. Đến nay đã có hàng trăm học viên được đào tạo từ trung tâm và có thể tự đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân. Nhưng thật đáng buồn, khi trung tâm đang phát triển, mở rộng thì anh Nguyễn Công Hùng đột ngột ra đi”, giọng Vân trùng xuống.


Khi anh Công Hùng mất, tưởng chừng công ty sẽ khó tồn tại. Số lượng học viên giảm sút do họ không thấy thần tượng của mình nữa. Trung tâm vận hành chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Nếu không có vốn thì Trung tâm sẽ phải giải tán. “Đứng trước tình thế nguy kịch đó, tôi đã đứng ra đảm nhiệm trọng trách thay anh trai. Chúng tôi phải cố gắng để công việc tuyển sinh đều đặn, liên kết với các công ty, tổ chức, doanh nghiệp để họ tạo điều kiện giúp đỡ cho các học viên khi kết thúc khóa đào tạo”, Vân tâm sự. Khi nói đến những dự định tương lai, đôi mắt Thảo Vân ánh lên niềm tin mãnh liệt: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mối liên kết với các tổ chức xã hội, cùng chung tay để có thể giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa”.
“Mong muốn được trở thành một “người bình thường” giờ đây không còn thôi thúc tôi như trước kia nữa. Thậm chí, nếu tôi sinh ra là một người bình thường như bao người, chắc gì tôi đã làm được như bây giờ. Cuộc sống còn cho tôi hơi thở thì tôi còn cố gắng để sống sao cho thật ý nghĩa”, Vân chia sẻ.


Cùng gắn trọn cuộc đời trên xe lăn, Thanh Thảo và Thảo Vân đã chứng tỏ một điều rằng, cuộc sống không bao giờ lấy hết của ai đó mọi thứ. Khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra, quan trọng là ta có đủ nghị lực và kiên nhẫn để mở cảnh cửa ấy ra không mà thôi.


Bài và ảnh:Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN