Thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm qua mạng của người dân. Tuy nhiên, hình thức mua sắm tưởng như rất tiện lợi, nhanh chóng này lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho khách hàng.
Bên cạnh những món “hàng độc”, hàng giảm giá, vẫn có rất nhiều hàng kém chất lượng trà trộn với hàng thật được trưng trên các website bán hàng qua mạng. Đồng thời, nếu không cẩn thận, khách hàng còn có thể bị mất những thông tin cá nhân quan trọng của mình bởi các “giao dịch ma”.
Tiện thì có tiện nhưng...
Các website bán hàng trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều, rao bán đủ loại hàng hóa như: quần áo, trang sức, mỹ phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng... và lời cam kết sốc như “hàng chính hãng 100%”, “nếu phát hiện hàng giả thì đền tiền bằng 200% giá trị sản phẩm”... Tuy nhiên, qua công nghệ chỉnh sửa ảnh hiện đại, các sản phẩm từ bình thường bỗng trở nên lung linh, khác xa so với thực tế. Vì thế, không ít khách hàng đã trở thành “con mồi béo bở” của các website này.
Các trang bán hàng qua mạng luôn có những chiêu quảng cáo hấp dẫn. |
|
Chị Nguyễn Thị Trang (Hà Đông, Hà Nội) là “tín đồ” của các trang bán hàng online. Chị thường lùng sục các mặt hàng, dịch vụ... giảm giá, khuyến mãi để mua. Hàng vừa rẻ, lại được giao miễn phí nên chị khá yên tâm. Tuy nhiên, một lần chị mua chiếc máy làm sữa chua với giá 400.000 đồng (mức giá được ghi là đã giảm đến 40% so với giá gốc), mấy hôm sau vào siêu thị, chị Trang mới giật mình khi nhìn thấy chiếc máy này chỉ được bán với giá 290.000 đồng.
Còn Minh Huy, sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, chọn mua một lô áo phông 3 chiếc qua một trang bán hàng khá nổi tiếng. Trên đó, sản phẩm được ghi là hàng Việt Nam 100% cotton với giá giảm 50% so với giá gốc. Nhưng nhận hàng về, Huy mới “tá hỏa” khi thấy lô áo là... hàng Trung Quốc, chất vải nilông nên mặc rất nóng.
Không ít trang bán hàng qua mạng yêu cầu khách hàng phải thanh toán 100% giá trị đơn hàng rồi mới chuyển hàng đến. Khi hàng đến tay, dù “vỡ mộng”, khách hàng cũng không biết phải làm sao vì đã thanh toán hết tiền rồi. Hình thức thanh toán chuyển tiền trước, dựa vào yếu tố “tin nhau là chính” này hiện rất phổ biến tại các trang web mua bán nổi tiếng.
Quản lý việc kinh doanh qua mạng
Hình thức mua bán qua mạng đang rất phát triển ở Việt Nam khi lối sống công nghiệp ngày càng lan rộng, nhất là tại các đô thị lớn. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, khách có thể đặt mua tất cả những thứ mình thích thông qua các thiết bị cá nhân như laptop, điện thoại, máy tính bảng. Thông qua hình thức kinh doanh này, các doanh nghiệp không phải tốn nhiều chi phí quảng bá sản phẩm như phương thức truyền thống, còn khách hàng không phải làm các thủ tục mua bán rườm rà.
Tuy nhiên, công tác quản lý với mô hình kinh doanh này vẫn còn nhiều bất cập. Mới đây, vụ việc trang bán hàng trực tuyến Nhóm Mua tạm ngừng hoạt động, hay việc công ty Mua Bán 24 lừa đảo khách hàng với số tiền lớn là những lời cảnh cáo cho những ai vẫn thường xuyên mua bán qua mạng mà thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Những người mua hàng qua mạng thường truyền tai nhau rằng, chỉ mua những mặt hàng có giá trị thấp (khoảng vài trăm ngàn đồng). Nếu chất lượng hàng có không như rao bán thì cũng không quá “xót tiền”.
Trước đây, thị trường thương mại điện tử phát triển nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Không ít doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh mà hoạt động như những công ty ma, địa chỉ của công ty trên website cũng là giả. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2014, Nghị định 185 quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử sẽ phải đăng ký kinh doanh. Đơn vị nào không có đăng ký, hoạt động chui sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí là còn bị ngừng hoạt động.
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho khách hàng là nên chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng thay vì trả trước. Đồng thời, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm từ những website uy tín, có chế độ bảo hành sản phẩm, có chính sách hủy đơn đặt hàng, hoàn tiền cho khách, khiếu nại nếu không hài lòng về sản phẩm, dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại điện tử thường sử dụng các phần mềm phổ biến trên Internet đột nhập vào máy tính, cơ sở dữ liệu lấy quyền quản trị của người quản trị. Theo đó, các đối tượng này có thể trộm cắp dữ liệu; sử dụng phần mềm để truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu của các công ty bán hàng, thanh toán qua mạng và lấy các thông tin về email, tài khoản và mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng, mã số truy cập ngân hàng của khách. “Người sử dụng Internet nếu có giao dịch thương mại điện tử, cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân của mình”, ông Hưng gợi ý.
Bài và ảnh:Hoàng Dương