Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961 - 2011): Toàn xã hội chăm lo cho các nạn nhân

Chiến tranh đã lùi xa hơn 36 năm song thảm họa da cam vẫn còn đó với 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất da cam, trong đó có hơn 3 triệu nạn nhân, khoảng 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Nạn nhân cũng như gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày vì bệnh tật, nghèo đói. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của các nạn nhân luôn được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm, đặt lên hàng đầu nhằm góp phần xoa dịu một phần nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam.

hội hóa thành công các phong trào nhân ái


Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999, đến nay đã là 12 năm, giúp đỡ được hàng chục triệu lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. “Quan trọng hơn cả là phong trào đã được xã hội hóa từ hàng chục năm qua. Toàn dân đã chung tay cùng Hội Chữ thập đỏ chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình nạn nhân da cam đón Tết đầm ấm, nhiều niềm vui. Việc làm này của toàn xã hội đã góp phần nhân lên nhiều lần ý nghĩa truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc ta”- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Trần Ngọc Tăng khẳng định…

Sáng 7/8/2011, tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình đi bộ “Vì nạn nhân chất độc da cam và người nghèo khuyết tật”. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Qua 13 năm thực hiện phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" (1999-2008), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động và trao tặng gần 557 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 5 triệu lượt hộ gia đình nghèo và nạn nhân chất độc da cam, trung bình mỗi năm hỗ trợ 518.000 lượt người, từng bước giúp họ xóa đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Riêng trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, tổng số quyên góp, ủng hộ lên tới 240 tỷ đồng, đây là con số lớn nhất từ trước tới nay cho phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Nhiều loại hình, mô hình vận động, quyên góp đã được các tỉnh, thành Hội nhân rộng trong toàn quốc như: "Chương trình cây mùa xuân"; "Đi bộ đồng hành vì người nghèo"; "Đêm giao lưu nối vòng tay nhân ái; "Cặp bánh chưng xanh giúp người nghèo"; "Bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo dịp Tết"... đảm bảo mọi người nghèo dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng được đón Tết.

Bên cạnh phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2004 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn thực hiện hiệu quả “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” vào tháng 8 hàng năm. Trong 3 năm, từ 2008-2010, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong cả nước đã vận động được hơn 117 tỷ, hỗ trợ cho gần 434.849 lượt nạn nhân. Dẫn đầu trong việc vận động gây Quỹ là Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng... đạt được từ 20 tỷ đến 34 tỷ đồng; tỉnh thuần nông như Hưng Yên cũng đạt 9,702 tỷ đồng; Đắk Nông là tỉnh mới tái lập nhưng cũng đạt hơn 7,1 tỷ đồng…

Trợ giúp bền vững cho các nạn nhân

 

Bên cạnh bệnh tật hiểm nghèo, cuộc sống của các nạn nhân và gia đình của họ thường rất khó khăn, đa phần là những người nghèo. Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin nhận định: Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Nắm bắt được điều đó nên bên cạnh thăm, tặng quà, bảo trợ thường xuyên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam rất chú trọng giúp đỡ các nạn nhân vượt qua đói nghèo, vươn lên hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức mang tính phát triển và bền vững tại cộng đồng. Điển hình là các hoạt động: Tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua nhóm tự giúp của các gia đình hội viên chữ thập đỏ; dạy nghề, tạo việc làm; cho vay vốn chăn nuôi, phát triển sản xuất và các dịch vụ tăng thu nhập; cấp nhà chữ thập đỏ. Bên cạnh đó là cấp học bổng cho học sinh, sinh viên là con em gia đình nạn nhân chất độc da cam; cấp xe lăn, xe lắc tay cho các nạn nhân bị khuyết tật vận động...

Đặc biệt là dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh” giai đoạn 2006-2010 do Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện khám phân loại nạn nhân; phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân; hỗ trợ vốn và phương tiện sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình nạn nhân. Dự án đã được đánh giá là một trong 10 mô hình tốt nhất ở Việt Nam về giúp đỡ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam năm 2009-2010. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình này đến các tỉnh đang có nhiều nạn nhân như: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai… giai đoạn 2011-2015.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Để giải quyết hậu quả chất da cam với sức khỏe con người một cách thấu đáo, bền vững cần quan tâm giải quyết cái gốc của vấn đề. Đó là nên hạn chế tới mức thấp nhất việc tiếp tục sinh ra các thế hệ con, cháu bị dị tật bẩm sinh. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp tư vấn và hỗ trợ sinh sản đối với các cặp vợ chồng có dấu hiệu bị ảnh hưởng của chất da cam.

Thực tế cho thấy, việc sinh con, cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam đã gây ra thảm cảnh cho nhiều gia đình. Thống kê gần đây do Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAVA) cung cấp cho thấy: 22% số gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên; 70% hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo; 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Thậm chí có gia đình còn có 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam, là gia đình ông Đỗ Đức Địu (Quảng Bình), hiện chỉ còn 3 con còn sống với bệnh tật hành hạ hàng ngày…Việc ra đời Trung tâm tư vấn Da cam và sức khỏe sinh sản là cần thiết, góp phần tư vấn cho các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng chất độc da cam, hạn chế sinh ra các thế hệ nạn nhân chất độc da cam mới với nhiều loại bệnh liên quan đến di truyền, góp phần nâng cao chất lượng dân số nước ta.

Thanh Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN