Chấn chỉnh quản lý
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý.
Theo Thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, những công trình vi phạm về trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Nguyên nhân chủ quan là cấp thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực. Sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, thiếu hiệu quả.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn khẩn trương, kiên quyết, chấn chỉnh việc quản lý xây dựng trên địa bàn, chấm dứt tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý theo pháp luật trước Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện sắp tới. Bí thư, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6/2020, nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này.
Đồng thời, tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố, thực hiện liên thông trong cấp phép xây dựng về điều kiện đất đai, quy hoạch và thiết kế công trình xây dựng. Đặc biệt, bố trí lại cán bộ, công chức ở phường, xã, thị trấn, quận, huyện có nhiều sai phạm, uy tín thấp.
Các đối tượng vừa qua đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng và mua bán trái pháp luật cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng xây dựng không phép đang có chiều hướng gia tăng, nhưng có thể khắc phục được nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ nay, xây dựng không phép, trái phép phải được phát hiện và xử lý ngay, không để kéo dài; đồng thời xử lý lực lượng môi giới nhà ở, công trình xây dựng vi phạm trái phép.
Ngành điện và ngành nước phải có sự phối hợp để ký hợp đồng điện, nước đúng quy định; cơ quan báo chí vào cuộc; lực lượng thanh tra xây dựng phải được sắp xếp lại cũng như bổ sung lực lượng cảnh sát khu vực trong việc giám sát trật tự xây dựng.
Kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm
Một giải pháp được xem như trực diện và mạnh tay cũng được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đề cập là giao Công an Thành phố khẩn trương xác minh, xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi.
Đơn cử mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, Tp. Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Trương Thị Thu Thủy, cán bộ Chi cục thuế quận 12 để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ phân lô tách thửa, tính sai tiền sử dụng đất, gây thiệt hại cho nhà nước 6 tỷ đồng.
Khu đất này có diện tích hơn 4.000 m2 ở mặt tiền đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 được tách thành 4 thửa. Các thửa đất này phải đóng tiền sử dụng đất và thuế đất theo khung quy định là 1,6 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi đóng thuế để chuyển mục đích sử dụng đất, các đối tượng đã cùng một số cán bộ địa phương biến khu đất này từ mặt tiền thành đất hẻm để đóng thuế thấp hơn nhiều so với quy định.
Dưới góc độ quản lý quận, huyện, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho hay, huyện sẽ ban hành quy trình phối hợp kiểm tra, xử lý các công trình đất đai, xây dựng trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm khi bị phát hiện sẽ áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, xử lý. Trường hợp thực hiện không đúng quy trình, để phát sinh công trình vi phạm thì xử lý nghiêm đối với cán bộ, lãnh đạo có liên quan.
Còn tại huyện Củ Chi, ông Lê Thanh Phong, Phó Bí thư Huyện uỷ huyện Củ Chi cho biết, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, huyện đã thực hiện niêm yết giấy phép xây dựng và danh sách các trường hợp xây dựng không phép, trái phép để người dân biết và cùng tham gia giám sát.
Trong tháng 8/2019, tình trạng xây dựng không phép trên địa bàn huyện giảm tới 40% so với tháng 7/2019. Huyện thành lập Tổ công tác để phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn và Đội Thanh tra địa bàn huyện kiểm tra thường xuyên và đột xuất các công trình đã cấp giấy phép xây dựng, công trình xây dựng không phép, sai phép, sử dụng sai công năng và các công trình phụ trợ. Kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ và xử lý theo quy định của pháp luật về trật tự xây dựng đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình sai công năng sử dụng so với giấy phép được cấp.
Ngoài ra, huyện cũng rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch các khu vực, tuyến đường quy hoạch không khả thi để điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, kiến nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND thành phố xem xét điều chỉnh 29 khu vực thuộc 14 đồ án quy hoạch phân khu, 20 khu vực thuộc 13 đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
Trở lại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian khá dài, trước khi có Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, trên tuyến đường như Bình Mỹ vốn “mọc” nhiều dự án phân lô trên đất nông nghiệp đã được cơ quan chức năng mạnh tay xử lý.
Huyện Củ Chi cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý hàng trăm căn nhà xây dựng theo kiểu 3 chung (chung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà) do vướng mắc về mặt pháp lý, cách hiểu và áp dụng quy định còn khác nhau.
Khu vực xây hàng trăm căn nhà “3 chung” cách trụ sở UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi chưa đầy 500m đã được chuyển đổi thành đất ở. UBND huyện cấp giấy phép xây dựng theo quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng 1 hồ sơ cho chủ đất, nhưng chủ đầu tư lập hồ sơ thiết kế chia thành nhiều căn nhỏ, dẫn tới hình thành các khu nhà ở liền kề, không phù hợp với điều kiện nhà ở nông thôn, phát sinh chuyển nhượng căn hộ bằng giấy tay, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà cũng như các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.
Còn tại khu vực phường Hiệp Thành, quận 12, trước đây xuất hiện một số trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên đất của người khác, san ủi, đổ bê tông trên đường dự phòng HT13. Ngoài việc kiểm tra, xử lý, các trường hợp vi phạm này, UBND quận 12 cũng tiến hành kiểm tra, xử lý ở các phường khác.
Những động thái quyết liệt từ lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh đến chính quyền cơ sở đã và đang thể hiện sử chuyển biến trong việc chấn chỉnh quản lý trật tự xây dựng, đô thị trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, bước đầu được người dân đồng tỉnh, ủng hộ.