Trong suốt quá trình 65 năm hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam, các nữ đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng pháp luật, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt là phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói, mong muốn của các tầng lớp phụ nữ cả nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề tăng cường và phát huy vai trò của các cấp Hội trong công tác này.
Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ đại biểu đã phát huy vai trò cũng như thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh của mình. Tuy nhiên, mục tiêu nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện vẫn chưa đạt như mong muốn. Theo bà, nguyên nhân của vấn đề này ở đâu?Trước hết, cần khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đến sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ. Có thể nói, phụ nữ tham gia lãnh đạo nói chung và tham gia các cơ quan dân cử ở nước ta đã ngày một tăng. Qua các kỳ bầu cử, số lượng nữ đại biểu Quốc hội đã tăng dần và không chỉ tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ 30% nữ đại biểu Quốc hội hiện vẫn chưa đạt. Vấn đề này có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thực tế, xuất phát điểm của phụ nữ Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó là những định kiến trong nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ. Nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử, đáp ứng yêu cầu cũng còn hạn chế. Một yếu tố chủ quan là sự tự nỗ lực, tự tin phấn đấu, khắc phục tâm lý tự ti của phụ nữ.
Do đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và chính bản thân phụ nữ nói riêng, coi sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử là tất yếu khách quan chứ hoàn toàn không phải là sự “chiếu cố”. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu, nhưng chất lượng cũng cần hài hòa với cơ cấu vì đây là những cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Hội LHPN Việt Nam cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; động viên chị em tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, lãnh đạo quản lý, tham gia các cơ quan dân cử. Cùng đó là tham mưu với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ ngày càng nâng cao năng lực của mình; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu để có thể tham gia các cơ quan dân cử.
Xin bà cho biết những định hướng, chương trình, kế hoạch cụ thể của các cấp Hội để chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp?Xác định rất rõ trách nhiệm của mình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử, đồng thời tích cực, chủ động phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, có điều kiện tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng tôi cũng đã đề xuất cử đại diện của Hội phụ nữ tham gia vào các tổ chức bầu cử.
Công tác tuyên truyền cũng được các cấp Hội quan tâm, bao gồm các khía cạnh: Tuyên truyền cho phụ nữ nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia bầu cử. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của phụ nữ, hiểu rõ được những đóng góp của phụ nữ, sự cần thiết phải có số lượng đại biểu nữ nhất định trong các cơ quan dân cử, như mục tiêu đề ra là 30%.
Xin bà cho biết những yêu cầu đặt ra qua tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các chị lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp?
Hội đã có kế hoạch cụ thể tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng đối với các nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử. Một trong những kỹ năng quan trọng là xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình đặc điểm, tâm tư nguyện vọng của người dân nơi ứng cử. Một số kỹ năng cần thiết khác như: Trình bày, thuyết phục sự quan tâm của cử tri, thông tin, hiểu biết về những vấn đề liên quan tới phụ nữ đang được đặt ra hiện nay, những mong muốn, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Trung ương Hội cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp Hội tham gia, hỗ trợ các nữ ứng cử viên tại các cuộc gặp mặt, tiếp xúc cử tri để giúp các chị tăng thêm tự tin, quyết tâm; tổ chức các hoạt động gặp gỡ, trao đổi giữa các nữ ứng cử viên với cử tri nữ để thắt chặt thêm sự hiểu biết, gần gũi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã đề xuất với Hội đồng bầu cử quan tâm tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, HĐND các cấp.
Trân trọng cảm ơn bà!
Thanh Hòa (thực hiện)