Người chiến sĩ Điện Biên và niềm mong mỏi hơn nửa thế kỷ

Sau 56 năm mong mỏi chờ đợi, ông Trần Văn Chỉnh tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã thỏa lòng mong ước khi mới đây đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 công nhận và cấp giấy chứng nhận thương binh hạng 1/4.

Ông Trần Văn Chỉnh (phải).

Tiếp chúng tôi trong không khí phấn khởi kỉ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ 27/7 và niềm vui gấp bội khi được công nhận là thương binh, người chiến sĩ năm xưa của Sư đoàn 308 anh hùng vẫn phừng phừng khí thế của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ở tuổi 83, ông Chỉnh vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, đặc biệt hồi ức về những trận đánh vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Ông Chỉnh quê quán tại xã Hoành Sơn, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ tháng 2/1952. Những ngày gần cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 4/1954), ông Chỉnh đã bị thương do trúng đạn cối 81 của thực dân Pháp trong hai lần phục kích địch tại Đồi 106, khu vực giáp sân bay Mường Thanh, tỉnh Điện Biên.

Do trúng đạn cối của địch, đồng đội chiến đấu cùng ông hy sinh gần hết, ông cùng những đồng đội sống sót của các đơn vị khác được tập hợp lại thành một đơn vị phòng ngự. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông tiếp tục tham gia quân ngũ đến năm 1960.

Với những chiến công, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông Chỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là Huy chương Chiến thắng hạng nhì (năm 1958), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba (năm 1962), Huân chương Kháng chiến hạng nhất (năm 1986), cùng các Huy hiệu 40, 50, 55 tuổi Đảng.

Xuất ngũ trở về, ông Chỉnh được chuyển ngành về Bộ Nội thương và được phân công về công tác tại Công ty chè tỉnh Hà Giang. Năm 1982, ông nghỉ chế độ hưu trí. Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, từ năm 1986-1990, ông tích cực tham gia đóng góp cho hoạt động của địa phương; đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nguyễn Trãi, thị xã Hà Giang (nay là thành phố Hà Giang); đồng thời được giao phụ trách Hợp tác xã Liên minh chuyên sản xuất gạch ngói trên địa bàn, tạo việc làm 20 - 30 lao động. Đến năm 1990, theo Quy hoạch của Ủy ban nhân dân thị xã, Hợp tác xã giải thể.

Trong những cảm xúc đan xen khi được công nhận là thương binh, ông Chỉnh cho biết: Ông hết sức phấn khởi và cảm ơn chính quyền địa phương cùng các cán bộ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện để ông hoàn thành tâm nguyện. Ông cảm thấy rất may mắn so với đồng đội khi nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Kể về quá trình nhiều năm tìm hiểu và làm hồ sơ xác nhận thương binh, ông Chỉnh nói: Gia đình đã tiến hành làm đơn xin xác nhận thương binh cho ông từ năm 2009. Tại thời điểm đó, căn cứ theo Nghị định 54/2006/NĐ-CP, ông Chỉnh chưa đủ các giấy tờ chứng minh ông bị thương trong chiến tranh vì trong giai đoạn chiến trường ác liệt năm 1954, ông chỉ điều trị qua loa rồi lên đường chiến đấu tiếp; do đó chưa đủ căn cứ để Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cho ông đi giám định thương tật.

Đến năm 2014, gia đình ông tiếp tục làm đơn xin xác nhận thương binh. Lúc này, theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP được ban hành, với Lý lịch Đảng viên còn lưu giữ và các vết thương thực thể, hồ sơ của ông Chỉnh chính thức được tiếp nhận và các bước kê khai, xác nhận, thẩm định hồ sơ được tiến hành theo quy định.

Ông Chỉnh cho biết, việc chuẩn bị các thủ tục công nhận thương binh là một hành trình đầy gian nan, khó khăn, bởi để có 13 con dấu xác nhận từ các cơ quan, đoàn thể của phường Nguyễn Trãi thì trước đó trường hợp của ông được đưa ra xem xét tại rất nhiều cuộc họp của tổ dân phố nơi ông sinh sống và chính quyền Phường.

Bên cạnh đó, ông phải vượt qua nhiều lần kiểm tra sức khỏe, đánh giá vết thương thực thể và giám định y khoa tại địa phương và Quân khu 2. Do việc giám định thương binh của Quân khu 2 được tổ chức theo đợt nên ngày 23/6/2016, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ký Quyết định số 479/QĐ-BTL về việc cấp giấy chứng nhận bị thương và trợ cấp hàng tháng với tỷ lệ thương tật 30% cho ông Chỉnh.

Được công nhận thương binh, từ nay người chiến sĩ Điện Biên năm xưa lại có thêm niềm vui, niềm hạnh phúc sống bên gia đình và con cháu, chăm chút cho mảnh vườn nhỏ; thêm động lực để chống lại những cơn đau ốm do rất nhiều mảnh đạn còn nằm lại trong phổi gây ra mỗi khi trái gió trở trời.

Hồng Quảng (TTXVN)
Hồi ức của cựu binh Điện Biên Phủ cấp cứu hàng trăm thương binh
Hồi ức của cựu binh Điện Biên Phủ cấp cứu hàng trăm thương binh

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, có một lực lượng luôn trực chiến trên chiến trường, vừa điều trị thương binh, vừa tham gia chiến đấu. Đó là lực lượng Quân y đường hầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN