Người nữ cận vệ đầu tiên của Bác Hồ

Dù đã ở tuổi 95, nhưng Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận (ảnh) - nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Giọng bà vẫn sang sảng, nhất là khi kể cho chúng tôi nghe chuyện những ngày bà cùng đồng đội chuẩn bị tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cũng như những kỷ niệm trong thời gian làm cận vệ của Bác Hồ.



Những ngày cách mạng sục sôi


Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận kể, bà sinh ra và lớn lên ở làng Lãng Yên (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong một gia đình công nhân viên chức nghèo. Mẹ mất sớm, từ nhỏ bà sống cùng bố và bà nội. Dù gia đình không khá giả, nhưng bố bà vẫn cố gắng cho con thi và vào học trường nữ sinh Đồng Khánh.

Thời đó, trường Bưởi và trường Đồng Khánh là hai cái nôi nuôi dưỡng ý chí cách mạng cho nhiều thế hệ chiến sỹ. Nhiều sinh viên học trong trường sớm có ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, và điều đó được thể hiện ngay trong lễ chào cờ. “Lễ chào cờ ở trường có treo hai lá cờ, một cờ Việt Nam, một cờ Pháp. Mỗi khi kéo cờ, chúng tôi bao giờ cũng kéo cờ Việt Nam lên nhanh hơn một chút, còn khi hạ cờ, chúng tôi lại kéo cờ Pháp tụt xuống trước”, Đại tá Bích Thuận kể lại.

Bà Bích Thuận (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng với Bác Hồ.

Được sự dạy dỗ của cha từ nhỏ, bản thân mắt thấy tai nghe nhiều cảnh đời nô lệ cơ cực, lầm than, nên cô gái trẻ Bích Thuận sớm tìm đến với cách mạng. “Tôi thông qua mối quan hệ với chị Hà Giang, khi đó đang hoạt động ở đội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu để bắt mối với cách mạng. Và đến tháng 10/1944, tôi tham gia đội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu, bắt đầu hoạt động ở Liên khu II Hà Nội”.

Tháng 7/1945, Hà Nội đang sục sôi trong không khí chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Bà Thuận được vận động may một lá cờ, để treo trên đỉnh Tháp Rùa đúng vào ngày “chính phủ” Trần Trọng Kim treo cờ quẻ ly. May cờ không khó, nhưng lấy vải ở đâu để may? Lúc này nếu ra chợ mua vải đỏ, rất dễ bị lộ. Đang băn khoăn không biết giải quyết thế nào, bà chợt nhìn thấy chiếc khăn đỏ phủ trên ngai thờ Tổ của gia đình, và bà đã bí mật cắt một phần chiếc khăn đỏ (khoảng 40x50cm) để khâu cờ, phần còn lại phủ trên ngai thờ. Lá cờ đỏ sao vàng được treo trên đỉnh Tháp Rùa theo đúng kế hoạch, đã làm nao núng, gây hoang mang trong hàng ngũ của địch, đồng thời, có tác động rất lớn đến tinh thần các tầng lớp nhân dân đang sục sôi, chuẩn bị vùng lên đấu tranh giành chính quyền.

Những ngày tháng 8/1945, tinh thần cách mạng ngày càng lên cao, bà Thuận cùng với chị em trong Hội Phụ nữ Cứu quốc tham gia vào các hoạt động mít tinh, biểu tình và giành chính quyền tại Hà Nội. “Đúng ngày 19/8, Đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến về Trại Bảo an binh, cùng với đoàn biểu tình làm hậu thuẫn cho đoàn đại biểu Việt Minh thương thuyết với quân đội Nhật. Sau đó, tôi được lệnh đưa một tốp về Ty Liêm phóng, nơi đã bị lực lượng công an của ta chiếm đóng. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên tôi tham gia vào lực lượng công an”, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận nhớ lại.

Những kỷ niệm với Bác Hồ

Cách mạng tháng Tám thành công, sáng ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hôm đó, bà Bích Thuận có mặt trong đoàn Phụ nữ Cứu quốc tham dự buổi lễ thành lập nước. Đó cũng là lần đầu tiên bà được nhìn thấy Bác Hồ từ vị trí rất gần, và được nghe Bác nói chuyện, bà xúc động lắm.

Sau thời gian hoạt động cách mạng, bà Thuận được cấp trên cử đi học trường Đại học Y Dược. Năm 1961, bà Thuận là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Đại học Y Dược với tấm bằng đỏ chuyên ngành Hóa độc chất. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn bố trí đưa bà sang Liên Xô học các phương pháp bảo vệ lãnh tụ. Trở về nước, bà Thuận được phân công công tác tại Cục Cảnh vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, và trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác.

Nhận nhiệm vụ bảo vệ vị lãnh tụ mà mình vô cùng kính yêu, bà Bích Thuận mừng lắm, nhưng rồi cũng lo lắm. Bà luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm trách công việc sao cho tốt nhất. “Tất cả thực phẩm Bác dùng, tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng. Thư, quà gửi đến Bác cũng được kiểm tra tỉ mỉ, kỹ càng. Nơi nào Bác đến cũng được rà soát kỹ, khi phát hiện thức ăn của Bác không đảm bảo an toàn, tôi kiên quyết yêu cầu thay.

Suốt từ năm 1961 cho tới lúc Bác Hồ mất, bà Thuận vẫn luôn tham gia trong đội cận vệ bảo vệ Bác, tháp tùng Bác đi nhiều nơi, chuyến đi nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Nhưng dù đi đâu, làm gì, thì ấn tượng khó quên nhất đối với những người được làm việc gần Bác, là sự giản dị, gần gũi, là tình cảm ấm áp của người cha già đối với con cháu, với nhân dân. Bà Bích Thuận kể: “Có lần, Bác bảo tôi ngồi ăn cơm cùng với Bác. Bác đã trò chuyện và khuyên bảo tôi như một người cha. Biết tôi đi học ở Liên Xô về, Bác dặn, học ở nước ngoài nhiều cái hay, nhưng không nên bắt chước một cách rập khuôn, mà phải tùy tình hình thực tế mà áp dụng cho phù hợp”.

Năm 1961, Bác Hồ có chuyến về thăm quê nhà Nghệ An. Đoàn cán bộ do đồng chí Phan Văn Xoàn (khi đó là Cục trưởng Cục Cảnh vệ) trực tiếp tham gia tiền trạm. “Có mấy nữ chiến sỹ cảnh vệ được bố trí bảo vệ địa điểm, phải hóa trang là nhân viên nhà khách, nhưng lại phải giữ bí mật và không để Bác biết, bởi Bác không muốn việc bảo vệ mình tạo nên khoảng cách giữa Bác với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào. Sau này, Bác biết chuyện, nhưng Người cũng không hề trách móc các chiến sỹ, bởi Bác biết, anh em chỉ thực hiện nhiệm vụ được Trung ương giao. Bác chỉ căn dặn lại, các cháu cần phải giữ yếu tố bất ngờ, bí mật, phải giữ mối quan hệ với quần chúng, dựa vào quần chúng tạo lực cùng chiến đấu” - bà Bích Thuận nhớ lại.

Gần mười năm được đi theo bảo vệ Bác, với biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên. Đến bây giờ, bà vẫn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác, bởi bà luôn tâm niệm: Phải làm đúng theo lời Bác dạy, và mỗi thế hệ đi trước, phải có trách nhiệm nêu gương sáng cho các thế hệ sau này.

Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó cục trưởng cục Cảnh vệ, nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an. Bà là phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.



Lan Lộc
Nhớ Bác Hồ qua những bài ca
Nhớ Bác Hồ qua những bài ca

Bao năm qua, làng nhạc Việt Nam đã có hàng trăm ca khúc sáng tác về Bác Hồ. Những ca khúc viết về Người luôn chiếm vị trí quan trọng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đó là những ca khúc được cất lên từ trái tim của những người nhạc sỹ và sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN