Nổi danh là thủ phủ của cây nhãn lồng đặc sản nhưng người trồng nhãn Hưng Yên hầu như chưa năm nào được hưởng mùa trái ngọt trọn vẹn bởi điệp khúc "được mùa rớt giá, mất mùa được giá" bao năm qua vẫn đeo bám. Mỗi vụ nhãn về, dù được mùa hay mất mùa, các vùng nhãn Hưng Yên đều trăn trở nỗi niềm: làm thế nào để quả nhãn chiếm lĩnh thị trường, thực sự mang lại nguồn lợi lớn?
Điệp khúc buồn
Người trồng nhãn dường như đã quá quen với cảnh dở khóc dở cười: khi được mùa thì giá rẻ, khi giá cao thì không có nhãn để bán. Đầu vụ năm nay, nhãn trà sớm có giá trên 60 nghìn đồng/kg, nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay chỉ có ở một số vườn ở thành phố Hưng Yên, may ra chỉ "bói" được vài ba tấn. Vì năm nay, việc kích thích để nhãn đậu quả sớm thất bại. Các nhà vườn ngậm ngùi nhìn nhãn Thái Lan tràn sang đeo mác Hưng Yên với giá ngất ngưởng trên 40 nghìn đồng/kg. Và thời giá ấy thì những vườn nhãn chính vụ ở Hưng Yên mới đang non quả.
Khi Hưng Yên vào mùa thu hoạch rộ, giá nhãn làm quà tuột xuống 3 lần, còn từ 12 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg, với nhiều bà con như thế cũng là may mắn lắm rồi. Và lượng nhãn quà cũng chỉ chiếm khoảng 30% nên nguồn thu cũng không lớn. Nhiều nhất là nhãn để sấy long, sản lượng chiếm tới 70%. Nhưng phiền một nỗi loại quả này chỉ có giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg mà vẫn ế ẩm. Dân vùng nhãn than thở nhãn rẻ như rau. Vì nghề chế biến long nhãn năm nay điêu đứng, không có đầu ra lại không có lao động khiến hơn 50% số lò sấy long tắt lửa.
Thời điểm này đang là cuối vụ, các vườn nhãn chuẩn bị kết thúc thì giá nhãn tăng lên 30 nghìn đồng/kg. Nhưng các nhà vườn không còn nhiều để bán. Bà con Phố Hiến than phiền: thật éo le, khi có nhiều thì giá rẻ lại ế ẩm, khi không có để bán thì giá lên cao. Vậy nên mùa nhãn nào cũng có vị đắng, ước mong một mùa quả ngọt thu lãi cao chỉ là giấc mơ.
Chật vật tìm đầu ra
Nhãn Hưng Yên được tiêu thụ theo 3 con đường chủ yếu: sấy long, làm quà chuyển đi tỉnh ngoài và bán theo đơn đặt hàng. Song cả 3 nguồn này đều chật vật.
Nhãn làm long thì ế ẩm vì năm nay có tới 2/3 số lò sấy long ngừng hoạt động. Nguồn tiêu thụ long nhãn năm nay sụt giảm do xuất sang Trung Quốc bị ép giá, từ 200 nghìn đồng/kg xuống còn 110 nghìn đồng/kg. Các làng nghề làm long nhãn hoạt động cầm chừng vì thua lỗ. Do vậy nhãn làm long đã ế lại càng thêm thừa, trong khi loại cây này chiếm hơn 60% diện tích và sản lượng của cả tỉnh.
Còn đối với nhãn làm quà có chất lượng khá, việc tiêu thụ có phần dễ dàng hơn với giá bán cao gấp 3 - 5 lần nhãn long nhưng chưa có cách làm hữu hiệu nên nhãn Hưng Yên chưa vươn xa ra thị trường nội địa hay xuất khẩu. Bà con các xã Hồng Nam, Quảng Châu cũng đã bằng mọi cách tìm kiếm thị trường, mang đi tiêu thụ nhưng mới dừng lại ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh...với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg. Còn mở rộng thị trường vào các tỉnh phía Nam thì nhãn Hưng Yên chưa vươn tới được, vì việc bảo quản để vận chuyển đi xa không đảm bảo. Do vậy lượng nhãn xuất quả cho thị trường miền Bắc mới dừng lại ở mức vài trăm tấn, chưa thấm tháp vào đâu so với con số gần 40 nghìn tấn của cả tỉnh.
Với loại nhãn ngon chất lượng cao được bán với giá từ 30 - 40 nghìn đồng/kg được các nhà hàng khách sạn, siêu thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Tp.Hồ Chí Minh đến đặt hàng. Nhưng đáng tiếc, nguồn tiêu thụ này chỉ dừng lại với sản lượng không đáng kể ở HTX nhãn lồng Hồng Nam, chỉ khoảng vài chục tấn.
Hưng Yên hiện có hơn 3 .000 ha nhãn ở độ tuổi cho thu hoạch. Những năm được mùa như năm nay, sản lượng của toàn tỉnh đạt trên dưới 40 nghìn tấn. Đã 5 năm trở lại đây, các ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, nhiều bà con vùng nhãn ở thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Khoái Châu có nhiều kinh nghiệm thâm canh cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, giữ gìn uy tín của nhãn lồng Hưng Yên thương hiệu "tiến vua". Mặc dù vậy, nhãn Hưng Yên vẫn trôi nổi theo thị trường vì chưa có đơn vị hay tổ chức nào đứng ra làm "bà đỡ" để đầu ra của quả nhãn được ổn định.
Làm thế nào để loại cây đặc sản "tiến vua" của đất Phố Hiến luôn "được mùa, được giá" mang lại niềm vui trọn vẹn cho người trồng nhãn vẫn luôn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Giải pháp thì cũng đã có với dự án "Xây dựng và phát triển vùng nhãn hàng hoá" được tỉnh Hưng Yên phê duyệt từ tháng 4/2007. Được biết đây là dự án rất khả thi mở ra nhiều triển vọng để khai thác tiềm năng của nhãn lồng Hưng Yên. Nhưng đã qua 5 mùa nhãn chín, dự án vẫn nằm trên giấy.
Mai Ngoan