Mùa lúa mới trên đỉnh Ngọc Linh

Trong màn sương mờ ảo, nơi núi rừng hoang sơ bấy lâu được biết nhiều đến việc trồng sâm hơn là những việc khác, tầm mắt người khách mới đến như bị hút vào những mảng ruộng bậc thang của người Xê Đăng đang vào vụ lúa nước mới. Ở Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) hay ở bất cứ mảnh đất nào khác, hạt lúa vẫn là niềm hy vọng, là nỗi lo và cũng là hạnh phúc của người nông dân. Có đến tận đỉnh Ngọc Linh này mới thấy rõ hơn điểm tuyệt vời của cây lúa nước cũng như người nông dân nơi đây.

Từ thị trấn Tắk Pỏ (trung tâm huyện Nam Trà My, Quảng Nam), sau khoảng 4 tiếng đồng hồ cả đi xe máy, dắt xe và đi bộ vào núi, chúng tôi đến với xã Trà Linh. Bỏ qua những con dốc cheo leo, những đoạn đường sạt lở và lầy lội mà không biết đến bao giờ mới được sửa, chúng tôi bám trụ vào nhau để đi đến tận nơi ở và sinh hoạt của đồng bào Xê Đăng nơi đây. Nghỉ ngơi và ngủ lại một đêm với các thầy cô giáo ở trường THCS Trà Linh, sáng hôm sau, lại vượt dốc, men rừng để vào với thôn 3 - thôn gần nhất có đồng bào Xê Đăng sinh sống.

Đắp bờ ruộng cho mùa mới.

9 giờ sáng, cả rừng núi, làng bản và ruộng nương nơi đây đều còn chìm trong bao la sương mù. Đi giữa núi rừng, sương rơi như mưa, ướt hết cả áo ngoài. Anh bạn đồng hành cứ bảo là mưa. Tôi thì kiên quyết là sương. Hai người cứ thế mà đi nhưng phải chờ nhau vì cách khoảng hơn 10 mét là đã không thấy gì cả. May mà chú chó ở trường THCS Trà Linh đã “tình nguyện” dẫn đường cho chúng tôi vào tận thôn 3, cách trường hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ. Phải nói chú chó này khôn nhất mà tôi gặp cho đến bây giờ.

Những đám ruộng bậc thang đầu tiên ủ mạ của đồng bào Xê Đăng ở Trà Linh đã nảy mầm.

Xen giữa những cánh rừng già, những vực sâu và những con suối nơi chúng tôi đi qua là những thửa ruộng bậc thang phần lớn chìm khuất trong sương núi. Nhiều lần đi qua các vùng ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc anh em trên cả nước nhưng thật sự chưa bao giờ cái cảm giác đẹp và lâng lâng lại chiếm giữ lấy hồn tôi như lúc ấy. Vừa vào vụ mới, những thửa ruộng được nông dân người Xê Đăng dọn cỏ, be bờ, cho nước vào trông rất đẹp. Một số thửa đã lấm tấm những mầm lúa lên. Vì thời tiết nơi đây lạnh và sương xuống gần như cả ngày nên ở những thửa đã sạ lúa xuống, bà con nông dân nơi đây cũng biết lấy các loại lá ủ ấm cho những mầm mạ non tơ vừa tách mình khỏi vỏ lúa.

Những người nông dân Xê Đăng nơi đây chào chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện. Hỏi thì họ trả lời câu được câu mất vì có lẽ họ nói và nghe tiếng Việt chưa rõ lắm. Nhưng khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của họ cũng giống như bao người nông dân khác trên dải đất hình chữ S này. Nhìn họ dọn cỏ, be bờ, sạ lúa và nói chuyện với nhau khi làm việc, lại càng thấy gần gũi hơn, thích thú hơn. Ruộng bậc thang cũng chìm trong sương. Những người nông dân Xê Đăng cũng chìm trong sương. Một quang cảnh mà có lẽ ít ai có dịp được tận hưởng.

Ruộng bậc thang Trà Linh mờ trong màn sương huyền ảo.

Trao đổi với chúng tôi khi ở trung tâm xã Trà Linh, ông Hồ Văn Canh, Phó Chủ tịch Mặt trận xã cho biết: “Từ khi có cán bộ dưới xuôi lên hướng dẫn, đồng bào Xê Đăng mình ở các thôn nóc Trà Linh này biết làm lúa nước và thương cây lúa lắm. Trước đây, chỉ phát nương làm lúa rẫy thôi. Nhưng làm lúa nước vui hơn. Cho đến giờ, bà con mình vẫn làm lúa nước bên cạnh lúa rẫy, ở những nơi có thể đưa nước về được. Ai ai cũng có gạo để ăn mà”.

Cũng theo ông Canh, làm lúa nước của người Xê Đăng ở Trà Linh có những cái khác so với các dân tộc anh em khác. Đầu vụ, trước khi ra ruộng dọn cỏ, sạ lúa, người Xê Đăng thường dành một nơi rất linh thiêng giữa một khoảng sân rộng, thường là bên bể nước để cúng trình thần Nước và cầu mong một mùa lúa nước bội thu. Thông thường thì người Xê Đăng làm thịt một con heo to để cúng thần Nước và xua đuổi tà ma cho những thửa ruộng bậc thang của dân trong nóc mình.

Đi qua những thửa ruộng bậc thang, chúng tôi còn nhận ra một vật thiêng khá đặc trưng của người Xê Đăng treo trên ruộng nhà mình, thường là nơi đầu con nước chảy xuống. Nhìn xa như một chỏm lông được treo trên một cần tre phất phơ trước gió. Theo những già làng ở đây thì vật thiêng này có tác dụng xua đuổi những con ma rừng về phá phách ruộng lúa khi vào mùa mới. Và treo những vật thiêng này, các con vật khác cũng không dám đến phá khi lúa sạ xuống.

Có lẽ tuy hơi khác một chút, nhưng khi nhìn thấy những vật thiêng trên ruộng lúa bậc thang của người Xê Đăng ở Trà Linh, tôi lại nghĩ ngay đến những cây phướn, những người bù nhìn mà đồng bào Kinh nói riêng cũng như các dân tộc khác dùng để đuổi chim chuột khi đến mùa lúa mới. Tất cả những thứ ấy đều mong xua đuổi những điều không tốt ảnh hưởng đến năng suất cây lúa từ khi còn là những mầm mạ. Và đó cũng có lẽ là một đặc trưng chung của những người nông dân Việt Nam khi vào vụ lúa nước mới chăng?

Theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Trà Linh, thì hiện nay, với thu nhập nhờ trồng sâm ở các thôn của xã Trà Linh, cây lúa cho dù là cả lúa rẫy lẫn lúa nước tất nhiên không phải là đầu mối thúc đẩy kinh tế chính ở nơi đây; nhưng người dân vẫn miệt mài theo từng mùa vụ không chỉ vì mưu sinh mà còn là niềm vui nữa. Thực tế thì trồng lúa ở đây nhiều nhà dư ăn, rất ít gia đình thiếu lúa gạo trong mùa giáp hạt. Đó cũng là niềm vui của cán bộ cũng như giáo viên công tác ở khu vực này.

Chia tay với thôn 3, xã Trà Linh, khi tầm mắt xa dần những thửa ruộng bậc thang khuất mờ trong sương mà lòng cảm thấy có gì đó xốn xang, nuối tiếc. Bình yên quá - Hiền hòa quá -Nên thơ quá. Tiếng của những người nông dân Xê Đăng cười nói với nhau trên những thửa ruộng bậc thang càng làm tôi tin hơn một mùa lúa nước bội thu nữa lại sẽ về...

Thành Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN